Chưa khẳng định 3 trẻ sơ sinh tử vong do "tiêm nhầm thuốc"

Thứ Bảy, 26/10/2013, 11:25
Sáng 25/10, dư luận xôn xao nguyên nhân 3 đứa trẻ sơ sinh bị tử vong sau tiêm vaccin phòng viêm gan B (xảy ra sáng 20/7, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) là do “tiêm nhầm thuốc gây co bóp tử cung”.
>> Ba trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm phòng vaccin viêm gan B

Thông tin được đăng tải trên Báo Lao động, theo đó tin còn cho biết, tại thời điểm tiêm chủng, Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa bị mất điện, nhân viên tiêm chủng vì thế đã dùng điện thoại soi tìm vaccin. Do ở đây vaccin được bảo quản chung với thuốc gây co tử cung Oxytocin nên thay vì lấy vaccine phòng viêm gan B, nhân viên tiêm chủng đã lấy nhầm thuốc gây co tử cung tiêm cho 3 cháu bé…

Tìm hiểu thông tin trên Báo Lao động cũng như thông tin các phóng viên, tòa soạn các báo cho rằng, hiện đã có kết luận về nguyên nhân khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong, nhưng Công an tỉnh Quảng Trị giấu giếm sự việc, chúng tôi được Đại tá Trần Đức Việt, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Hiện Công an tỉnh Quảng Trị vẫn đang điều tra vụ việc, chưa có kết luận gì về nguyên nhân khiến cả 3 trẻ sơ sinh trên bị tử vong sau tiêm vaccin phòng viêm gan B.

Trước đó, vào chiều 10/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” để áp dụng các biện pháp điều tra theo quy định của pháp luật.

Trở lại thông tin 3 trẻ sơ sinh bị tử vong, các cán bộ chức năng UBND tỉnh Quảng Trị lý luận rằng: Trong trường hợp Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa bị mất điện, nhân viên tiêm chủng dùng đèn pin điện thoại lấy nhầm thuốc, nhưng khi tiêm là tại phòng sau sinh có đầy đủ ánh sáng, nhân viêm tiêm chủng lúc này mới tiến hành hút thuốc từ chai vào bơm tiêm để tiêm cho trẻ, không có lý do gì nhân viên này không nhìn rõ các dòng chữ ghi trên lọ thuốc là Oxytocin hay vaccin viêm gan B.

Nhân viên tiêm chủng là người đầu tiên biết được việc 3 đứa trẻ có những biểu hiện không bình thường, cũng là người đầu tiên gọi điện thoại cho bác sĩ trực đến cấp cứu bệnh nhân, họ có đủ thời gian để phi tang cả 3 vỏ thuốc và bơm tiêm trong trường hợp tiêm nhầm thuốc. Trong trường hợp sự việc xảy ra không theo diễn biến tâm lý xấu hay ý nghĩ xấu của nhân viên tiêm chủng thì họ đã khai báo sự việc ngay với cơ quan điều tra...

Thanh Bình
.
.
.