Chưa hết nỗi lo sạt lở, lại sợ sập nhà

Thứ Hai, 06/01/2020, 09:04
Việc triển khai công trình khắc phục sạt lở bờ sông nhằm bảo vệ nhà cửa, tính mạng, tài sản của người dân là rất cần thiết. Tuy nhiên, khi thi công, đơn vị thi công đã khiến người dân lo lắng khi nhà cửa bị sụt lún, rạn nứt, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.


Cách đây chưa lâu, từ tối 29-8 đến rạng sáng 1-9-2019, tại khu vực chợ Cầu Lộ, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) nằm cặp bờ kênh Rạch Vọp xảy ra sạt lở, ăn sâu vào bờ 10m, dài 60m, độ sâu từ 5-6m, nhấn chìm 9 căn nhà bán kiên cố cùng nhiều tài sản có giá trị. Ngoài ra, sạt lở còn đe dọa gần 20 căn nhà khác ở xung quanh. Vụ sạt lở cũng đã cắt đứt đường ra vào khu vực chợ. Rất may, sạt lở không thiệt hại về người. Ước thiệt hại tài sản trên 1 tỷ đồng.

Sau khi xảy ra sạt lở, tỉnh Sóc Trăng có kế hoạch xây dựng bờ kè chống sạt lở cho khu vực nói trên và dự án được tiến hành cách đây hơn một tháng. Nhưng hiện nay việc thi công bờ kè chống sạt lở lại gây bất an cho người dân khi nhà cửa bị sút lún, rạn nứt và có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào.

Khu vực bờ kè chống sạt lở đang thi công tại xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, Sóc Trăng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng (66 tuổi), lo lắng: “Nhà tôi không còn an toàn nữa. Vách nhà, nền nhà bị nứt be bét, xê dịch khá xa so với vị trí cũ, không biết sập khi nào. Cách đây khoảng 1 tháng, khi đơn vị thi công công trình tiến hành đóng hàng cọc thứ nhất xây dựng bờ kè, nhà tôi bắt đầu có dấu hiệu sụt lún, rạn nứt. Đến khi họ đóng hàng cọc thứ hai thì nhà tôi nứt be bét, vách tường bị xé, nhiều chỗ đút lọt bàn tay, trông sang thấy nhà kế bên. Nền nhà bị nứt ngang, nứt dọc nhiều vệt dài, nhìn thấy khiếp. Do vậy cả nhà tôi chỉ dám ở ban ngày mua bán, còn ban đêm phải đóng cửa đi ngủ nhờ hoặc thuê chỗ ngủ”.

Quan sát, chúng tôi thấy các vết nứt trên nền nhà, trên tường, cột nhà ngày càng rộng. Người dân đã gửi đơn kêu cứu đến xã, huyện nhưng chưa thấy ai giải quyết. Cả dãy có 9 căn nhà bị hư hại, mấy hộ khác có điều kiện đã dời đi chỗ khác ở, còn gia đình bà Hồng buôn bán hàng nhựa, không khá giả nên đành ở lại.

“Chúng tôi mong đơn vị thi công bờ kè có biện pháp khắc phục tình trạng hư hại nhà cửa của người dân, chính quyền hỗ trợ cho chúng tôi sửa chữa lại nhà cửa để gia đình ổn định cuộc sống, nhất là Tết Nguyên đán đã cận kề rồi”, bà Hồng nói.

Sát vách nhà bà Hồng là nhà bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (57 tuổi) cũng xuất hiện hàng loạt vết nứt trên tường, dưới nền nhà; nhiều trụ nhà bị nứt ngang, rất nguy hiểm. Cũng như hoàn cảnh của bà Hồng, gia đình bà Tuyết ban ngày bám trụ buôn bán, tối đi thuê nhà trọ ngủ vì sợ nhà bị sập.

Tường nhà bà Hồng bị nứt toác do thi công bờ kè.

Lật những tấm gạch men lót nền nhà đã bị vỡ cho chúng tôi xem vết nứt dưới nền nhà, bà Tuyết, chia sẻ: “Nhà nước đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở, bà con chúng tôi rất phấn khởi ủng hộ. Tuy nhiên, khi đơn vị thi công tiến hành xây dựng thì chúng tôi chưa hết lo vì sạt lở giờ đối mặt với nỗi lo nhà sập khi đơn vị thi công chưa tính đến ảnh hưởng của công trình đối với nhà cửa của bà con. Căn nhà của gia đình tôi được xây kiên cố, nhưng khi công trình xây dựng bờ kè được thi công thì nhà xuất hiện vết nứt có lớn, có nhỏ khiến cho chúng tôi không yên tâm. Chúng tôi rất mong nhà nước và đơn vị thi công có biện pháp khắc phục, tránh sự việc xấu có thể xảy ra”.

Được biết, đoạn bờ kè đang được thi công có chiều dài khoảng 60m, do Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư; đơn vị thi công thuộc Công ty CP Xây dựng hạ tầng Giao thông Thủy lợi Hà Nội.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch UBND xã Thới An Hội (Kế Sách), cho biết: “UBND xã đã tiếp nhận đơn của bà con về tình trạng nhà cửa của họ bị hư hỏng do công trình gây ra. Vì đây là dự án của tỉnh nên chúng tôi chỉ có trách nhiệm báo cáo, chuyển đơn của bà con lên UBND huyện Kế Sách có giải pháp xử lý”.

Đ.Văn – C.X
.
.
.