Chưa giám sát học và thi bằng lái xe bằng camera vì thiếu tiền?

Thứ Bảy, 02/05/2020, 07:45
Theo lộ trình tại Thông tư 38/2019 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về đào tạo sát hạch lái xe, từ đầu năm 2020 các đơn vị đào tạo phải thực hiện giám sát bằng camera đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch. Thế nhưng đến nay, quy định này chưa thể triển khai, một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một phần khác do vốn đầu tư lớn nên các cơ sở đào tạo còn… nhìn nhau.


Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 với nhiều nội dung quan trọng nhằm siết chặt công tác đào tạo, thi sát hạch GPLX. Những thay đổi cụ thể như bổ sung 2 môn học là xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên cabin. Theo lộ trình, từ ngày 1-1-2020, phải thực hiện giám sát bằng camera đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch.

Từ ngày 1-5-2020, giám sát việc học lý thuyết bằng vân tay hay nhận dạng khuôn mặt để giám sát toàn bộ quá trình học của học viên. Dù quy định là thế, song do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mới đây Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải lùi thời gian áp dụng quy định giám sát học lý thuyết lái xe ôtô bằng vân tay đối với môn pháp luật giao thông đường bộ.

Cơ sở đào tạo phải lắp camera để giám sát việc học và thi bằng lái xe.

Dù Bộ GTVT có chấp thuận hay không, thì trên thực tế cũng phải thừa nhận rằng việc lắp đặt camera giám sát trên sân sát hạch, camera giám sát quá trình thực hành và lắp thiết bị GPS trên các xe tập lái đang khiến các trung tâm đào tạo lái xe gặp khó vì số vốn đầu tư quá lớn.

Theo tính toán của các trung tâm sát hạch lái xe, chỉ riêng tiền lắp đặt camera giám sát thực hành trên xe và GPS giám sát hành trình đã mất khoảng 10 triệu đồng/xe. Với những trung tâm đào tạo quy mô lớn, lên tới hàng trăm xe thì số tiền đầu tư ban đầu không hề nhỏ.

Ngoài ra, cũng theo Thông tư 38 quy định, mỗi học viên phải có tối thiểu 3 giờ tập luyện trên cabin tập lái điện tử. Khảo sát của mô hình này cho thấy, giá lên tới 500 triệu đồng/chiếc. Để đủ mô hình cabin điện tử cho các học viên thì mỗi trung tâm cũng phải đào tạo vài chục chiếc.

Cũng bởi số vốn đầu tư theo Thông tư 38 quá lớn nên hầu hết các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe đều chưa dám “quyết”, mà còn nghe ngóng các đơn vị khác cũng như động thái từ cơ quan chức năng. Đại diện Trung tâm dạy nghề và đào tạo lái xe Lạc Hồng cho hay, chỉ riêng lắp camera và thiết bị giám sát hành trình để quản lý thời gian học thực hành của học viên, các trung tâm đào tạo phải mất khoảng 5 - 6 tỷ đồng. Trong điều kiện học viên ngày càng giảm, số tiền đầu tư lớn, gây khó cho các trung tâm đào tạo.

Đáng nói, không chỉ cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý Nhà nước cũng đang loay hoay tìm nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giám sát. Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Thông tư 38 có điểm mới là yêu cầu các trung tâm đào tạo, sát hạch phải lắp camera giám sát trong các phòng sát hạch lý thuyết và trong sân sát hạch.

Dữ liệu từ đây sẽ được truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để các cơ quan như các Ban ATGT truy cập theo dõi giám sát. Tổng cục Đường bộ đề xuất 3 phương án kết nối và duy trì hệ thống. Phương án 1 là đầu tư toàn bộ phần cứng và phần mềm quản lý. Phương án này nếu lưu trữ dữ liệu 1 năm, kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 7,5 tỷ đồng; nếu 2 năm đầu tư ban đầu mất trên 10 tỷ đồng.

Dữ liệu từ các trung tâm sẽ được truyền về cơ quan quản lý, tính chuẩn xác của dữ liệu, công khai, minh bạch, phục vụ tốt cho xử phạt nguội vi phạm. Phương án 2 là thuê lưu trữ dữ liệu kết nối và khai thác dữ liệu này tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Phương án này nếu yêu cầu lưu trữ dữ liệu 1 năm, kinh phí đầu tư ban đầu khoảng trên 2 tỷ đồng, nếu 2 năm mất 5,5 tỷ đồng.

Còn phương án 3 là dữ liệu sẽ được lưu trữ tại các trung tâm sát hạch, Tổng cục chỉ đầu tư phần mềm kết nối dữ liệu camera tại các trung tâm để theo dõi, giám sát và chia sẻ với các cơ quan chức năng. Kinh phí dự kiến cho phương án này khoảng 800 triệu đồng/năm. Nhưng Tổng cục cũng e ngại, phương án này thì các trung tâm đào tạo, sát hạch có thể can thiệp, chỉnh sửa…

Để đầu tư được những trang thiết bị trên, bản thân Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thừa nhận, đang quá sức, quá khả năng điều chỉnh của Tổng cục. Vì vậy, Tổng cục đang xin chủ trương đầu tư bằng các nguồn vốn khác.

Bản thân Tổng cục Đường bộ Việt Nam đến nay cũng chưa xác định được nguồn vốn đều đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng. Còn các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cũng chưa dám chi ra cả chục tỷ đồng để nâng cấp trang thiết bị, lắp đặt camera đáp ứng theo Thông tư 38, nhất là trong bối cảnh học viên ngày một ít ỏi, các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe ngày một nhiều…

Có thể học trực tuyến môn lý thuyết cấp bằng lái xe để phòng dịch COVID-19

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu các Sở GTVT chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe ôtô tổ chức đào tạo trực tuyến các môn học lý thuyết trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, lớp học trực tuyến phải được tổ chức tại cơ sở đào tạo, thông qua phần mềm dạy học trực tuyến để giáo viên giao tiếp với học viên. Bên cạnh đó, giáo viên quản lý lớp theo quy chế đào tạo trực tuyến đảm bảo học viên tham gia học đầy đủ và lưu trữ hồ sơ tài liệu để làm minh chứng. Việc điểm danh được thực hiện bằng hình ảnh học viên tham gia lớp học trực tuyến, được chụp màn hình và ghi chép sổ sách theo quy định. Việc kiểm tra hết môn học được thực hiện bằng hình thức trắc nghiệm hoặc bài viết thu hoạch do học viên viết tay, có chữ ký xác nhận của học viên, được chụp gửi bằng các ứng dụng cho giáo viên chấm điểm và gửi bản gốc để lưu kèm…

Đặng Nhật
.
.
.