Chữa bệnh nói ngọng cho học sinh phải bắt đầu từ lớp 1

Thứ Tư, 02/05/2012, 20:13
Để "chuẩn hoá" tiếng Việt cho học sinh phải bắt đầu từ lớp 1. Nhưng thực tế cho thấy ngay đến đội ngũ giáo viên cũng có 10% nói ngọng, thêm nữa các em tiếp xúc với môi trường có nhiều người phát âm sai cũng là một trở ngại lớn.

Có một thực tế là tại các huyện ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là khu vực Hà Tây và Vĩnh Phúc cũ, tỷ lệ người dân nói ngọng chữ “n” và “l” khá phổ biến. Điều này càng trở nên đáng báo động khi mà trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số bác sỹ, tiến sỹ khoa học, giám đốc... cũng phát âm sai chữ "n" thành chữ "l" và ngược lại.

Nhận thấy việc sữa lỗi nói ngọng và viết sai do nói ngọng là một việc làm thiết thực góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai đề án “Luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm đầu l, n” tại 13 quận, huyện ngoại thành Hà Nội - nơi được xem là các địa phương có tỷ lệ học sinh nói ngọng cao nhất trên địa bàn Thủ đô.

Theo kết quả khảo sát của Sở GD&ĐT Hà Nội tại 13 huyện ngoại thành, bao gồm Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm, Sóc Sơn cho thấy, có 22,27% trong số 203.832 học sinh (HS) và 11,80% trong số 10.875 giáo viên (GV) nói và viết sai chữ l, n. Trong đó, huyện có tỷ lệ HS nói ngọng nhiều nhất là Mê Linh, Phú Xuyên. Tiếp đến là Ứng Hòa, Thường Tín, Sóc Sơn.

Việc GV nói ngọng chiếm hơn 10% trong tổng số GV đứng lớp trên thực tế đã khiến cho nhiệm vụ “chuẩn hóa” tiếng Việt cho HS Thủ đô trở nên khó khăn hơn bởi lẽ đến GV cũng nói không chuẩn thì làm sao dạy HS đúng chuẩn.

Vì thế, ngoài việc yêu cầu các trường tiểu học phải thường xuyên chú trọng việc sửa phát âm, viết sai khi dạy tiếng Việt, đặc biệt là các môn tập đọc, tập viết, tập làm văn; các trường phải bố trí ít nhất 1 - 2 tiết/tuần để luyện tập, chữa ngọng cho HS thì Sở GD&ĐT Hà Nội còn đưa ra quy định, nếu GV nào nói ngọng mà không sửa được sẽ không cho làm công tác giảng dạy và chuyển làm công tác khác. Chính quy định này khiến các GV luôn có ý thức, mục tiêu để sửa bởi đứng lớp mà nói ngọng thì đúng là khó có thể chấp nhận được. Và kết quả là tỷ lệ nói ngọng ở GV ở các trường được khảo sát đều đã giảm mạnh.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là việc giảm nói ngọng ở HS lại có vẻ như thiếu “bền vững” do hằng ngày các em phải tiếp xúc với ông bà, thậm chí cả bố mẹ, đều là những người nói ngọng. Do đó, lúc ở nhà, đa phần các trường hợp các em phát âm sai đều không được người lớn phát hiện để điều chỉnh.

Theo đề xuất của một số GV, để giải quyết được việc nói ngọng của các em có hiệu quả, Sở GD&ĐT cần phải yêu cầu các trường triển khai mạnh mẽ ở ngay từ lớp 1, thậm chí là từ mẫu giáo để các em có nền tảng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lại cho rằng, ở cấp tiểu học khi được thầy cô quan tâm thì số các em nói ngọng giảm hẳn nhưng khi lên cấp học cao hơn thì lại tái ngọng tương đối nhiều bởi không có ai theo sát để sửa. Chính vì thế, các GV này đề xuất, việc sửa nói ngọng cần phải được duy trì liên tục từ cấp tiểu học cho đến phổ thông trung học; cần được quán triệt từ cả phía nhà trường lẫn gia đình. Có như thế, việc “chuẩn hóa” tiếng Việt cho HS Thủ đô mới thực sự có hiệu quả và bền vững

Huyền Thanh
.
.
.