Chủ "hết tiền" hoàn thiện, tệ nạn "vào" biệt thự bỏ hoang
Báo CAND đã có bài phản ánh về tình trạng hàng loạt biệt thự xây thô ở Hà Nội bị bỏ hoang. "Hầu hết các ngôi biệt thự, nhà vườn ở Hà Nội đều đã có chủ chứ không phải là nhà chưa bán" - đó là lời khẳng định của cả đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD), thuộc Bộ Xây dựng cũng như Công ty cổ phần Tu tạo và Phát triển nhà.
Bỏ hoang biệt thự vì … không có tiền(?)
Theo một đại diện của HUD thì Công ty biết rõ tình hình các ngôi biệt thự vẫn bỏ hoang sau 5-6 năm xây dựng mà Báo CAND vừa phản ánh và cũng rất muốn các chủ sở hữu đến ở để có thể thu được phí bảo vệ, phí môi trường, cũng như tạo sự hoàn thiện cho bộ mặt khu đô thị như một cách làm đẹp thương hiệu.
Vì thế, Công ty đã nhiều lần gửi công văn đề nghị các chủ nhà hoàn thiện nhà để đến ở, nhưng không kết quả. Chủ của các ngôi biệt thự ở các vị trí tuyệt đẹp này - có ngôi nằm đúng một ngã tư phố Nguyễn Hữu Thọ - đều có chung lý do là… chưa có tiền! Điều này có đáng tin cậy hay không ai cũng biết, bởi để được sở hữu một ngôi biệt thự thường phải có khả năng kinh tế như thế nào!
Theo ông Thắng, Chánh Văn phòng của HUD thì trong số chủ các ngôi biệt thự ở Linh Đàm, người của HUD chỉ đếm trên đầu ngón tay, do đa phần không có điều kiện nên đều ở chung cư.
Tuy nhiên, HUD không muốn công bố danh sách các chủ nhà bỏ hoang vì điều quan trọng là, hầu như không có thảo dân trong danh sách chủ của những ngôi biệt thự hoang phế này. Cũng vì thế mà rất khó có thể thu lại các ngôi biệt thự dù đã bỏ không nhiều năm, vì e sẽ… động chạm.
Một đại diện của chủ dự án ở Khu đô thị Mễ Trì cũng cho rằng, số biệt thự bỏ không nhiều, nhưng không thể buộc chủ nhà hoàn thiện nhà khi đã thuộc sở hữu của họ.
Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, việc thu hồi các ngôi nhà bỏ không sau thời gian dài hoàn toàn không phải vô phương cách.
Để đảm bảo cảnh quan của khu đô thị, hợp đồng kinh tế của HUD với khách hàng qui định rõ thời gian phải đến ở sau khi mua. Vấn đề là, HUD có muốn làm hay không, vì chỉ căn cứ vào điều khoản này ghi trong hợp đồng đã đủ điều kiện.
Tuy nhiên, số lượng người của chính đơn vị chủ đầu tư sở hữu những ngôi biệt thự này cũng ảnh hưởng đến quyết định việc có kiên quyết hay không trong việc xoá bỏ nhà hoang ở những khu đất đang được coi là lý tưởng của Hà Nội.
Vị đại diện của HUD cũng cho biết, mới đây, chỉ có thanh tra của một lực lượng vũ trang tìm hiểu xem số người trong lực lượng đứng tên mua nhà và biệt thự ở đây, còn các đơn vị khác chưa thấy. Đây cũng là một biện pháp tốt mà HUD có thể phối hợp với các ngành, các cấp để thúc đẩy việc giải quyết vấn đề nhà bỏ hoang ở khu đô thị.
Chuyện không của riêng chủ nhà
Việc các ngôi biệt thự bỏ hoang khiến công tác bảo vệ an ninh trật tự ở đây thêm phức tạp. Thực tế, các ngôi nhà này đã là địa điểm tụ tập của những kẻ nghiện hút, khiến lực lượng An ninh địa phương phải vất vả thêm trong công tác bảo vệ.
Đồng chí Trần Đức Long, Trưởng Công an huyện Từ Liêm cho biết: "Các ngôi nhà bỏ hoang này không chỉ gây nên sự lãng phí tài sản xã hội, khiến công tác phòng chống dịch ở địa bàn cũng thêm… việc, vì sự hoang phế, rậm rạp của các ngôi nhà chính là nguồn gây dịch bệnh. Chúng tôi cũng không ngại khó, ngại khổ trong công tác bảo vệ bình yên cho nhân dân, nhưng rõ ràng là lực lượng Công an phải lo toan nhiều hơn, trong khi đã có khá nhiều vụ việc phức tạp cần được quan tâm. Giá mà các ngôi nhà đều có chủ ở thì sẽ đỡ đi rất nhiều".
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, một người dân ở Khu đô thị Mễ Trì Hạ bức xúc: "Tệ nạn xã hội trong các ngôi nhà hoang là nỗi lo thường trực về an ninh của những người dân chúng tôi, bởi nghiện ma túy luôn đồng hành cùng trộm cắp, thậm chí là cướp giật, án mạng".
Lý do đích thực của việc có rất nhiều ngôi biệt thự trị giá vài tỉ, thậm chí hơn chục tỉ đồng đang bị bỏ hoang tại các khu đô thị, trong bối cảnh Hà Nội luôn khó khăn trong quỹ đất giải phóng mặt bằng, chắc chắn ai cũng hiểu.
Vì thế, về quản lý nhà bỏ hoang, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng có ý kiến: Dự án xây nhà lên phải có người ở chứ không phải để bỏ hoang. Khi còn nhiều nhà bỏ không chứng tỏ nhiều người mua chưa có nhu cầu về nơi ở.
Để khuyến khích người đến ở, ngoài sự đồng bộ của cơ sở hạ tầng, Nhà nước cần có chế tài ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ bất động sản bằng biện pháp thu thuế sử dụng đất, thuế sử dụng nhà.
Để tìm hiểu một số vấn đề liên quan những ngôi biệt thự bỏ hoang, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Đặng Hùng Võ (ĐHV) - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường: PV: Thưa ông, là chuyên gia ở lĩnh vực đất đai, xin ông cho biết ý kiến về việc hiện có cả trăm ngôi biệt thự bỏ hoang tại các khu đô thị mới ở Hà Nội? GS.TSKH ĐHV: Luật Đất đai năm 2003, Điều 15 quy định "Nhà nước nghiêm cấm hành vi không sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích"; Khoản 3 Điều 38 quy định "Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không có hiệu quả". Đây là nguyên tắc tối thượng về sử dụng đất, bảo đảm bản chất sở hữu toàn dân về đất đai, nhằm loại trừ tình trạng đầu cơ đất. Vì vậy, bỏ hoang các ngôi biệt thự là vi phạm Luật Đất đai, không chỉ lãng phí tài sản nhà ở, mà quan trọng là lãng phí lớn về đất ở. Nhiều người quan niệm biệt thự cũng như xe máy, ti vi, nên chủ sở hữu có quyền đến ở hay không là sai, vì quyền sở hữu đất đai khác hẳn quyền sở hữu các đồ vật. Người được sử dụng đất ngày nay đang còn mắc nợ xương máu những người đã hy sinh để bảo vệ đất nước. Ngay ở các nước tư bản, những nước thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai cũng quan niệm như vậy, không phải người có đất muốn làm gì với đất cũng được. PV: Liệu có hiện tượng đầu cơ trong việc hàng trăm ngôi biệt thự bỏ hoang nhiều năm với lý do không có tiền để hoàn thiện? GS.TSKH ĐHV: Chắc chắn đó là đầu cơ vì nếu chủ sở hữu của các ngôi biệt thự bỏ hoang đã bỏ khá nhiều tiền ra mua để ở vì không có chỗ ở, thì họ phải hoàn thiện sớm để chuyển đến. Nhưng vì đã có chỗ ở nên ngôi biệt thự bỏ hoang đó phải nằm trong kế hoạch đầu cơ sinh lợi, và việc bỏ hoang do chưa được giá nên chưa bán. PV: Theo ông, giải pháp nào để có thể chấm dứt được tình trạng đầu cơ nhằm thao túng thị trường nhà đất trong tương lai? GS.TSKH ĐHV: Chống đầu cơ nhà đất là một sự nghiệp rất khó khăn, vì khả năng sinh lợi rất lớn cũng như do các mối quan hệ phức tạp giữa các chủ đầu tư dự án xây dựng kinh doanh nhà ở với các nhà đầu cơ đất đai nhiều vốn, với các "cò" nhà ít vốn giúp các chủ đầu tư thực hiện đầu cơ, với các quan chức thuộc cơ quan quản lý nhà đất. Có 2 biện pháp: quyết định hành chính thu hồi đất hoặc trừng phạt về kinh tế. Pháp luật của ta hiện chỉ mới cụ thể hóa việc nghiêm cấm bằng cách thu hồi đất trong trường hợp các chủ đầu tư thực hiện dự án không đưa đất vào sử dụng sau 12 tháng hoặc sử dụng đất không đúng tiến độ dự án sau 24 tháng. Biện pháp này ít phù hợp thực tiễn vì khó xử lý với tài sản đã đầu tư trên đất. Biện pháp trừng phạt về kinh tế thông qua thuế sử dụng đất mang lại hiệu quả cao hơn, khi người sử dụng đất không đưa đất vào sử dụng phải nộp thuế rất cao mà Nhà nước lại tăng thu ngân sách từ những trường hợp có đất nhưng không sử dụng. Hầu hết các nước phát triển đều dùng chính sách thuế để ngăn chặn đầu cơ đất đai. Thuế đánh rất cao vào trường hợp có đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng quá nhiều nhà đất để ở so với mức nhà ở trung bình trong xã hội. Điều đó sẽ lành mạnh hóa thị trường bất động sản; sử dụng đất hiệu quả cao và là chính sách xã hội để bảo vệ công bằng quyền lợi đối với đất đai, bảo vệ quyền lợi của người nghèo. Chính sách thuế sử dụng đất của ta rất lạc hậu, đổi mới thuế sử dụng đất cần được coi là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Việc bỏ hoang nhà đất không sử dụng là vi phạm Luật Đất đai, nhưng chế tài xử lý thì chưa có. PV: Cám ơn ông về cuộc trao đổi! |