Bình Dương:

Chủ động ngăn chặn, ứng phó với bệnh tả

Thứ Sáu, 18/04/2008, 09:50
Để sẵn sàng ứng phó khi bệnh tả xảy ra, ngoài việc chuẩn bị đủ số lượng hóa chất để xử lý, ngành Y tế tỉnh Bình Dương còn chỉ đạo các cơ sở y tế từ tuyến xã trở lên chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, dịch truyền, kháng sinh, phòng điều trị cách ly, trang thiết bị y tế... để điều trị, cấp cứu bệnh nhân

Nguy cơ xuất hiện bệnh tả là rất cao

Nằm giáp ranh với TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương lại có trục giao thông đường sắt, đường bộ từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung đi vào TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Nam và ngược lại. Chỉ riêng tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn chạy qua huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương) dài gần 30km, hàng ngày có hàng chục chuyến tàu khách chạy qua. Chỉ cần một hành khách mang bệnh tả phóng uế xuống dọc đường ray, nguy cơ lây lan bệnh tả là rất lớn.

Bình Dương hiện có 25 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động thu hút gần 500.000 lao động. Trong đó có khoảng gần 350.000 là lao động các tỉnh phía Bắc, hàng ngày có hàng chục công nhân về thăm gia đình và ngược lại cũng có nhiều người ở các tỉnh phía Bắc vào Bình Dương thăm người thân và tìm việc làm. Bệnh tả là loại bệnh lây lan rất nhanh. Chỉ cần một người có vi trùng tả, khi thả phân ra môi trường, người khác tiếp xúc sẽ mắc bệnh ngay.

Ở Bình Dương, mặc dù đã được cảnh báo, xử lý nhiều lần nhưng những chợ tự phát vẫn xuất hiện nhiều. Nguồn thực phẩm được bày bán ở các chợ này đã thiếu an toàn vệ sinh, lại được bày bán ngay trên mặt đất, tiếp giáp lối đi, tạo môi trường tốt cho vi trùng tả cũng như các loại vi trùng khác xâm nhập rồi đi vào cơ thể con người.

Ngăn chặn, ứng phó khi bệnh tả xảy ra

Hướng dẫn cho từng hộ dân biện pháp khử trùng nguồn nước phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt. Thực hiện triệt để, nghiêm túc việc ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân.

Xác định ở Bình Dương, hai huyện Dĩ An và Thuận An là vùng trọng điểm, dễ tiếp xúc và phát sinh nguồn bệnh, ngành Y tế tỉnh đã tổ chức chỉ đạo y tế các huyện thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trên, còn cử cán bộ thường xuyên xuống nắm địa bàn, lập các trạm y tế ở bến xe, ga tàu kịp thời kiểm tra, phát hiện bệnh nhân có biểu hiện bệnh tả đưa đến các cơ sở y tế điều trị.

Để sẵn sàng ứng phó khi bệnh tả xảy ra, ngoài việc chuẩn bị đủ số lượng hóa chất để xử lý, ngành Y tế tỉnh còn chỉ đạo các cơ sở y tế từ tuyến xã trở lên chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, dịch truyền, kháng sinh, phòng điều trị cách ly, trang thiết bị y tế... để điều trị, cấp cứu bệnh nhân

Ngọc Yến
.
.
.