Chủ động đón lũ trên sông Mêkông

Thứ Bảy, 31/08/2013, 16:25
Đề phòng lũ lớn trong năm 2013, tỉnh đầu nguồn An Giang đã chủ động mọi nhân lực, vật lực, phương tiện, chốt trực; bố trí nền nhà cho bà con nghèo lên cụm tuyến dân cư vượt lũ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Đặc biệt là đảm bảo an toàn cho trên 176.000ha lúa vụ 3 và hoa màu của tỉnh…

Trở lại kênh 7, xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú - nơi từng xảy ra vụ vỡ đê mùa lũ 2011 làm mất trắng toàn bộ trên 1.000ha lúa của nông dân. Hiện tại, tuyến kênh này đã được gia cố để bà con nông dân an tâm sản xuất vụ thu đông (vụ 3). Ông Bảy Bảnh, nông dân sống trên tuyến kênh 7, cho biết: Suốt mấy tháng nay, xáng cạp đến gia cố tuyến kênh cao, to hơn so với những năm trước hơn 1m nên tôi rất an tâm.

Hiện bà con trong khu vực đã tiến hành làm đất, bơm nước lên ruộng để xuống giống đúng lịch thời vụ, hứa hẹn một vụ 3 thắng lớn. Nhớ lại trận lũ lịch sử năm 2011, nhấn chìm hơn 1.000ha lúa của chúng tôi mà vẫn sợ. Vụ thu đông năm đó tôi gieo hơn 1ha lúa, nhưng chỉ một đêm đê vỡ, sáng ra cánh đồng trắng xóa… Năm nay, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, hy vọng việc sản xuất vụ 3 không có vấn đề gì.

Gia cố đê bao chủ động phòng chống lũ.

Tính đến nay, toàn tỉnh An Giang đã triển khai nạo vét tổng số 64/69 công trình thủy lợi, chiều dài 165km, kinh phí gần 30 tỷ đồng. Xây dựng, duy tu sửa chữa cống 64/77 công trình, kinh phí trên 7,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã gia cố đê, đập tổng số 37/39 công trình, chiều dài 79km, kinh phí 20,3 tỷ đồng… Ông Phạm Văn Lê, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT An Giang) cho biết, lãnh đạo Sở NN&PTNT đã đi kiểm tra hệ thống đê bao bảo vệ sản xuất của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đồng thời, Chi cục Thuỷ lợi cũng cử cán bộ kỹ thuật đi thực địa một số tuyến đê và nắm tình hình về kế hoạch sản xuất vụ 3, với 378 tiểu vùng, tổng diện tích trên 176.00ha.

Từ giữa tháng 6, lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quân sự các huyện, thị đầu nguồn, như: An Phú, Tân Châu đã phối hợp kiểm tra, triển khai kế hoạch “Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn” hàng năm. Đồng thời, xác định vị trí xung yếu để hiệp đồng chặt chẽ và ứng phó có hiệu quả. Theo ông Phạm Trọng Đáng, Phó ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Hội Đông, Hội Chữ thập đỏ giao một chiếc tắc ráng lớn (chở được 50 học sinh) và chịu trách nhiệm đưa rước các em học sinh ở những đoạn đường này. Đây là việc làm thường xuyên và chúng tôi sẵn sàng tình nguyện luân phiên đưa rước các cháu đến trường.

Anh Lương Văn Tuấn, thành viên Tổ từ thiện-xã hội (được giao nhiệm vụ tài xế xe cấp cứu kiêm tài công tắc ráng) đưa rước học sinh mùa lũ, rất hài lòng với trọng trách của mình vì lợi ích chung xã hội, góp một phần nhỏ công sức cùng với địa phương chăm lo sinh hoạt và đời sống nhân dân.

Để chủ động phòng chống lụt bão năm 2013, Sở GD&ĐT An Giang cũng đề ra kế hoạch tuyên truyền giáo dục trong ngành nâng cao ý thức phòng chống lụt bão (PCLB) cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thông qua các hình thức tập huấn, hội thảo, lồng ghép các nội dung về PCLB vào các bộ môn có liên quan trong quá trình giảng dạy. Ngoài ra, tất cả các đơn vị trường học, các cơ sở giáo dục trong tỉnh phải thành lập Ban chỉ huy PCLB để chủ động ứng phó trong mọi tình huống. Song song đó, tiếp tục duy trì các điểm giữ trẻ hiện có, đồng thời mở rộng thêm các điểm giữ trẻ mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giữ trẻ của nhân dân trong mùa lũ

Nam Thơ
.
.
.