Chủ động chẩn đoán và điều trị bệnh cúm A (H7N9)

Thứ Năm, 11/04/2013, 08:45
Chiều 10//4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên chính thức công bố hướng dẫn việc chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A (H7N9) ở người, nhằm giúp các cơ sở y tế sẵn sàng đối phó với dịch cúm A (H7N9).
>> BV Nhiệt đới TW: Sẵn sàng điều trị bệnh nhân cúm A (H7N9) nếu có

Bộ Y tế vẫn khẳng định, cúm A (H7N9) là một chủng mới, có nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm và một số loài chim, có khả năng gây nhiễm cho người, dẫn đến viêm phổi nặng tiến triển nhanh, tỉ lệ tử vong cao. Đường lây truyền của virus cúm A (H7N9) hiện tại chưa được hiểu rõ và chưa có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người và cũng chưa có vaccine đặc hiệu dùng cho người.

Để tránh nhầm lẫn, gây hoang mang trong nhân dân, Bộ Y tế chỉ rõ những dấu hiệu cần phân biệt: Bệnh cảnh do virus cúm A (H7N9) gây ra chủ yếu là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển với tỉ lệ tử vong cao, vì vậy cần phải phân biệt với các trường hợp: cúm nặng khác (cúm A/H1N1 hoặc A/H5N1...); viêm phổi do các virus khác; bệnh tay chân miệng có biến chứng suy hô hấp; viêm phổi nặng do vi khuẩn. Các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám tại bệnh viện, cách ly và được làm xét nghiệm đặc hiệu, để chẩn đoán xác định bệnh. Ca bệnh xác định cần nhập viện điều trị và cách ly hoàn toàn. Bộ Y tế đã đưa ra cách điều trị thuốc kháng virus dựa trên những hiểu biết về hiệu quả của thuốc kháng virus trong điều trị cúm A (H1N1) đại dịch và cúm A (H5N1).

Bộ Y tế đã chuẩn bị các khu vực điều trị cách ly cho người nhiễm cúm A (H7N9).

Người dân cần biết các dấu hiệu để nhận biết sớm việc mắc cúm A(H7N9) ở mình, hoặc người xung quanh, nếu thấy các triệu chứng sau: Sốt đột ngột; ho, đau họng, viêm long đường hô hấp và/hoặc khó thở, đau ngực.

Bên cạnh đó, có ít nhất một trong các yếu tố sau: Có tiền sử ở, đi, đến từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát. Tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bệnh cúm A (H7N9) trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát; Tiếp xúc gần với người bệnh nghi ngờ, có thể hoặc đã xác định mắc cúm A (H7N9); người bệnh có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp, bao gồm: sốt, ho, khó thở.

Trong đó, tiếp xúc gần bao gồm: Người trực tiếp chăm sóc; người sống, làm việc cùng phòng, cùng gia đình với trường hợp bệnh (có thể hoặc xác định); người ngồi gần (cùng hoặc trước sau 1 hàng ghế) với bệnh nhân trên cùng chuyến xe, toa tàu, máy bay v.v... hoặc có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân trong bất cứ hoàn cảnh nào; tiếp xúc trực tiếp với gia cầm ốm, chết trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát.

Cũng trong ngày 10/4, Bộ Y tế tiếp tục đưa ra các biện pháp phòng lây nhiễm virus cúm A (H7N9) để khuyến cáo phòng lây nhiễm cúm A (H7N9) sang người:

- Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin về tác hại của bệnh cúm A (H7N9).

- Không buôn, bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng thịt gia cầm chưa được kiểm dịch đúng quy định.

- Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, xì mũi bằng khăn hoặc giấy và vệ sinh tay

- Sử dụng các biện pháp phòng hộ lao động và rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh sau khi tiếp xúc với gia cầm.

- Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đường hô hấp cấp.

- Áp dụng các biện pháp chủ động phòng, chống dịch khác theo quy định.

Đây là loại dịch bệnh nguy hiểm nên tại các bệnh viện, cần tổ chức các khu vực cách ly như đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm khác.

5 khuyến cáo phòng, chống cúm A (H7N9) tại cộng đồng

1. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

2. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm.

3. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

4. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

5. Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.

Thanh Hằng
.
.
.