Liên quan đến vụ việc nước nhiễm Asen tại Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm – Hà Nội):

Chủ đầu tư trạm nước đã khai thác nguồn nước tầng trên bị ô nhiễm

Thứ Sáu, 11/07/2014, 13:44
Một trong những vấn đề đang được người dân Thủ đô quan tâm nhất là chất lượng nước sạch đã được đề cập đến trong phiên chất vấn buổi chiều, kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khóa XIV, ngày 10/7. Trách nhiệm để xảy ra tình trạng nước nhiễm chất gây ung thư Asen cao gấp 4 lần tại trạm cấp nước Mỹ Đình 2 (Báo CAND đã có loạt bài phản ánh vấn đề này) cũng đã được xác định rõ là do chủ đầu tư trong quá trình vận hành quá tải và khai thác nước tầng trên bị ô nhiễm.

Liên quan đến sự việc nguồn nước sinh hoạt cấp cho người dân tại Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 có nồng độ Asen (một chất gây ung thư) cao gấp 4 lần mức cho phép, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, nguyên nhân là do Chủ đầu tư xây dựng trạm nước, khai thác nước ở tầng trên nên bị ô nhiễm, cộng thêm việc chủ đầu tư vận hành khai thác quá mức đã dẫn đến tình trạng nước nhiễm độc.

Ông Hùng khẳng định, các khu vực trạm nước khác vẫn đảm bảo chất lượng. “TP luôn quan tâm đến chất lượng nước, nếu chỉ có đủ nước mà nước không đảm bảo thì rất nguy hiểm. Lãnh đạo TP đã thường xuyên chỉ đạo Sở Xây dựng, Trung tâm Y tế Dự phòng thường xuyên kiểm tra, xử lý. Sau khi phát hiện Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 không đạt tiêu chuẩn, chúng tôi đã đình chỉ không cho khai thác, giao cho Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco) cấp nước vào khu đô thị với công suất 300m3/ngày đêm. Từ ngày 11/7, sẽ đấu nối thêm đường ống nước, đủ đảm bảo nước sạch phục vụ 1.200 hộ dân tại đây”, ông Hùng khẳng định.

Là một trong những khu đô thị hiện đại của Hà Nội nhưng người dân ở khu Mỹ Đình phải sử dụng nước nhiễm độc trong một thời gian dài.

Trong khi các đại biểu HĐND chất vấn Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Quốc Hùng về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng mới chỉ vận hành 5 năm, nhưng đã có 7 lần đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của 70.000 dân thì tại Km25 trên Đại lộ Thăng Long, khu vực cầu vượt Đồng Trúc (đoạn qua huyện Thạch Thất, Hà Nội) lại tiếp tục xảy ra sự cố vỡ đường ống nước lần thứ 8.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng, sau nhiều lần tuyến đường ống trên bị vỡ, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng cùng Viện Khoa học Công nghệ xây dựng và Viện Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng khảo sát, đánh giá về chất lượng thi công tuyến ống truyền dẫn trên, nhưng hiện vẫn chưa có báo cáo chính thức. Ông Hùng cho biết, theo đánh giá sơ bộ ban đầu của các chuyên gia, nguyên nhân của sự cố đường ống là do vật liệu ống sử dụng cho công trình chưa phù hợp với điều kiện truyền tải nước về TP. Trách nhiệm để xảy ra tình trạng vỡ ống, gây ảnh hưởng cung cấp nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân, trước tiên thuộc về Nhà đầu tư Tổng Công ty VINACONEX trong công tác khảo sát, thiết kế, lựa chọn tiêu chuẩn, vật tư vật liệu, quá trình thi công, giám sát nghiệm thu… “Tuy nhiên, trong quá trình Chủ đầu tư thiết kế, thi công đường truyền dẫn, TP Hà Nội cũng chưa có sự phối hợp với Chủ đầu tư trong việc kiểm tra, giám sát về thiết kế, thi công Dự án, nhất là tuyến đường ống”, ông Hùng thừa nhận.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng, TP đã chỉ đạo Tổng Công ty VINACONEX thành lập lực lượng xử lý nhanh sự cố, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, thiết bị kịp thời sửa chữa ống sự cố trong thời gian ngắn nhất (không quá 24h), hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cấp nước cho nhân dân. Ngoài ra, lãnh đạo TP cũng chỉ đạo Sở Xây dựng, Công ty Nước sạch Hà Nội sẵn sàng phối hợp, lên phương án vận hành mạng lưới cấp nước, điều tiết giữa các nguồn cấp nước chung của TP nhằm hỗ trợ tối đa cấp nước cho nhân dân. Để đảm bảo đủ nước cho người dân khu vực bị mất nước do sự cố vỡ đường ống, TP cũng đã đấu nối để tăng áp lực, bơm trung chuyển tăng áp đối với một số khu vực cuối nguồn thuộc quận Hoàng Mai, Thanh Xuân như: Đại Kim, Định Công, Thịnh Liệt…

Tuy nhiên, những biện pháp trên chỉ mang tính đối phó. Về lâu dài, Hà Nội đã tính toán đến lập dự án đầu tư giai đoạn 2 dự án cấp nước từ Hòa Bình về Hà Nội,  trong đó ưu tiên đầu tư tuyến ống truyền dẫn cấp nước mới từ Hòa Lạc về đường vành đai 3 để triển khai ngay từ tháng 9. Ông Hùng khẳng định, trong trường hợp VINACONEX không đủ năng lực và điều kiện thực hiện, TP sẽ chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội phối hợp với các doanh nghiệp đủ năng lực tài chính thu hút xã hội hóa đầu tư tuyến truyền dẫn từ Hòa Lạc về đường vành đai 3 và TP sẽ mua nước sạch của VINACONEX từ Hòa Lạc để cung cấp về trung tâm, bảo đảm nguồn nước sạch cung cấp ổn định cho nhân dân vào mùa hè năm 2015. Ngoài ra, TP cũng đã chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội lập dự án triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng tại huyện Đan Phượng

Ngọc Yến
.
.
.