An toàn thức ăn đường phố - thực tế hay chỉ là mong ước của nhà quản lý?

Chống thực phẩm bẩn: Cần sự vào cuộc của nhiều ngành

Thứ Tư, 13/11/2013, 15:12
Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn vẫn vô cùng gian nan, còn nhiều tồn tại, bất hợp lý. Người tiêu dùng vẫn đang bị ám ảnh với cụm từ: “Bệnh từ miệng mà vào”.
>> Thức ăn đường phố: Kinh hãi thực phẩm bẩn

Hà Nội chi 35,7 tỷ đồng thực hiện Đề án “Triển khai mô hình cải thiện an toàn thực phẩm (ATTP) đối với dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn trên địa bàn giai đoạn 2013- 2015” với mục tiêu nâng cao chất lượng ATTP đối với dịch vụ ăn uống nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và văn minh đô thị. 176 phường, thị trấn sẽ có 176 tổ giám sát, tuyên truyền, tư vấn người kinh doanh, người tiêu dùng thực hiện tiêu chí về đảm bảo ATTP, phát hiện những tồn tại của các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn... Mong ước của nhà quản lý là vậy, nhưng thực tế có làm được đúng mục tiêu đề ra hay không lại là chuyện khác. Bởi, qua ghi nhận của chúng tôi, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn vẫn vô cùng gian nan, còn nhiều tồn tại, bất hợp lý. Người tiêu dùng vẫn đang bị ám ảnh với cụm từ: “Bệnh từ miệng mà vào”.

Vẫn khó khăn xử lý phụ gia, thực phẩm bẩn

Phố Hàng Buồm và chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được coi là “vương quốc” của các loại phụ gia, nguyên liệu thực phẩm. Từ chất tạo màu thực phẩm, chất bảo quản cho đến các nguyên liệu như bột sữa, khí tạo bông kem… Dạo một vòng trên tuyến phố Hàng Buồm, chúng tôi hoa mắt với màu sắc của các loại nguyên liệu này. Nước hoa quả, thạch màu chứa trong hộp nhựa với sắc xanh, đỏ, vàng… Có sản phẩm đựng trong bao bì không nhãn mác nên không thể biết nguồn gốc, ngày sản xuất, hạn sử dụng, nhiều bao bì bị mờ hạn sử dụng... Trong hầu hết các cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng như Công an, quản lý thị trường, đều phát hiện tại một số cửa hàng trên phố Hàng Buồm không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của một số mặt hàng.

Ngày 8/11, Đội 6 Phòng CSĐT tội phạm về môi trường phối hợp với Đội QLTT số 1, số 16, Chi cục QLTT Hà Nội và Công an phường Hàng Buồm tổ chức kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên phố Hàng Buồm. Chỉ trong buổi sáng, lực lượng kiểm tra đã phát hiện 96 lọ nước hoa quả, 16 gói bột làm bánh, 10 can dầu bơ, 11 gói bột rau câu cùng nhiều nguyên liệu khác không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Vậy mà hàng ngày, vẫn có lượng không nhỏ người tiêu dùng đến mua về để chế biến thực phẩm làm dịch vụ.

Một người chuyên làm đầu bếp cho nhà hàng tại Hà Nội bật mí, ông có thể mua các loại phụ gia để “phù phép” thực phẩm ôi thiu thành thực phẩm tươi sống, và không phải ai cũng có thể mua được thứ phụ gia này. Bởi thời gian qua, do các phương tiện thông tin đại chúng thông tin nhiều về vấn đề này nên người bán cảnh giác. Trên thị trường vẫn tồn tại thứ phụ gia “mầu nhiệm” đó nên mọi thực phẩm kém chất lượng tràn vào thị trường nội địa vẫn tiêu thụ ngon lành nếu không bị bắt giữ.

Lực lượng liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm là chất phụ gia, nguyên liệu thực phẩm trên phố Hàng Buồm, Hà Nội ngày 8/11.

Theo Trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội 6, Phòng CSĐT tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội, do điều kiện về máy móc cũng như kinh phí để giám định còn nhiều hạn chế nên việc giám định các mẫu nội tạng động vật bị thu giữ có chứa những chất gì, sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ người tiêu dùng hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng có thể nhận ra những lô hàng nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị bắt giữ đều đã ở trong giai đoạn bốc mùi thối, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng.

Theo Điều 12, Nghị định 40/2009/NĐ-CP, mức xử phạt hành vi vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật theo quy định phải kiểm dịch mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch là từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự, trường hợp vi phạm quy định về VSATTP phải gây hậu quả nghiêm trọng là chết người thì mới bị khởi tố hình sự. Trong khi đó, nhiều hành vi vi phạm quy định về VSATTP là rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng, có thể không gây hậu quả tức thì nhưng không thể khởi tố được.

Như vậy, cùng với việc thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra hàng hoá ngay tại các cửa khẩu, việc tăng chế tài xử phạt những trường hợp vận chuyển nội tạng động vật không nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn cản "dòng" nội tạng động vật "bẩn" tiêu thụ sâu vào nội địa.

“Làm sạch” thức ăn - nói dễ làm khó

Theo Đề án “Triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn trên địa bàn giai đoạn 2013- 2015”, 100% các phường, thị trấn của 29 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố sẽ cùng triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với dịch vụ ăn uống. Mục tiêu đề án, trên 85% cán bộ làm công tác quản lý ATTP, 75% người chế biến dịch vụ ăn uống hiểu và triển khai thực hiện đúng các quy định về ATTP, trên 75% người tiêu dùng có kiến thức và biết cách lựa chọn cơ sở dịch vụ ăn uống bảo đảm ATTP.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố là đối tượng tham gia dự án bao gồm tất cả các cửa hàng ăn uống, quầy bán hàng kinh doanh thức ăn sẵn, thực phẩm chín tại 176 phường, thị trấn. Mỗi phường, thị trấn sẽ xây dựng 1 tổ giám sát ATTP. Các tổ giám sát này ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, tư vấn, vận động người kinh doanh dịch vụ ăn uống, người tiêu dùng thực hiện tốt các tiêu chí về đảm bảo ATTP còn phải tăng cường giám sát để phát hiện kịp thời những tồn tại của các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Mỗi cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sẽ bị kiểm tra định kỳ ít nhất 4 lần trong 1 năm, các cơ sở cố tình vi phạm bị xử lý nghiêm, đồng thời còn bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuyến phố Quán Thánh là nơi thí điểm đầu tiên xây dựng mô hình “Tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống đảm bảo ATTP năm 2013”. Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Ba Đình cho biết, hiện quận Ba Đình đã triển khai thực hiện đề án thí điểm này. Đối tượng chính của đề án là 26 cửa hàng ăn, uống, giải khát, 2 quầy ăn chín. Quận đã tiến hành rà soát vị trí, nhân lực, kiểm tra hoạt động kinh doanh có đáp ứng các tiêu chí về VSATTP để tập huấn lại, đặc biệt là tập huấn để người kinh doanh hiểu rõ Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

Mục tiêu đề án đưa ra vẫn là các chỉ số về tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người kinh doanh dịch vụ ăn uống, còn thực tế, để “làm sạch” được thức ăn cho người tiêu dùng là cả một chuỗi quy trình, từ khâu sản xuất cho tới khâu kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trước mắt, người tiêu dùng vẫn phải tự bảo vệ mình bằng cách lựa chọn thực phẩm sạch, ăn uống tại cơ sở, nhà hàng đảm bảo vệ sinh, có uy tín

Trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội 6, Phòng CSĐT tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội:

Trung tá Phạm Giang Sơn.

Vi phạm VSATTP là một chuỗi từ khâu sản xuất ban đầu (nuôi trồng động vật, rau củ, thủy hải sản…) với các sản phẩm có dư lượng thuốc trừ sâu, chất tăng trưởng.

Tiếp theo là khâu chế biến sản phẩm, sử dụng hóa chất công nghiệp, phụ gia thực phẩm không nguồn gốc.

Khâu kinh doanh dịch vụ thực phẩm phổ biến nhất là hàng lậu, hàng thải loại, không rõ nguồn gốc, kho bến bãi, bao gói không đảm bảo.

Cuối cùng là khâu kinh doanh dịch vụ ăn uống.

 Để cả chuỗi quy trình này đảm bảo VSATTP cần sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan chức năng. Mới đây, Giám đốc Công an TP cũng đã chỉ đạo từ nay đến Tết Nguyên đán, lực lượng Cảnh sát môi trường toàn TP sẽ tập trung đấu tranh chống thực phẩm bẩn.

Việt Hà - Nguyễn Hương
.
.
.