Chống giặc lửa – chuyện muôn đời không cũ
Bài 1: Giật mình trước con số 1.500 vụ cháy
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (PCCC&CHCN), 6 tháng đầu năm 2015, cả nước xảy ra 1.510 vụ cháy, 15 vụ nổ, làm chết 40 người, thiệt hại ước tính lên tới 750 tỷ đồng, 502ha rừng… Tìm hiểu chi tiết về một số vụ cháy tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, chúng tôi càng thấy rõ thảm kịch mang tên… cháy.
Nhiều gia đình bị “xoá sổ”
Giữa ngày hè nóng bỏng, phóng viên Báo CAND thường trú tại Hải Phòng trở lại hiện trường 6 người của hộ gia đình ở 4/136, tổ dân phố số 9, phường Cát Dài, quận Lê Chân, TP Hải Phòng thiệt mạng do cháy. Đập vào mắt chúng tôi là bảng tin, trong đó có nội dung về PCCC như: Trước khi đi ngủ kiểm tra, tắt các thiết bị điện không sử dụng, nâng cao công tác phòng cháy…
Ông Đặng Quang Bình, Tổ trưởng tổ dân phố số 9 cho biết: Lần đầu tiên ở khu dân cư này xảy ra cháy nhưng quá thảm khốc, để lại nhiều ám ảnh cho mọi người. Được biết, ngõ 136 có chiều dài khoảng 100m, chiều rộng 1,25m, có 38 hộ dân sinh sống. Phóng viên quan sát thấy, đa số nhà trong ngõ đều là nhà ống, liền kề với nhau. Hầu hết các ngôi nhà đều lắp các hàng rào sắt chống trộm trên tầng hai. Trên một số cột điện, dây chằng chịt.
Chúng tôi được biết, tại thời điểm xảy ra vụ cháy, có 2 phương án để dập lửa đó là: đục cửa sổ thông với trụ sở Công an phường và nối kéo vòi dài trên 100m từ đường Nguyễn Đức Cảnh vào hiện trường.
Vào ngôi nhà bị cháy, chúng tôi thấy gác xép bị sập, ban công, tường bị bong tróc, xuống cấp. Giữa nhà là bàn thờ với 6 tấm di ảnh của các nạn nhân. Phía trước ngôi nhà bị cháy có một cột điện.
Theo ông Bình, hiện nay, một người em trai của chủ nhà thỉnh thoảng đến thắp hương. Được biết, trước khi vụ cháy xảy ra, gia đình có dự định sẽ xây lại nhà. Hiện, người thân của các nạn nhân đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị được xây lại ngôi nhà để làm nơi thờ tự.
Tại Hà Nội, phóng viên Báo CAND cũng trở lại ngôi nhà cuối ngõ 190, phố Hoàng Mai, nơi đại gia đình ông Nguyễn Văn Sơn sinh sống. Ngôi nhà 3 tầng, diện tích mặt sàn hơn 20m² có 3 gia đình nhỏ sinh sống gồm vợ chồng ông Sơn ở tầng 1; gia đình người anh cả ở tầng 3; gia đình người em trai ở tầng 2. Vụ cháy khiến vợ chồng ông Sơn; vợ chồng anh Hiếu và con mất. Chỉ có vợ chồng anh con trai ngủ ở tầng 2 may mắn thoát nạn. Từ khi xảy ra vụ hoả hoạn, không khí ở con ngõ nhỏ này trùng hẳn. Người mất đã mất, người sống phải hứng chịu nỗi đau dai dẳng…
Khi đến hiện trường những ngôi nhà có các gia đình bị xoá sổ, chúng tôi không khỏi bàng hoàng, xót xa. Cảm giác tiếc nuối cứ nghẹn đắng… Giá như các nạn nhân có được chỗ thoát nạn khi xảy ra cháy. Khi tai nạn xảy ra, họ hoảng loạn, không lối thoát…
Người giàu, người nghèo đều ngắc ngoải bởi “di chứng” cháy …
Chúng tôi trở lại hiện trường vụ cháy ki ốt 26, chợ Phùng Khoang, huyện Nam Từ Liêm, Hà Nội vào đúng giữa buổi chợ. Dấu tích vụ cháy không còn bởi cả dãy ki ốt đều được sửa chữa, trang hoàng lại. Riêng ki ốt 26, tấm biển cửa hàng bán quần áo thời trang mới tinh được dựng lên, thay vì trước đây là nơi bán bánh mì. Anh xe ôm có thâm niên gần 10 năm đứng đón khách phía trước ki ốt 26 cho biết, gia đình nhà bán bánh mì liên tục gặp tai ương.
Cách đây 3 năm, cậu con trai đang học lớp 4 về quê ăn giỗ, bỗng nhiên buổi tối đột tử. Người vợ sau đó 2 năm, đã sinh thêm đứa con gái. Khi bé mới 8 tháng tuổi thì xảy ra vụ cháy ngày 18/5. Cũng theo anh xe ôm này, cháu bé 8 tháng tuổi là may mắn nhất khi bị bỏng nhẹ. Còn người chồng tử vong ngay trong vụ cháy; chị vợ và đứa con gái lớn bị thương nặng hiện nay đang nằm viện.
Báo CAND là nơi người thân của chị Nguyễn Thị Duyên (người vợ trong gia đình bán bánh mì ở ki ốt 26) gửi đơn nhờ kêu gọi sự giúp đỡ nên tôi cũng biết khá rõ hoàn cảnh của chị và các con. Thế nên, khi nghe anh xe ôm nói về tình cảnh của chị và hai cháu, chúng tôi biết anh nắm khá tường tận. Thì ra, sau khi tai hoạ rơi xuống gia đình chị Duyên, bà con kinh doanh trong chợ, những người lao động kiếm sống xung quanh, nhất là Hội Phụ nữ cơ sở... cùng nhau đóng góp, giúp đỡ các nạn nhân.
Ông Nguyễn Bá Doan, Phó trưởng Ban quản lý chợ Phùng Khoang cho biết, trước khi gặp phóng viên 3 ngày, Ban quản lý chợ đã đến thăm, gửi tặng tiền do bà con tiểu thương, đoàn thể cho chị Duyên. Cháu bé 8 tháng tuổi đã ổn định, chị Duyên và cháu lớn đã ra khỏi phòng cấp cứu, đang điều trị.
“Vụ cháy thiệt hại quá lớn. Gia đình chị Duyên người mất, người bị thương nặng, tài sản bị thiêu rụi”, ông Doan cho biết.
Lực lượng Cảnh sát PCCC đang làm nhiệm vụ tại Trung tâm thương mại Hải Dương. |
Cũng theo ông Doan, sau sự cố với gia đình chị Duyên, hệ thống điện ở chợ gồm: điện bảo vệ; điện kinh doanh luôn được giám sát chặt chẽ. Giờ đóng, giờ bật được tuân thủ nghiêm ngặt. Còn việc cấm người kinh doanh ngủ lại chợ được thực hiện nghiêm túc hơn. Quả thật, nếu chỉ vì cái tiện (tiện cho hoạt động kinh doanh, sinh hoạt, tiết kiệm) mà để xảy ra hỏa hoạn như tại gia đình chị Duyên thì càng thấy rõ hậu quả kinh hoàng.
Chị Phạm Thị Uyên, người thân đang chăm sóc mẹ con chị Duyên ở Viện Bỏng Quốc gia cho biết, số tiền để cứu chữa 3 mẹ con rất lớn, lên đến bạc tỷ. Giữ được sinh mạng đã khó, lại còn những di chứng bỏng sẽ khiến các nạn nhân mang tật, mất sức lao động… Nhiều bà con trong chợ Phùng Khoang khi chúng tôi gặp không dám đề cập đến tương lai của mẹ con chị Duyên. Gia đình họ ở quê, bồng bế nhau lên Hà Nội mưu sinh, bỗng chốc tai hoạ ập đến…
Vụ hỏa hoạn ngày 15/9/2013 làm cháy rụi toàn bộ Trung tâm thương mại TP Hải Dương, hơn 500 hộ kinh doanh thiệt hại tài sản và ở thời điểm hiện tại việc buôn bán của họ vô cùng khó khăn. Hiện nay, 200 hộ/500 hộ đã di chuyển về chợ Hội Đô, cách trung tâm thương mại cũ chừng 5km. Thế nhưng chợ Hội Đô nằm xa khu dân cư, không thuận tiện cho việc buôn bán. Kinh doanh ế ẩm đến mức, hiện chỉ có 20/200 hộ còn duy trì. Nhiều hộ buộc phải quay lại gần trung tâm thương mại cũ thuê cửa hàng.
Chúng tôi được biết, sau vụ hoả hoạn, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu và chủ đầu tư khu đô thị mới phía Tây thành phố cho tỉnh mượn chợ Hội Đô thời hạn 5 năm (2014 - 2018) tạm thay địa điểm cũ và ưu đãi miễn tiền thuê mặt bằng 5 năm, miễn thuế môn bài.
Bác Nguyễn Thị Hợp, chủ ki ốt bán thuốc cho biết, trong vụ cháy tại Trung tâm thương mại Hải Dương, gia đình bác thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Khi chuyển về chợ Hội Đô, bác mua chịu tiền hàng. Tuy nhiên, do lượng khách đến rất ít nên cũng không bán được.
Chị Vũ Thị Tuyết Anh, chủ ki ốt bán hàng kim khí cho biết: Gia đình có 5 gian hàng tại trung tâm thương mại, thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Khi chuyển về đây, các mối hàng quen ít dần. Chồng chị đành phải thuê nhà tại khu vực trung tâm thương mại cũ với giá 8 triệu đồng/tháng để bán hàng. Hàng không bán được, gia đình gặp nhiều khó khăn.
Hậu quả các vụ hoả hoạn đều rất nặng nề về người, tài sản. Thế nhưng dù có nỗ lực khắc phục thì những khó khăn vẫn hiển hiện đối với các nạn nhân.
Những con số đáng sợ - 1.510 vụ cháy nổ xảy ra trong 6 tháng đầu năm nay, trong đó: 1.411 vụ cháy nhà dân, phương tiện giao thông cơ giới; 99 vụ cháy rừng; - 33 người chết, 95 người bị thương, thiệt hại ước tính là 742,1 tỷ đồng, 502ha rừng. Đó là những con số thiệt hại trong 6 tháng đầu năm nay do cháy gây ra. - Cháy ở thành thị chiếm tới 56,3% với 795 vụ trên tổng số vụ cháy xảy ra trong toàn quốc. UBND TP Hải Dương đưa giải pháp “cứu” các hộ kinh doanh Sau vụ cháy TTTM Hải Dương, UBND TP Hải Dương đã phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng các ki ốt tại khu vực chợ Hội Đô mới để các hộ kinh doanh chuyển đến. Tổng số tiền đầu tư 15 tỷ đồng. UBND thành phố đã nhận được những kiến nghị của các hộ về khó khăn trong kinh doanh. Về lâu dài, để thuận tiện cho việc kinh doanh, các hộ có thể đăng ký với Ban quản lý chợ Phú Yên, đường Ngân Sơn, phường Trần Phú, TP Hải Dương (gần với trung tâm thương mại bị cháy). |