Chông chênh những phận đời trên lòng hồ thủy điện

Thứ Sáu, 09/05/2014, 11:25
Làng chài ấy nằm khép mình dưới bóng núi, nhỏ bé, chông chênh đến tội nghiệp giữa cái sâu lạnh của con nước đầu nguồn lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3. Họ nuôi cá, đánh bắt cá để không lo cái đói, để mong ngày có chút vốn lận lưng trở về quê nghèo cho đỡ tủi phận tha hương. Ước mơ ấy không xa nhưng cũng chẳng gần, bởi nó phập phù như cái cách họ đón sóng điện thoại và bạc phếch như ngọn đèn giăng câu mỗi tối…

Ba đời lênh đênh trên bè cá

Nói là làng nhưng chỉ độ khoảng vài chục nhà lồng sống hắt hiu giữa cô quạnh của núi, của nước và của cả sự xa lạ với cuộc sống bên ngoài. Cả làng chỉ có chưa đầy chục đứa trẻ được cha mẹ chúng gửi ra huyện Đắk Glong (Đắk Nông) để học tiểu học. Còn lại, từ mầm non, hay quá tuổi đến lớp đều quanh quẩn bám lấy lồng cá để sống những ngày bấp bênh như cha mẹ, ông bà của chúng.

Họ nói, từ ngày Thủy điện Đồng Nai 3 (xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) ngăn dòng, họ đã lên đây dựng lều cạnh lòng hồ để đánh bắt cá. Rồi dựng nhà lồng để nuôi cá, để sống và để hy vọng.

Sáng họ đi câu, tối đến chạy máy nổ để nạp ắc quy thắp sáng đủ mấy bóng điện giăng câu, kiếm cơm từng bữa. Nhưng đó không phải là nguồn thu chính, hy vọng để về quê sau những ngày bấp bênh nơi xứ núi chính là những lồng cá, những lồng cá đủ loại từ lóc, mè đến trắm, trôi. Với giá bán hằng ngày mà những bà, chị thường xuyên nội trợ phải mua ngoài chợ, có lẽ cuộc sống của họ đã tạm đủ, chỉ có điều, những lồng cá ấy họ cũng phải đi vay với lãi suất cao để đầu tư mới có.

Chông chênh những phận trẻ trên lòng hồ thủy điện.

Ông Chín, bà Năm là cặp vợ chồng già, được xem là “già làng” và là người có tiếng nói nhất ở đây. Bà Năm, một người phụ nữ dân tộc Khmer nói với tôi qua hơi thuốc Batos, một loại thuốc rẻ tiền, có lẽ bà là một người nghiện thuốc nặng: “Ở quê nghèo quá, tận miền Tịnh Biên (An Giang), giáp biên giới, nên nghe lời bạn bè dắt díu con cháu lên đây sống. Dẫu vất vưởng, nhưng vẫn có cái để sống, để không phải lo cái đói”.

Ông Chín, chồng bà, thì lạc quan hơn: “Tụi tôi vẫn vào bờ để vay tiền trước mỗi vụ thả cá giống xuống lồng, bán được thì mới phải trả, toàn người thân thương, quen biết nên họ cũng giúp. Ba bốn tháng mới được một vụ, lời lãi chẳng được bao nhiêu, lo cái ăn, cái uống, quần áo cho lũ trẻ, tiền về quê mỗi bận lễ lạt lại thấy hết. Nhưng vẫn hy vọng, bởi ra đi phải kiếm được gì đó để về quê cho đỡ bõ công”. Trong cái từng trải, sâu lắng của một người đã ở cái tuổi lục tuần, ông cho tôi biết, “phải kiếm bằng được tiền sau này lên bờ để cất cái nhà sao coi được, cho bà già yên lòng trước lúc đi xa, cho đỡ tủi với bà con”.

Những ngôi nhà lênh đênh như số phận của họ trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3.

Và ước mơ con chữ...

Theo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng: Lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 (một phần diện tích thuộc địa phận quản lý) có một làng chài với khoảng hơn hai chục nóc nhà lồng. Trong đó, gia đình của bà Năm có số nhân khẩu nhiều nhất với 5 lồng cá. Phần lớn bọn trẻ thất học và người lớn thì mù chữ. Từ nơi họ đặt lồng nuôi cá và tổ chức đánh bắt cá mưu sinh hằng ngày đến trung tâm huyện Đắk Glong, tính cả đường thủy và đường độc đạo dẫn xuống lòng hồ là khoảng trên 40km.

Thằng Sóc, cháu ngoại của bà Năm, một đứa trẻ bị bỏ rơi và lai giữa hai dòng máu Campuchia - Việt Nam, 15 tuổi nhưng vẫn ngô nghê, nói tiếng Kinh không tròn âm và mù chữ, là đứa lớn nhất trong hơn 10 đứa trẻ của làng. Nó không được đi học đã đành! Những đứa còn lại, từ Thủy Tiên đến Giáng My..., những cái tên đẹp hơn cha mẹ chúng nhiều cũng vậy, vẫn bó trọn đường đời của chúng trong những căn nhà lồng nuôi cá chật hẹp.

Ông Lê Quang Dần, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng nói: “Ở đây, chúng tôi vẫn xem họ như người nhà, mỗi lần ra vào có gói bột ngọt, chai dầu ăn, lít rượu... vẫn mang ra để sẻ chia. Mọi người ở đây sống cực khổ nhưng chịu thương, chịu khó và có một điều đặc biệt họ chẳng bao giờ đụng đến rừng. Phương tiện duy nhất để đưa họ đến với bờ là những chiếc xuồng máy tự tạo. Phương tiện ấy hằng tuần đưa họ đến với chợ khi hết thức ăn, đến bệnh viện khi có người đau kẻ ốm (kể cả những lúc sinh nở), hơn thế là những ngày đi bán cá, mua dầu máy và hạnh phúc khi đón đưa những đứa trẻ may mắn được đến trường trong những ngày đầu, cuối tuần”.

Người con cả của bà Năm, anh Hai - khoảng chừng 37 tuổi, không nhớ rõ ngày sinh vì anh không biết chữ, nói với tôi trong chuếnh choáng của men rượu đế và những con cá hồ câu được đãi khách: “Vui vì con cháu mình đã có đứa được đi học, dẫu chưa được tất cả nhưng đó cũng là hy vọng. Hy vọng chuyện học hành, có cái chữ sẽ giúp cuộc đời chúng có lối thoát. Còn tụi tôi chỉ biết cần mẫn, cày ải để có tiền, có gạo cho chúng theo đuổi”.

Ngôi làng ấy lên xuống theo con nước của hai mùa mưa nắng Tây Nguyên, chông chênh và cô độc. Chẳng có hộ khẩu, tạm trú - tạm vắng theo quy định, dù vẫn được chính quyền xã kêu gọi mỗi lần có sự kiện quan trọng, như bầu cử. Họ sống, hẳn nhiên không nước sạch, không điện, không cộng đồng, thiếu hụt nhiều thứ nhưng vẫn mong có tiền cho ngày về. Có lẽ hơi xa, bởi trong lành lạnh của con nước ngăn dòng, mấy người con dâu của ông Chín, bà Năm than thở, hình như nguồn đánh bắt cũng đã cạn. Nghe đâu, họ sắp sang lòng hồ thủy điện Đồng Nai 4, nơi ấy vừa mới ngăn dòng

Văn Thành
.
.
.