Chống COVID-19: Mỗi một ổ dịch là một “trận đánh”
Nhà gần cơ quan mà nhiều ngày không về
Tranh thủ giờ nghỉ trưa ít ỏi, chúng tôi hẹn gặp anh Ngô Hùng Sơn, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nghe anh chia sẻ câu chuyện hơn 1 năm qua chiến đấu với dịch COVID-19, mới thấy khối lượng công việc khổng lồ của lực lượng y tế quận, huyện, xã, phường. Anh Sơn cho biết, dù nhà cách nơi làm việc không xa, nhưng bởi lịch trực phòng chống COVID-19 liên tục 24/7 nên anh ít có thời gian ghé về. Anh Sơn có 2 con nhỏ, nhưng đi suốt nên công việc chăm lo, dạy dỗ con đều giao cho vợ và bà nội. Cả cái Tết vừa qua anh chưa có bữa cơm nào ăn cùng gia đình, chỉ tranh thủ tạt về phút chốc rồi lại đi.
Nhân viên Trung tâm Y tế quận Đống Đa lấy mẫu xét nghiệm cho 2.000 người từ vùng dịch Hải Dương về Hà Nội. |
Anh Sơn kể, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, chuyện trực 24/7 trong suốt thời gian dịch diễn biến thất thường, phức tạp là yêu cầu của công việc. Anh Sơn là một trong số anh, chị em “tinh nhuệ” được điều động vào Tổ phản ứng nhanh. Bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhận lệnh có ca bệnh nghi ngờ là Tổ phản ứng nhanh lên đường xác minh, truy vết, lấy mẫu, gửi mẫu đi xét nghiệm và tham gia cùng các lực lượng chức năng khác phong tỏa, xử lý môi trường, giao nhận các F1, F2 cho đơn vị chức năng xử lý…
Anh nhớ lại, có thời điểm dịch diễn biến phức tạp như đợt bùng phát ở Đà Nẵng, lượng người đi từ vùng dịch về lên tới hơn 70 nghìn người, anh Sơn cùng đồng đội gần như không có thời gian nghỉ ngơi. “Vừa xử lý xong ca F1 này lại nhận lệnh ca F1 khác. Thời gian làm việc liên tục vượt qua con số 24 giờ”, anh Sơn chia sẻ. Giữa ngày nắng nóng tháng 7, tháng 8 nhiệt độ ngoài trời lên đến 38 độ C, thậm chí 40 độ C, hàng trăm cán bộ y tế nhễ nhại vất vả trong bộ bảo hộ phòng dịch thực hiện lấy mẫu nhanh, truy vết nhanh. Sau mỗi ca làm việc, thay bộ đồ bảo hộ ra thì ướt sũng người từ trong ra ngoài, thậm chí anh, chị em đuối sức vì mất nước, thiếu oxy.
Còn ở đợt dịch lần này, vào trước Tết Nguyên đán, phát hiện 2 ca nhiễm mới COVID-19 sống trên địa bàn khu Time City, Lạc Trung,… có lượng F1, F2 khá lớn, nhân viên y tế không có thời gian nghỉ ngơi. Hay vào ngày mùng 5 Tết, trong khi cả nước vẫn còn nghỉ, anh Sơn và đồng đội nhận lệnh lên đường đến nhà xác lấy mẫu xét nghiệm vì có ca tử vong chưa rõ nguyên nhân…
Anh Sơn kể, đơn vị gần một nửa chị em, nhưng anh em thường giành phần nặng nhất là khử khuẩn làm thay cho họ. “Bình chứa dung dịch khử khuẩn này nếu đơm đủ hóa chất thì nặng chừng 30kg, mỗi khi xử lý môi trường tại các điểm truy vết F1, F2 là phải đeo lên vai, phun khử khuẩn khắp khu vực họ ở. Leo 3, 4 tầng nhà là bình thường”, anh Sơn cho biết.
Anh Sơn chia sẻ, ở đợt dịch lần này, virus biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh, yêu cầu lấy mẫu cả F2, F3, nên số lượng rất lớn. Trung tâm Y tế quận Đống Đa phải huy động anh em đi làm xuyên hết Tết để lấy hết mẫu và truy vết các ca liên quan đến F0. Điều thuận lợi nhất là lần này, người dân rất hợp tác, khai báo trung thực, phối hợp lấy mẫu nhanh. Đây là động lực để các anh tiếp tục chặng đường phía trước.
Trận chiến chưa kết thúc
Một trong những lực lượng có đóng góp quan trọng góp phần đưa Hà Nội kiểm soát tốt dịch COVID-19 chính là đội ngũ CDC (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội). Vào thời gian cao điểm, mỗi ngày Thủ đô lấy hàng nghìn mẫu, tập hợp về CDC xét nghiệm khẳng định, có thể nói phòng xét nghiệm ở đây sáng đèn 24/24h.
Những phút giây nghỉ ngơi hiếm hoi của cán bộ lấy mẫu CDC Hà Nội tại sân bay Nội Bài. |
Có những đêm khuya, ngay cả phóng viên như tôi gọi điện “làm phiền” BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, anh cũng đều nhẹ nhàng trả lời “mẫu đang chạy em ạ, chưa có kết quả”. Có những khi, dù muộn anh cũng đợi kết quả để trả lời cho phóng viên. Anh thường nói, anh chị em rất vất vả, xét nghiệm cả ngày, xuyên đêm, không ngơi nghỉ với phương châm “thần tốc” để đảm bảo có kết quả nhanh nhất, chính xác nhất, phục vụ công tác điều tra, truy vết.
Chia sẻ với tôi về công việc thầm lặng của lực lượng CDC Hà Nội, BS Khổng Minh Tuấn không thể không nhắc tới những đợt lấy mẫu trên diện rộng, lấy mẫu nhanh như đợt dịch thứ hai, số lượng người nhập cảnh từ các chuyến bay về chật kín Sân bay Nội Bài. Anh chị em CDC mang phương tiện, máy móc lên sân bay lấy mẫu, rồi chuyển mẫu về xét nghiệm. Hình ảnh mà anh cho chúng tôi xem là những thước phim sinh động của một giai đoạn chống dịch đầy căng thẳng, những nhân viên y tế gần như kiệt sức sau thời gian làm việc kéo dài, mệt mỏi, áp lực, nguy cơ lây nhiễm luôn rình rập…
Ngay như dịp Tết vừa qua, ca dương tính được phát hiện ở chung cư 88 Láng Hạ, chiều nhận lệnh phong tỏa, 22h chính thức thực hiện lấy mẫu xét nghiệm hơn 900 cư dân ở đây. Lấy mẫu xong, đồng hồ cũng đã điểm 2h sáng, và công việc hoàn tất vào 6h sáng sau khi bàn giao tất cả mẫu cho đơn vị xét nghiệm.
Cuộc chiến với COVID-19 đòi hỏi “tất cả phải thần tốc từ lấy mẫu, điều tra dịch tễ đến lấy mẫu, xét nghiệm” tạo áp lực nhất định đối với anh chị em CDC. Nhân viên y tế là nữ chiếm số đông nên được điều động lấy mẫu, điều tra dịch tễ, khoanh vùng, đưa F1 đi cách ly tập trung. Có chị em nhà ở xa, thường làm việc đến khuya đành phải ngủ lại cơ quan. Có khi sáng hôm sau đột xuất lại phải tăng cường đi lấy mẫu, nên vài ngày không về nhà là chuyện bình thường. Để thuận lợi cho công việc, nhiều nữ nhân viên y tế đã cắt mái tóc dài của mình, còn nam thì cắt đầu đinh, làm sao cho thuận lợi nhất khi mặc đồ bảo hộ suốt ngày không khỏi nóng, bí.
Chia sẻ với chúng tôi, BS Đào Hữu Thân, Phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC Hà Nội cho biết, năm 2020, CDC Hà Nội đã làm trên 130 nghìn mẫu xét nghiệm và chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, đã xử lý một lượng mẫu xét nghiệm cao khủng khiếp với trên 50 nghìn mẫu, gần bằng 50% số mẫu của năm trước. Để giải quyết lượng lớn mẫu như vậy, anh em CDC dốc toàn lực luân phiên cùng làm suốt ngày đêm.
BS Đào Hữu Thân nhận định: “Với lực lượng phòng chống dịch chúng tôi thì mỗi một ổ dịch, một bệnh nhân đều là mới và là một “trận đánh”, cần kiểm soát càng sớm càng tốt. Lần này, ổ dịch tại Xuân Phương, Nam Từ Liêm vì diễn biến rất phức tạp, tất cả bộ máy chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã thức nhiều đêm, “cân não” để quyết định phương án chống dịch sao cho phù hợp. Việc quyết định cách ly tại Trường Tiểu học Xuân Phương rất căng thẳng vì đây là việc chưa từng xảy ra. Hay trường hợp 6/7 người trong gia đình cùng mắc COVID-19, chỉ còn lại cháu bé gái đang học mẫu giáo… Hoặc nửa đêm ra quyết định phong tỏa khu chung cư 99 Trần Bình…, đều là những quyết định “cân não” mà những người chống dịch phải tính toán kỹ lưỡng”.
Song, theo chia sẻ của BS Đào Hữu Thân, dù căng thẳng, vất vả, nhưng lực lượng CDC Hà Nội chưa thấy ai chùn bước, họ luôn cố gắng đến cùng vì lương tâm, trách nhiệm với công việc phải làm, vì mong muốn sự bình yên cho người dân Thủ đô.