Chờ rau an toàn trong 10 năm nữa

Thứ Bảy, 19/04/2008, 11:11
Chưa thời điểm nào, vấn đề rau an toàn (RAT) lại gây nhiều bức xúc như hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch tả tiếp tục lây lan. Nhưng, để người dân có thể sử dụng rau an toàn trong mỗi bữa ăn lại là điều khó thực hiện, ít nhất là trong 10 năm tới.
>> Rau an toàn bị ép giá

Hà Nội: Mới đáp ứng được 40% nhu cầu rau của người dân

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, ngoài vấn đề sử dụng phân tươi để tưới rau, hiện nay các cá nhân, tổ chức trồng rau ở Hà Nội thường sử dụng chủ yếu trên 50 hoạt chất và 80 thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, số thuốc sinh học sử dụng còn ít, chủ yếu là chất hóa học và vẫn còn hiện tượng một số hộ sử dụng thuốc trái quy định hoặc không tuân thủ đúng các quy trình phun thuốc, dùng hỗn hợp nhiều loại thuốc, không đảm bảo thời gian cách ly khi thu hái nên dư lượng thuốc trong sản phẩm cao...

Ông Khanh cũng cho biết, hiện Hà Nội mới sản xuất đáp ứng được 40% nhu cầu rau của người dân (trong đó có 8,6% là rau an toàn), ngoài ra phải nhập rau từ các vùng khác và từ nước ngoài. Qua kiểm tra, rau an toàn của Hà Nội sản xuất ra đáp ứng được tiêu chí về rau an toàn, còn rau nhập từ các nơi khác về thì cơ bản không đảm bảo yêu cầu.

Trong thời gian tới, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô, TP sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nhận thức được mối nguy về thực phẩm không an toàn, vận động người dùng và người sản xuất tự giác chấp hành quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; chuyển giao mạnh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn...

Diện tích RAT vẫn "giẫm chân tại chỗ"

Trong Hội nghị Phát triển rau an toàn vùng đồng bằng sông Hồng do Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức sáng 18/4, vấn đề khiến các nhà quản lý phải đau đầu là việc mở rộng vùng sản xuất RAT gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả Hà Nội, một địa phương đi đầu về sản xuất RAT cũng "vấp" nhiều rào cản.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, địa phương này đã xây dựng đề án phát triển vùng RAT nhưng đã nhiều năm trôi qua vẫn chưa được phê duyệt. Còn các địa phương khác, thậm chí lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật còn không nắm rõ diện tích RAT của địa phương mình như trường hợp của tỉnh Hưng Yên. Bộ NN&PTNT đã xác định, một trong 4 nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu phải thực hiện ngay trong năm 2008 là "An toàn thực phẩm".

Tuy nhiên, dù đã có rất nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo về phát triển RAT nhưng đến thời điểm này, cả vùng đồng bằng sông Hồng rộng lớn mới chỉ có 13.216 ha RAT (chiếm 13% tổng diện tích rau). 

Trao đổi với chúng tôi, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phạm Đồng Quảng cho biết, cách đây 1 năm, Cục đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các địa phương kiểm tra việc quy hoạch và công nhận vùng đủ điều kiện để sản xuất RAT.

Tuy nhiên, đến nay mới có 34/64 tỉnh, thành phố gửi báo cáo kết quả về Cục; trong đó 16 địa phương đã hoặc đang xây dựng quy hoạch vùng sản xuất RAT. Các địa phương vẫn chưa có phương án rõ ràng, cụ thể để phát triển diện tích RAT trên địa bàn mình

Chi Linh
.
.
.