Chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định của 13 tỉnh thành

Thứ Sáu, 10/02/2017, 19:05
Ngày 11-2, 13 tỉnh, thành phố đầu tiên trên cả nước sẽ tiến hành chuyển đổi mã vùng điện cố định thoại giai đoạn 1. Điều khiến nhiều người quan tâm hiện nay là vì sao chúng ta phải chuyển đổi mã vùng và việc chuyển đổi sẽ tác động như thế nào đến người sử dụng?


Quy hoạch lại để tiết kiệm và sử dụng hiệu quả kho số viễn thông

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết: Kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại là một bước trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch kho số viễn thông đã được ban hành năm 2014.

Một trong những mục tiêu cơ bản đặt ra đối với xây dựng và thực hiện quy hoạch kho số viễn thông là đáp ứng nhu cầu phát triển của thông tin di động tiếp tục bùng nổ trong giai đoạn tới. 

Dự kiến, việc triển khai Quy hoạch này sẽ hoàn tất trong năm 2018. Chậm trễ triển khai quy hoạch kho số này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển nền kinh tế số, kìm hãm sự phát triển của giao thông thông minh, y tế thông minh, hệ thống điện lực thông minh”- Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.

Tập đoàn VNPT, đơn vị sỡ hữu hơn 90% thuê bao cố định sẽ chuyển đổi mã vùng vào ban đêm để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho khách hàng.

Cũng theo Thứ trưởng Phan Tâm, mục tiêu thứ hai đặt ra khi triển khai kế hoạch chuyển đổi mã vùng là để sau khi chuyển đổi sẽ có được một bảng mã vùng mới dễ nhớ và công bằng hơn với người sử dụng. 

Việc chia tách và sáp nhập tỉnh/thành phố trong những năm qua dẫn đến mã vùng của Việt Nam có độ dài không đồng nhất, có tỉnh có độ dài mã vùng là 1, có tỉnh có độ dài mã vùng là 2 và thậm chí là 3. Ví dụ trước đây tỉnh Vĩnh Phú có mã vùng là 21. Khi tách tỉnh thành 2 tỉnh thì Phú Thọ có mã vùng 210 và Vĩnh Phúc là 211. 

Một mục tiêu nữa mà Bộ TT&TT hướng tới khi thực hiện Kế hoạch chuyển đổi mã vùng là tạo điều kiện để chuyển mã mạng di động cho các thuê bao di động 11 số hiện nay. 

Ngoài ra, theo nghiên cứu của Cục Viễn thông, quy hoạch kho số viễn thông sau đó đổi mã vùng điện thoại cố định cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Mã vùng sẽ thay như thế nào?

Theo tính toán của Cục viễn thông, Bộ TT&TT, các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định hay còn gọi là các cuộc gọi có sử dụng mã vùng sẽ chịu sự tác động của kế hoạch này. Với các cuộc gọi này, khách hàng phải thay mã vùng cũ bằng mã vùng mới. 

Ví dụ, nếu gọi từ di động vào số cố định tại Hà Nội là 23456789, trước khi đổi mã vùng ta quay số 04.23456789, thì sau khi đổi mã vùng ta phải quay số 024.23456789. Nghĩa là chỉ thay mã vùng cũ (4) bằng mã vùng mới (24) khi quay số. 

Cũng theo Cục viễn thông, ngoại trừ các đối tượng trên, còn lại việc chuyển đổi mã vùng không ảnh hưởng đến số thuê bao điện thoại cố định, số thuê bao vẫn giữ nguyên như cũ. Ví dụ, số cố định tại Hà Nội là 23456789, sau khi chuyển đổi từ mã vùng cũ (4) về mã vùng mới (24) thì số cố định đó vẫn là 23456789. 

Việc chuyển đổi mã vùng điện thoại sẽ kết thúc vào ngày 31-8

Theo kế hoạch chuyển đổi mã vùng của Bộ TT&TT, từ 0h ngày 11-2, việc đổi mã vùng điện thoại sẽ được thực hiện ở 13 tỉnh, thành phố giai đoạn 1 gồm Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. 

Sau khi giai đoạn 1 kết thúc, từ ngày 15-4, 23 tỉnh, thành phố ở giai đoạn 2 sẽ thực hiện chuyển mã vùng điện thoại cố định. Từ 17-6, 23 tỉnh, thành phố còn lại, trong đó có Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh sẽ thực hiện chuyển mã vùng điện thoại giai đoạn 3. Theo kế hoạch, việc chuyển mã vùng điện thoại cố định trên toàn quốc sẽ kết thúc vào ngày 31-8. 

Huyền Thanh
.
.
.