Chính quyền xã tiếp tay chuyển nhượng trái phép đất công trên đảo Phú Quốc

Thứ Sáu, 16/11/2012, 23:46
Cách nay 7 năm từng xảy ra “dư chấn” làm 8 cán bộ, trong đó có Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc phải trả giá đắt. Thế nhưng sau đó, nhiều cán bộ vẫn không lấy đó làm bài học cảnh tỉnh, vẫn lợi dụng sự buông lỏng trong quản lý đất đai hoặc tranh thủ vị thế của mình, lặng lẽ “xà xẻo” đất rừng, đất an ninh quốc phòng, đất do Nhà nước quản lý… khiến dư luận đảo ngọc lại “nóng” chuyện đất đai…

Nóng bỏng Cửa Cạn

Cửa Cạn là xã giáp với Gành Dầu, nằm ở phía Tây Bắc của đảo Phú Quốc, là địa phương đang thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô. Những ngày qua, dư luận đổ dồn về đây khi được tin lãnh đạo chủ chốt của xã này có quá nhiều sai phạm liên quan đến quản lý đất đai, dẫn đến tình trạng bao chiếm, chuyển nhượng trái phép đất công, đất rừng hết sức phức tạp.

Người đầu tiên phải trả giá là ông Nhan Văn Truyền, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Chiều 13/11, nguồn tin riêng của PV Báo CAND cho biết ông Truyền đã bị cấp có thẩm quyền của huyện Phú Quốc cách hết các chức vụ cả về mặt Đảng và chính quyền.

Trước đó, sai phạm của ông Truyền đã được cấp có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện, chỉ rõ: Ông Ngô Hải Lực có diện tích đất gần 27.000m2, đã được cấp sổ đỏ. Sau đó ông Lực tiếp tục xin hợp thức hóa thêm diện tích đất trên 11.200m2, đất này là đất rừng. Thế nhưng ông Truyền đã giúp tạo lập hồ sơ giả để đề nghị cấp sổ đỏ cho ông Lực, trái với quy định của pháp luật về đất đai.

Ông Đặng Văn Tuân - một người dân trên đảo Phú Quốc từng tố cáo nội dung sai phạm liên quan đến lãnh đạo chủ chốt xã Cửa Cạn.

Và ông Lực đã bán 2 lô đất này cho ông Nguyễn Hùng (TP Hồ Chí Minh) với giá 3,9 tỷ (ông Hùng đã được UBND huyện cấp sổ đỏ ngày 20/4/2012. UBKT Huyện ủy đã kiến nghị thu hồi sổ đỏ này). Ông Truyền còn chỉ đạo UBND xã lập hai tờ trình không đúng với hiện trạng đất của ông Nguyễn Quốc Huệ (lần thứ nhất 4.993m2, lần thứ hai 22.192m2) để ông Huệ được chi trả tiền hai lần trong khu quy hoạch của Công ty Lan Anh – một nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh.

Tiếp đến là sai phạm của 2 thuộc cấp của ông Truyền, đều là Phó Bí thư Đảng ủy xã. Theo UBKT Huyện ủy Phú Quốc, vào ngày 9/8/2002, người dân đã hiến 277,4m2 tại ấp Lê Bát, xã Cửa Cạn để làm đường. Thế nhưng, ông Phó Bí thư Đảng ủy xã Phan Thành Tiến đã cậy quyền, cậy thế của mình để chiếm đoạt diện tích này rồi cho tiến hành xây dựng, làm đơn xin cấp sổ đỏ. Trong đơn, ông Tiến xác định nguồn gốc đất là “tự khai khẩn”.

Đối với Phó Bí thư Trần Kiều Hưng, kết luận của UBKT Huyện ủy là đã thuê người chặt phá, chiếm đất của Vườn Quốc gia Phú Quốc. Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia xác nhận, ông Hưng đã thuê người chặt phá diện tích 4.042m2 đất rừng tại Tiểu khu 81, phân khu phục hồi sinh thái Vườn Quốc gia Phú Quốc (thuộc địa phận ấp 3, xã Cửa Cạn). Từ hành vi này, ngày 17/9 vừa qua, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phú Quốc đã ký Quyết định số 05/QĐ-HKL khởi tố hình sự đối với ông Hưng vì hành vi hủy hoại rừng và chuyển đến cơ quan tiến hành tố tụng khác để tiếp tục điều tra làm rõ.

Cũng tại xã Cửa Cạn, cơ quan chức năng còn phát hiện không ít trường hợp bao chiếm đất rừng, đất công trái phép nhưng đã được xem xét, cấp sổ đỏ. Chẳng hạn như trường hợp ông Nguyễn Đình Chiến (ấp 2). Hiện trên sổ đỏ của ông Chiến có diện tích 4.143,6m2 được xác định là đất rừng chồi, có trồng cây tràm bông vàng và xoài khoảng 2-3 tuổi xen lẫn với cây rừng. Theo kết luận của UBKT, việc xét cấp sổ đỏ cho ông Chiến trên phần diện tích này vào năm 2009 là trái pháp luật vì thửa đất do Nhà nước quản lý thuộc Tiểu khu 81 vùng đệm Vườn Quốc gia. Đất này đã được ông Chiến chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Văn Áng với giá 150 triệu đồng.

Bát nháo “đất vàng”

Ai đã một lần đến với Phú Quốc có lẽ đều biết những vị trí được xem là “đất vàng” khu vực thị trấn Dương Đông. Và khu vực mà khách sạn bốn sao Sài Gòn – Phú Quốc tọa lạc cũng nằm trong số những vị trí đắc địa của đảo ngọc. Cạnh điểm dừng chân này là đồi Ra Đa.

Theo xác định của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tại một báo cáo cuối tháng 10/2012, khu vực đất ở đồi Ra Đa là đất quốc phòng, gồm 63 lô đất, địa điểm thuộc ấp Bà Kèo, thị trấn Dương Đông. Trước đây, đất này do Bộ Tư lệnh QK9 quản lý, sử dụng. Sau “dư chấn” làm Chủ tịch UBND huyện cùng 7 cán bộ khác phải trả giá, QK9 đã bàn giao cho địa phương quản lý. Biên bản chỉ thể hiện số lô nhưng chưa xác định diện tích chính xác là bao nhiêu.

Trong số lô đất kể trên, có 58 lô đất được xác định diện tích 8.692,7m2. Ngày 27/5/2011, UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định thu hồi đất, giao cho UBND huyện Phú Quốc quản lý. Tại thời điểm vừa kể, đã có 9 hộ (chủ yếu là cán bộ) sử dụng đất để xây dựng nhà, diện tích 1.171,6m2. UBND tỉnh đã có chủ trương xử lý cho số hộ này tiếp tục sử dụng nhưng có thu tiền sử dụng đất. 49 lô đất còn lại với diện tích là 7.521,1m2, hiện UBND huyện Phú Quốc vẫn quản lý, sử dụng đúng mục đích.

Đảo ngọc Phú Quốc rộng hơn 589km2 (xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore) có sức hút mạnh đối với du khách trong và ngoài nước. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, Phú Quốc sẽ trở thành Đặc khu hành chính kinh tế trực thuộc TW. Còn chỉ hơn 7 năm nữa, nếu không siết chặt kỷ cương trên lĩnh vực quản lý đất đai, diễn biến bao chiếm, chuyển nhượng đất đai trên đảo chắc chắn sẽ hết sức phức tạp, hậu quả sẽ rất khó khắc phục…

Binh Huyền
.
.
.