"Chiếc kéo vàng" trong phẫu thuật tim hở

Thứ Ba, 27/02/2007, 15:32

Con đường dẫn cậu học trò "siêu toán" đến với nghề y bắt nguồn từ tâm niệm của người cha. Ngày qua ngày, ông lặng lẽ dẫn con trai đến gặp những người bạn là thầy thuốc của mình, để cậu xem từng ca khám bệnh, cho cậu vào phòng mổ để thấy hết nỗi vất vả nhưng vinh quang của nghề "cứu nhân độ thế"…

Tình yêu và sự say mê với nghề y đã ngấm vào máu cậu trò nhỏ để bây giờ ngành Ngoại khoa Việt Nam có thêm một bác sĩ với "đôi bàn tay vàng".

Ông là PGS.TS. Bùi Đức Phú, Quyền Giám đốc Bệnh viện TW Huế, người đã trực tiếp phẫu thuật hàng trăm ca mổ tim kín và hở, đem lại cuộc sống mới cho những người bệnh…

Ca mổ tim hở đầu tiên cho bệnh nhi nhẹ cân nhất

...Bây giờ thì chú bé ấy đã có tên là Lê Trần Quang Bảo, một cái tên thật đẹp được cha mẹ đặt ngay khi em tỉnh lại trên giường bệnh của phòng hậu phẫu sau ca mổ tim.

Từ khi mới sinh ra, em đã mang trong mình bệnh suy tim bẩm sinh với một lỗ thông liên thất lớn. Hai ngày tuổi, Bảo nhập viện và bắt đầu chuỗi ngày gắn chặt sự sống của mình với các thiết bị máy móc trong bệnh viện. Bốn tháng, em chỉ nặng 4kg, tăng được 1kg so với cân nặng khi sinh. Bảo phải thở bằng bình oxy và liên tục bị sốt cao, viêm phổi, tăng áp phổi. Càng ngày sức khoẻ của Bảo càng xấu, bạn bè, họ hàng khuyên cha mẹ em đưa Bảo về nhà.

Đứng trước cuộc sống đang tính từng ngày của Bảo, sau nhiều lần khám và hội chẩn, bác sĩ Phú cùng các y, bác sĩ của Khoa Ngoại lồng ngực - Tim mạch, Bệnh viện TW Huế, đã quyết định phẫu thuật tim cho em. Hơn 4 tháng tuổi, Bảo lên bàn mổ, em là bệnh nhi mổ tim nhẹ cân nhất từ trước đến nay.

Một ca mổ tim hở với những diễn biến cực kỳ phức tạp đã diễn ra, đúng hơn là một cuộc chiến giành giật sự sống cho Bảo giữa các y, bác sĩ và... tử thần. 10 ngày sau mổ, Bảo vẫn phải thở máy, phổi bị tràn dịch rồi tràn khí màng phổi. 12 ngày sau mổ, tim Bảo đột ngột ngừng đập. Các y, bác sĩ đã ở bên em những lúc nguy kịch nhất...

Ngày Bảo tỉnh lại, cả nhà em đã oà khóc. Cha mẹ em nước mắt vòng quanh, chắp tay lạy sống các bác sĩ và xin phép được đặt tên cho con…

Với nghề nghiệp - không bao giờ dừng lại

Hơn một tiếng đồng hồ trò chuyện cùng bác sĩ Bùi Đức Phú tại phòng làm việc ở Bệnh viện TW Huế, ông chỉ xoay quanh chuyện làm thế nào để nâng cao được tay nghề, tiếp cận được với những tiến bộ của nền y học thế giới, rồi đem những tiến bộ ấy về áp dụng trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của ngành Y Việt Nam.

Ông bộc bạch: "Khi còn là sinh viên, tôi đã quyết tâm theo học Ngoại khoa và chọn riêng về phẫu thuật tim. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, tôi chưa và sẽ không bao giờ dừng lại. Bởi với tôi, đã là người thầy thuốc, được tiếp cận, học hỏi thêm một kỹ thuật mới cũng có nghĩa là thêm một cơ hội để người bệnh được sống".

Nghe tôi hỏi vì sao lại chọn "con đường chông gai" thế, ông cười rồi trả lời: Hồi ấy ở Việt Nam chỉ có Hà Nội và TP HCM là phẫu thuật được tim, ở Huế không hề có. Mà phẫu thuật tim lại là một phẫu thuật cực khó và phức tạp, nếu đã mổ được tim thì các phẫu thuật khác sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Chính vì những khó khăn ấy mà tuổi trẻ lại muốn lao vào. Gần 8 năm qua, Bệnh viện TW Huế đã phẫu thuật hàng nghìn ca mổ tim kín và hở, trong đó có hơn 1.000 ca có sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể…

Hiện tại, bác sĩ Bùi Đức Phú đang dẫn đầu ê kíp gồm các bác sĩ giỏi trong lĩnh vực phẫu thuật tim của Bệnh viện TW Huế đến chuyển giao công nghệ theo hướng "cầm tay chỉ việc" cho các bác sĩ chuyên khoa ngoại tại các bệnh lớn ở miền Trung như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam…, nhằm giảm tải số lượng bệnh nhân nhi ở các tỉnh miền Trung chờ mổ tim tại Bệnh viện TW Huế, đồng thời góp phần nâng cao tay nghề, kiến thức trong lĩnh vực mổ tim cho các bác sĩ tại các bệnh viện tuyến tỉnh, với hy vọng cứu sống các em nhỏ mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nói trên…

Ngoài cương vị Quyền Giám đốc bệnh viện, kiêm Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - Tim mạch, bác sĩ Bùi Đức Phú còn đảm đương trách nhiệm Trưởng Bộ môn Ngoại -  Đại học Y khoa Huế.

Dù ở vị trí thầy thuốc hay thầy giáo, ông luôn tận tâm với những công việc mình đang làm và với ông là phải sống và làm việc thế nào để có thể đứng thẳng trên bục giảng, truyền lại cho các thế hệ học trò của mình niềm tin yêu, gắn bó với nghề bằng cái tâm trong sáng

Phan Thanh Bình
.
.
.