Kiểm tra, xử lý mũ bảo hiểm:

Chỉ xử phạt sau khi đã tuyên truyền cho người dân hiểu rõ

Thứ Sáu, 10/05/2013, 10:27
Theo Bộ Công Thương, tuy mới kết thúc 1 đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, với cả những kết quả khả quan và cả những khó khăn, thậm chí tranh cãi; nhưng lực lượng chức năng thể hiện quyết tâm tạo lập nền nếp đội mũ bảo hiểm đảm bảo tiêu chuẩn cho người dân, bắt đầu bằng thay đổi nhận thức, chứ không phải bằng xử phạt.

“Xịn”, “rởm” - cơ quan chức năng còn khó nói

Không thể phủ nhận một sự thật, sau gần 2 tháng cao điểm kiểm tra thị trường mũ bảo hiểm trên toàn quốc, một trật tự mới đã được thiết lập. Trên lề đường, vỉa hè đã vắng bóng hẳn các quầy bán mũ bảo hiểm “thời trang” với giá chỉ 25 - 30 nghìn đồng; thay vào đó là các điểm bán mũ trợ giá của các DN có uy tín.

Cái được lớn hơn, là chính người dân cũng có ý thức hơn về mũ “rởm”, mũ “xịn”. Chỉ trong vòng chưa đến 1 tháng thực hiện, đã có hơn 100.000 mũ được đổi, và con số sẽ còn lớn hơn thế rất nhiều, nếu chiến dịch được mở trên diện rộng hơn, chứng tỏ sự quan tâm của người dân đến việc đội mũ đảm bảo chất lượng.

Sau 2 tháng cao điểm kiểm tra, đã vắng bóng các quầy bán mũ "thời trang".

Tổng hợp báo cáo của lực lượng QLTT trên toàn quốc cho biết: Kết thúc đợt cao điểm kiểm tra lần 1 vào ngày 30/4 vừa qua, đã có 3.672 cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm được kiểm tra; phát hiện 1.776 cơ sở có vi phạm, tịch thu 53.836 chiếc mũ bảo hiểm không đủ tiêu chuẩn. Tổng số tiền phạt hành chính đến nay là hơn 873 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu vẫn là không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không ghi nhãn hàng hóa, niêm yết giá không đúng quy định, không treo biển hiệu cơ sở kinh doanh…

Tóm lại, chủ yếu các cơ sở bị xử lý về những sai phạm trong thủ tục hành chính, rất ít liên quan trực tiếp đến chất lượng mũ. Nguyên nhân là bởi ngay cả lực lượng QLTT cũng không có cơ sở kết luận mũ nào “rởm”, mũ nào “xịn”, chỉ kiểm tra được hồ sơ kinh doanh, hóa đơn chứng từ.

Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: Có rất nhiều khó khăn trong công tác xử lý vi phạm, như DN không đến làm việc khi cơ quan chức năng mời; có đơn vị cung cấp chứng nhận hợp quy cho 1, 2 kiểu mũ, nhưng lại bán ra thị trường hàng chục kiểu; mũ bảo hiểm trôi nổi do các cá nhân, đơn vị nhỏ lẻ nhập về, buôn bán lưu động, không đăng ký kinh doanh, rất khó kiểm tra; mức xử phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe… Quan trọng hơn cả, theo ông Hùng, là việc kiểm tra đã trở nên quá tải so với lực lượng QLTT. Trên thực tế, việc đuổi theo vi phạm để xử lý là không bao giờ xuể.

Xử phạt: “nhất thiết” phải thực hiện, nhưng không làm ngay

Thực tế thời gian vừa qua, câu chuyện mũ bảo hiểm “xịn”, “rởm” đã làm tốn không ít giấy mực, dù mục tiêu của nó rõ ràng là tốt cho cả Nhà nước và người dân. Vấn đề tranh luận đặc biệt nóng bỏng xung quanh chuyện xử phạt “hành vi đội mũ không đảm bảo tiêu chuẩn” - theo cách gọi của cơ quan chức năng; mà người dân thì hiểu nôm na rằng xử phạt người đội mũ “rởm”.

Cuộc tranh cãi đã trở nên rất gay gắt và không đáng có, bởi sự phức tạp của những khái niệm. “Chúng tôi chưa bao giờ nói xử phạt người đội mũ “rởm”. Là người làm nghề tôi hiểu rằng, rởm hay xịn phải có căn cứ, phải kiểm tra, kiểm nghiệm. Cái chúng tôi nói đến chính là những loại có hình dạng giống như mũ bảo hiểm, nhưng không phải mũ bảo hiểm”. - ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường nêu ý kiến.

“Xử phạt người cố tình không đội mũ bảo hiểm an toàn nhất thiết phải thực hiện. Đó không phải là phạt người tiêu dùng, mà phạt hành vi vi phạm” – ông Khương Kim Tạo nêu quan điểm. “Tuy nhiên, việc này chỉ nên thực hiện khi đã tuyên truyền cho người dân hiểu rõ, có thể là trong 1, 2 năm tới”.

Ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hội Chống hàng giả
và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng:

Để người dân mua phải mũ không đảm bảo chất lượng, trước hết là trách nhiệm của quản lý thị trường. Lực lượng QLTT không ngóc ngách nào vi phạm mà không biết, chỉ có xử lý hay không xử lý mà thôi. Để người dân mua hàng không đảm bảo chất lượng trước hết là trách nhiệm của QLTT.

Vũ Hân
.
.
.