Chênh vênh những cây “cầu khỉ” giữa lòng Hà Nội

Thứ Hai, 26/08/2013, 21:25
Nhếch nhác, chênh vênh, mất an toàn… đó là những hình ảnh đã và đang tồn tại cùng với hàng chục cây “cầu khỉ” - được dựng tạm bởi hệ thống ván gỗ, cọc tre nằm giữa lòng thành phố Hà Nội thời gian qua. Câu chuyện thật như đùa này đã tồn tại cả chục năm nay, song đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm…

Tàn dư từ quá khứ

Dù đã được nghe phản ánh về những cây “cầu khỉ” tồn tại từ nhiều năm nay trên tuyến đường Thanh Nhàn, phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), thế nhưng, chiều 23/8, khi có mặt tại đây, chúng tôi không khỏi giật mình trước sự nhếch nhác, mất an toàn đi kèm với hàng chục cây “cầu khỉ” - được người dân làm bằng những tấm ván, cọc tre một cách tạm bợ bắc qua con mương Thanh Nhàn. Đáng bàn, bên cạnh việc đi lại, nhiều hộ dân còn tận dụng phần diện tích của những cây cầu này để hoạt động kinh doanh, trao đổi mua bán.

Đơn cử như trước khu vực số nhà từ 25-31 Thanh Nhàn, chúng tôi thấy nhiều biển quảng cáo với nội dung “Cơm bình dân”, “Bia hơi”, “Đá ốp lát”… đi kèm với các vật dụng dùng vào mục đích kinh doanh được đặt chình ình trên các cây cầu. Nhìn hình ảnh người dân hàng ngày đi lại, hoạt động kinh doanh mua bán trên những cây “cầu khỉ” mục nát, dựng tạm bợ ở đây, ai cũng đều cảm thấy lo ngại vì sự mất an toàn, mất mỹ quan đô thị đi kèm với nó. Đấy còn chưa kể đến vấn đề ô nhiễm vệ sinh môi trường đang xuất hiện ở con mương này.

Trò chuyện với chúng tôi, bác Nguyễn Văn Mão, Tổ trưởng Tổ dân cư số 1, phường Quỳnh Mai cho biết, do cuộc sống mưu sinh, nên từ nhiều năm nay, số cây “cầu khỉ” (gồm 9 cây cầu) trên đã được người dân trong khu dân cư dựng lên. Các cây cầu này đang phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt cho gần 30 hộ gia đình. Trước những nguy cơ mất an toàn, nhếch nhác đi kèm với các cây “cầu khỉ”, tổ dân cư cũng đã nhiều lần kiến nghị về việc cần sớm triển khai dự án cải tạo kênh mương thoát nước. Theo đó bê tông hóa hệ thống bề mặt các mương nước, giúp người dân đi lại thuận tiện, không phải sử dụng “cầu khỉ” mất an toàn như hiện nay.

Nhếch nhác, nguy cơ mất an toàn đang “bủa vây” hàng loạt cây “cầu khỉ” trên đường Thanh Nhàn.

 Cũng trong tình trạng mất an toàn, nhếch nhác, song, điều khiến nhiều người lo ngại hơn khi đi trên đường Thái Hà (quận Đống Đa – Hà Nội) đó chính là việc con mương thoát nước Thái Hà – nơi có nhiều cây “cầu khỉ” bắc qua ở đây đang bị xâm hại nghiêm trọng. Tại nhiều điểm, từ một cây “cầu khỉ” đã biến thành một lều tạm. Diện tích mặt nước mương theo đó bị thu hẹp cũng như ô nhiễm nghiêm trọng bởi việc đổ phế thải xây dựng vô tội vạ của một số người dân. Lưu ý hơn, do cây “cầu khỉ” ở đây đã có thâm niên cả chục năm nay, thế nên nó đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Không có lan can chắn, cột chống cầu mục nát, do vậy, chỉ một chút bất cẩn, tai nạn rất dễ xảy ra nhất là đối với trẻ nhỏ và người già.

Cần sớm triển khai các dự án

Việc những cây “cầu khỉ” được dựng lên bất đắc dĩ và tồn tại trong một thời gian dài đã khiến người dân bức xúc. Bộ mặt các tuyến phố - nơi có “cầu khỉ” mọc lên cũng bị ảnh hưởng, ô nhiễm môi trường thì bủa vây. Đặc biệt, liên quan đến vấn đề này, cách đây không lâu, trên cây “cầu khỉ” bắc qua sông Nhuệ, đoạn thuộc xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cũng đã xảy ra vụ tai nạn đau lòng. Theo thông tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng, trước đó tối 10-8, chị N.T.H ở xã Hồng Dương trong lúc đi mua thuốc về chữa bệnh khi qua cây “cầu khỉ” không có lan can này đã bị ngã khỏi cầu và bị nước lũ cuốn trôi. Vụ việc đau lòng trên, thêm một lần cảnh báo về những nguy cơ mất an toàn do các cây “cầu khỉ” mà người dân sử dụng trong thời gian qua gây ra.

Trở lại hệ thống cây “cầu khỉ” trên tuyến đường Thanh Nhàn, trao đổi với PV Báo CAND, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, việc xuất hiện một số cây “cầu khỉ” trên dọc tuyến mương Thanh Nhàn, đoạn đi qua địa bàn phường là do người dân dựng lên tự phát nhằm mục đích mưu sinh. Tuy nhiên, việc xuất hiện  “cầu khỉ” khi hệ thống mương chưa được cải tạo, bê tông hóa cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến sự mất an toàn, mất mỹ quan, vệ sinh môi trường đô thị. Đứng trước hiện tượng trên, UBND phường thời gian qua đã tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho các hộ dân sinh sống trên địa bàn, nhất là đối với số hộ gia đình đang sử dụng cây “cầu khỉ” về những nguy cơ đi kèm. Đặc biệt, dự án cải tạo kênh mương trên địa bàn phường Quỳnh Mai cũng đã được thành phố Hà Nội phê duyệt.

Và tháng 5/2013, dự án do hai đơn vị thi công đã được triển khai tại một số đoạn trên tuyến mương này. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, UBND phường cũng như người dân luôn mong muốn dự án trên được triển khai, hoàn thành đúng tiến độ thi công để cảnh quan môi trường được cải thiện, những cây “cầu khỉ” nhếch nhác, mất an toàn đang tồn tại được xóa bỏ.

Việc sớm triển khai các dự án cải tạo mương nước, xóa bỏ kịp thời các cây “cầu khỉ” bắc qua các con sông, mương trên địa bàn thành phố Hà Nội đang là vấn đề “nóng” cần được các cấp, các ngành lưu tâm. Có như vậy, người dân mới hết bức xúc, cảnh quan đô thị được cải thiện. Trên hết, số vụ tai nạn đau lòng liên quan đến “cầu khỉ” sẽ không còn xảy ra nữa

T.Huy
.
.
.