Chen nhau đi lễ Bà Chúa Kho

Thứ Tư, 25/02/2015, 09:34
Đầu xuân, Đền Bà Chúa Kho (làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) tái diễn cảnh khách du xuân chen chúc đi lễ. Hàng nghìn người nườm nượp nối nhau với những mâm cúng ngất ngưởng.

Lúc 16h mùng 5 Tết (ngày 22/2 dương lịch), trời đã tối dần nhưng dòng người đổ về Đền Bà Chúa Kho vẫn nườm nượp. Ngay từ lối rẽ đầu quốc lộ 1 cũ, dòng xe đã phải nối đuôi nhau nhích dần vào trong. Hình ảnh phản cảm đầu tiên đập vào mắt du khách chính là hàng người xin tiền dọc lối lên đền.

Trên mỗi bậc thềm là một người ngồi chìa nón, rổ, âu nhựa… xin tiền khách đi qua. Theo quan sát của chúng tôi, những người ngồi đây hầu hết là người bình thường, mang theo trẻ nhỏ mặc quần áo nhếch nhác để gợi lòng thương cảm của người qua đường. Hình ảnh đáng buồn ở chốn tâm linh, đông đúc người qua lại.

Hiếm có nơi nào, đồ lễ được bày bán phong phú và tràn ngập lối đi như ở đền Bà Chúa Kho. Những cành vàng, cành bạc, những cây tiền, mâm lễ chủ đạo là vàng mã bên cạnh đồ lễ mặn. Người ta phải đội đồ lễ ngất ngưởng lên đầu mới tránh va chạm trong dòng người tiến dần vào đền. Ai cũng cố chen vào cho được cung thờ Bà phía sâu trong đền nên mới tạo cảnh người người san sát. Tương xứng với cảnh bày bán đồ lễ bên ngoài, bên trong đền là những giá đỡ cao ngất đồ lễ. Giá đỡ có hạn nên các mâm cúng chồng chất lên nhau, đồ lễ rơi cả xuống nền nhà…

Du khách chen nhau đi lễ Đền Bà Chúa Kho.

Một trong những hiện tượng góp phần tạo nên sự xô bồ ở Đền Bà Chúa Kho là tình trạng cúng thuê vẫn tồn tại nhiều năm nay. Dù Ban quản lý nhà đền có cảnh báo du khách không nhờ người khấn thuê bằng các bảng thông báo đặt nhiều nơi trong đền, nhưng giữa đám đông người cúng lễ, ai cũng dễ dàng nhận thấy những người cúng thuê đứng len lỏi, chiếm chỗ làm lễ của khách.

Mỗi người cầm trên tay cái đĩa và 2 đồng xu âm dương đứng mời khách cúng thuê. Giọng nói của các phụ nữ cúng thuê toát lên sự chuyên nghiệp, bài bản bằng kinh nghiệm nhiều năm làm công việc này. Cũng tại nơi này, chúng tôi đã chứng kiến những người trong Ban quản lý nhắc nhở, thậm chí là đẩy đuổi, không cho người cúng thuê hoạt động. Tuy vậy, còn nhiều người cúng thuê vẫn “có đất” làm ăn vì khách vẫn có nhu cầu.

Thêm một hình ảnh phản cảm trong mùa lễ hội ở Đền Bà Chúa Kho là sự lãng phí khi một lượng vàng mã vô cùng lớn được đốt hằng ngày. Hai lò đốt vàng mã ở phía sau đền luôn cháy rừng rực. Cũng do lượng vàng mã đốt quá nhiều nên sức nóng ở lò đốt này khiến nhiều khách không đủ kiên nhẫn để tự hóa vàng, từ đó xuất hiện thêm một đội quân hóa vàng mã thuê thường trực trước cửa lò. Mỗi lần hóa giúp, khách đều phải đưa tiền cho những thanh niên đứng ở đó, mức bao nhiêu là tùy tâm. Tiền bạc được sử dụng khắp nơi từ cổng cho đến bên trong và phía sau đền.

Có tham gia vào dòng người đi lễ Đền Bà Chúa Kho mới thấy, nhiều du khách đến đền chỉ chăm chăm cúng lễ thật nhiều tiền vàng để mong năm tới sẽ kiếm được nhiều tiền. Còn lại, người ta ít quan tâm đến vấn đề văn hóa khi lễ. Tâm lý đi lễ đầu xuân như thế đã tạo ra một quang cảnh lộn xộn, bát nháo ở nơi được coi là linh thiêng, cần được thể hiện thái độ kính cẩn, trân trọng.

Qua mỗi năm tổ chức mùa lễ hội, chúng tôi đều ghi nhận sự thay đổi tích cực của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích Đền Bà Chúa Kho. Đó là sự sắp xếp, hướng dẫn phương tiện ôtô, xe máy gọn gàng, tránh ùn tắc của những người cao tuổi địa phương, là sự nỗ lực làm trong sạch môi trường văn hóa. Tuy nhiên, trên thực tế những hình ảnh phản cảm vẫn còn xuất hiện. Sự phản cảm, bát nháo ở đây có nguyên nhân chính là từ phía khách đi lễ đền. Người đi lễ cần phải có thái độ và cách hành xử văn minh hơn để duy trì nét đẹp đầu xuân của người Việt Nam, vừa phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích.

Việt Hà
.
.
.