Chế độ thai sản dành cho nam giới

Thứ Tư, 14/05/2014, 08:19
Theo những diễn biến mới nhất, dự thảo Luật BHXH sửa đổi (sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội khai mạc trong tháng 5 này) lần đầu tiên đề cập đến chế độ nghỉ thai sản cho lao động nam.

Báo cáo mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa công bố trong ngày 13/5, đã chỉ ra sự thay đổi tích cực về thời gian nghỉ thai sản. Việt Nam có chế độ nghỉ thai sản cho các bà mẹ ngang hàng với các nước phát triển nhưng lại không có chế độ nghỉ thai sản dành cho các ông bố, trong khi gần một nửa các quốc gia trên toàn cầu khuyến khích các bậc làm cha tham gia nhiều hơn trong và sau quá trình con chào đời.

Nam giới tại Việt Nam không được nghỉ thai sản trong khi chế độ thai sản cho cha đang ngày càng trở nên phổ biển trên thế giới, nhưng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi mở ra một hy vọng cho các ông bố đang làm việc.

Theo những diễn biến mới nhất, dự thảo Luật BHXH sửa đổi (sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội khai mạc trong tháng 5 này) lần đầu tiên đề cập đến chế độ nghỉ thai sản cho lao động nam. Nếu dự thảo luật nhận được sự đồng tình của Quốc hội, lao động nam sẽ được nghỉ 5-7 ngày hưởng nguyên lương tùy vào việc vợ sinh thường hay phải phẫu thuật. Dự thảo luật đồng thời cũng quy định về chế độ nghỉ thai sản khi nhận con nuôi (người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi).

Việc cho phép bố mẹ nuôi được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội là phù hợp với các khuyến nghị của ILO và đã được đưa vào luật pháp của nhiều nước trên thế giới. Chế độ thai sản dành cho các bậc làm cha được áp dụng phổ biến nhất tại các nền kinh tế phát triển, châu Phi, Đông Âu và Trung Á. TS. Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO Việt Nam nhận định: “Việc công nhận quyền làm cha của nam giới cũng như trách nhiệm của họ phải san sẻ việc nhà và chăm sóc gia đình (những công việc không được trả lương) sẽ giúp xóa bỏ những quan điểm xã hội truyền thống và thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc và tại gia đình”.

Tại Việt Nam, các điều khoản về chế độ thai sản chỉ có thể áp dụng cho gần 30% lực lượng lao động. Khu vực phi chính thức, bao gồm ngành nông nghiệp, vẫn còn quá lớn là một vấn đề đối với việc thực thi pháp luật

Thu Uyên
.
.
.