Chế biến thủy sản ở ĐBSCL: Cần sự liên kết từ nhiều phía
Ngành chế biến thủy sản của ĐBSCL đóng góp khá lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, nhưng tại đây lại chưa có một trung tâm nghiên cứu, trung tâm thị trường, trại thực nghiệm cấp quốc gia nào. Điều này làm cho một số địa phương thiếu thông tin, thiếu liên kết và việc sản xuất theo kiểu cũ vẫn còn tồn tại.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm đến 50% sản lượng thủy sản và đóng góp khá lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngành Thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh, nhất là các tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau.
Vào cuối tháng 8 đầu tháng 9/2006, tại Hội nghị ngành công nghiệp ĐBSCL lần thứ 9 diễn ra ở Bạc Liêu cho thấy cần một sự đồng thuận, liên kết để cùng nhau phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản, nhất là việc Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Những con số ấn tượng
Từ diện tích nuôi trồng thủy sản gần 500.000ha vào năm 2001, đến nay khu vực ĐBSCL đã tăng lên trên 657.000 ha đất nuôi trồng thủy sản; sản lượng đánh bắt và nuôi trồng từ 1,3 triệu tấn lên 1,9 triệu tấn. ĐBSCL được xem là vùng trọng điểm nuôi trồng và đánh bắt thủy sản của cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả vùng từ 798 triệu USD năm 2001 nay đã lên đến 1,8 tỉ USD, chiếm 53% kim ngạch xuất khẩu của toàn vùng. Từ chỗ chỉ có 80 cơ sở công nghiệp chế biến thủy sản nay đã có 136 cơ sở, góp phần giải quyết việc làm cho gần 120.000 lao động.
Các đại biểu dự hội nghị cho rằng, ngành chế biến thủy sản của ĐBSCL mặc dù gặp những khó khăn về các vụ kiện bán phá giá tôm, cá basa, những rào cản thương mại từ phía Hoa Kỳ, nhưng đã vượt qua để cùng nhau hội nhập.
Cũng chính từ những thách thức này đã tạo kinh nghiệm cho doanh nghiệp trong làm ăn và hội nhập quốc tế. Vì thế, việc xây dựng kế hoạch phát triển đến năm 2010 sẽ tăng rất cao so với hiện nay về cả 4 mặt: chế biến, xuất khẩu, việc làm và công nghệ.
Theo đó, đến năm 2010, toàn vùng ĐBSCL sẽ có gần 180 cơ sở công nghiệp chế biến thủy sản (tập trung phát triển các nhà máy vừa và nhỏ), kim ngạch xuất khẩu đạt 3,8 tỉ USD, thu hút gần 170.000 lao động, trong đó chủ yếu là lao động nông thôn…
Tại vùng bán đảo Cà Mau (bao gồm cả Sóc Trăng), thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, việc qui hoạch nguồn nguyên liệu chi tiết từng vùng, tiểu vùng vẫn còn nhiều bất cập.
Ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ, cho biết: Ngành Thủy sản dễ có điều kiện để hội nhập, chính vì vậy ngay từ bây giờ phải qui hoạch vùng nguyên liệu để phục vụ cho việc phát triển lâu dài và bền vững.
Nhưng thiếu sự liên kết chặt chẽ
Mặc dù ngành công nghiệp chế biến thủy sản của ĐBSCL đóng góp khá lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, nhưng tại đây lại chưa có một trung tâm nghiên cứu, trung tâm thị trường, trại thực nghiệm cấp quốc gia nào. Chính điều này đã làm cho một số địa phương thiếu thông tin, thiếu liên kết và việc sản xuất theo kiểu cũ vẫn còn tồn tại.
Sự thiếu liên kết giữa người nuôi trồng thủy sản và nhà máy chế biến thể hiện khá rõ trong những tháng đầu năm 2006 là thiếu nguyên liệu chế biến. Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Việt Thắng cho rằng, không liên kết được giữa người cung cấp nguyên liệu với các nhà máy thủy sản thì sẽ rất khó ổn định trong chế biến xuất khẩu.
Tại hội nghị, các vấn đề bơm chích tạp chất vào nguyên liệu, vấn đề dư lượng thuốc kháng sinh và việc xử lý môi trường ở các nhà máy chế biến thủy sản cũng được đặt ra với quyết tâm cao nhằm cải tạo môi trường sản xuất.
Ông Võ Hùng Dũng cho rằng, nhà máy xả chất thải làm chết các loại thủy sản, chết nguyên liệu thì nhà máy phải có trách nhiệm bồi thường. Các đại biểu đều thống nhất ý kiến là sẽ tăng cường công tác liên kết giữa các nhà máy với nhau, giữa người dân với nhà máy, giữa vùng ĐBSCL với các vùng khác.
Đồng thời nhanh chóng xúc tiến thành lập hiệp hội nuôi tôm tại các địa phương; tăng cường công tác thông tin lẫn nhau nhằm thúc đẩy hơn nữa việc phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản ở ĐBSCL