Châu Can khóc than... Cầu Giẽ

Chủ Nhật, 19/10/2008, 19:45
Khi con đường 75 cắt ngang Cầu Giẽ, nối từ xã Phú Yên sang Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) bị cắt cụt, bao nhiêu nguy cơ tai nạn giao thông dồn hết lên xã Châu Can. Trung bình mỗi tháng lại có một vụ tai nạn chết người, trẻ em cũng không dám qua đường đi học, người Châu Can đang khóc than vì cây Cầu Giẽ… bẫy người.

Cầu Giẽ cắt ngang sông Nhuệ, chia ra thành hai bờ Nam - Bắc. Phía Bắc là hai xã Đại Xuyên, Phú Yên. Phía Nam là xã Châu Can. Khi đường cao tốc Pháp Vân được đưa vào sử dụng, con đường dân sinh 75 trở thành điểm đen phía bờ Bắc.

Tai nạn xảy ra nhiều nên huyện Phú Xuyên bèn cho lấp bê tông, bịt chặt con đường. Không còn lối đi, người ta lại mở đường bên xã Châu Can. Từ đó, bao nhiêu hiểm họa giao thông đổ hết lên đầu người dân xã phía bờ Nam này.

Dồn… tai nạn cho Châu Can

Anh Nguyễn Văn Thạch, Phó trưởng Công an xã Châu Can cho hay: "Châu Can hiện tại đang là điểm nút giao thông của cả ba xã (Châu Can, Phú Yên, Đại Xuyên). Do quốc lộ 1A cũ đâm xuyên qua xã rồi thẳng ra đường cao tốc Pháp Vân nên nơi đây đã trở thành "vùng chết", gần như mỗi tháng lại có một người chết; tai nạn nhẹ, va quệt thì không đếm xuể". Phần lớn tai nạn giao thông phía bờ Nam đều liên quan tới người đi bộ qua đường.

Ngay tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Văn Tuân, nguyên Chủ tịch UBND xã Châu Can qua đường đã bị ôtô đâm vào, chết tại chỗ. Gần đây nhất, ông Nguyễn Văn Hàn (thôn Bài Lễ, Châu Can) đi bộ qua đường cũng bị xe đâm chết… Chính quyền địa phương giải quyết không được thì… cấm.

Trên cầu đặt một biển báo cấm rất lớn: "Cấm người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe công nông, xe lam và các loại xe tương tự khác… đi lên cầu". Nhưng không đi lên cầu thì chẳng còn biết đi đường nào?

Trạm điều hành giao thông đoạn đường Cầu Giẽ cũng mới được thành lập 23 ngày. Thế nhưng, trạm lại chỉ làm một nhiệm vụ là "chốt" xe buýt, thực hiện cấm đường (chỉ cho phép người đi bộ, xe buýt, xe thô sơ được qua trạm) còn việc giữ gìn trật tự giao thông tại Cầu Giẽ thì họ cho rằng: "Đó không thuộc trách nhiệm của chúng tôi".

Lại có một thực tế đáng buồn là, từ khi có cái trạm giao thông này, Châu Can lại có thêm một bi kịch khác: gần nhà nhưng xa ngõ. Chỉ cách một con sông, nhưng việc giao lưu của ba xã Châu Can, Đại Xuyên, Phú Yên thật chẳng dễ dàng gì. Nếu đi bằng phương tiện thô sơ thì có thể dễ dàng qua trạm. Nếu đi bằng phương tiện cơ giới thì chỉ còn cách đi đường vòng, ngược lên Đỗ Xá hơn 25km rồi trở xuống. Không ít người dân ở đây đã bức xúc rằng, từ khi có trạm điều hành, họ bị "hành" nhiều hơn.

Con đi học, mẹ lo

Châu Can có 8 thôn và một cụm dân cư, trong đó phía Đông có 2 thôn, phía Tây có 6 thôn. Do vậy việc đi học của học sinh Châu Can rất vất vả. Trường Tiểu học Hạ Châu Can nằm ở phía Đông. Còn Trường THCS Châu Can lại nằm ở phía Tây. Vì vậy dù muốn hay không, dù học sinh tiểu học hay trung học, cách đến trường duy nhất vẫn là vượt qua đường cao tốc.

Mỗi ngày lại có hàng nghìn lượt học sinh lũ lượt qua đường, trước dòng xe tải trọng lớn chạy rầm rập với tốc độ hãi hùng. Cũng theo anh Thạch, chỉ tính từ ngày 5/9 tới giờ, đã có 3 vụ tai nạn xảy ra đối với các cháu học sinh vượt đường đến trường, có trường hợp gãy chân, có trường hợp vỡ đầu phải nhập viện, chưa kể những vụ va quệt nhẹ. 

Đường dân sinh 75 đang được các khối bê tông đóng chắn, khiến toàn bộ nguy cơ tai nạn giao thông dồn hết lên xã Châu Can.

Chị Nguyễn Thị Yên (thôn Nghĩa Lập, Châu Can) nói: "Tôi có cháu nhỏ mới học lớp 3 Trường Tiểu học Hạ Châu Can. Dạo trước còn có thể để cháu một mình qua đường đến trường. Giờ phương tiện nhiều, tai nạn thường xuyên nên dù bận tới mấy cũng phải cố gắng thu xếp thời gian đưa đón con. Để trẻ nhỏ đi qua đường cao tốc thật chẳng yên tâm chút nào. Người lớn đi qua Pháp Vân còn vất vả, nói gì tới mấy đứa trẻ mới vài tuổi".

Cầu vượt: Khả thi không?

Theo ông Nguyễn Văn Iu, nguyên là cán bộ Phòng Kỹ thuật, Sở GTVT tỉnh Hà Tây (cũ) thì: "Để xoá điểm đen Cầu Giẽ rất cần xây dựng một cầu vượt mini. Trước đây Hà Tây kêu khó vì thiếu ngân sách. Bây giờ đã về Hà Nội nên rất cần phải được đầu tư để phát triển. Hiện nay trên toàn tuyến cao tốc Pháp Vân dài 29km vẫn chưa hề có một cầu vượt nào".

Ông Iu cho biết: "Cần phải xây bên bờ Nam thuộc Châu Can. Bởi một lẽ Cầu Giẽ đang chia cắt Châu Can làm hai, còn bờ Bắc vốn là hai xã độc lập. Hơn thế, tai nạn phía bờ Bắc chủ yếu là do các phương tiện va quệt với nhau. Còn bờ Nam lại chủ yếu là do phương tiện va quệt với người đi bộ. Vì thế việc xây dựng một cầu vượt dành cho người đi bộ phía bờ Nam là hợp lý hơn cả".

Việc tồn tại đường chắn ngăn cách Phú Yên với Đại Xuyên đang dồn Châu Can vào tình trạng thường xuyên đối mặt với ách tắc giao thông, tai nạn chết người. Thế nhưng, theo anh Phạm Văn Công, Thanh tra viên của trạm điều hành giao thông Cầu Giẽ thì, việc mở đường chắn là rất khó thực hiện.

Nếu mở đường chắn, các phương tiện sẽ rẽ vào quốc lộ 1A cũ để tránh trạm thu phí, gây khó khăn cho việc quản lý phương tiện. Vậy là cái lý do để phải cắt cụt đường 75 chỉ đơn giản là vì muốn "gói" tất cả mọi phương tiện về đường Pháp Vân để thu phí cho… tiện. Và nếu cứ mãi đóng chắn đường 75 thì Châu Can sẽ vẫn mãi là cái "túi" đựng toàn bộ tai nạn giao thông trên điểm đen Cầu Giẽ.

Theo chúng tôi, trước mắt cần thực hiện một số biện pháp tạm thời: nhanh chóng lập hệ thống đèn báo, làm gờ giảm tốc tại vị trí đường cắt ngang chân cầu, kẻ vạch đường cho người đi bộ, mở đường 75… Chỉ có vậy, người Châu Can mới không khỏi khóc than vì… Cầu Giẽ

Hà Ly
.
.
.