Chất lượng lái xe và nguy cơ tai nạn giao thông

Chủ Nhật, 23/02/2014, 08:20
Sở GTVT Hải Phòng vừa tiến hành kiểm tra sức khỏe hơn 7.000 lái tàu, lái xe của các đơn vị vận tải. Qua kiểm tra đã phát hiện 217 lái xe không đạt yêu cầu như có kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu dương tính với ma túy. Nhìn từ thực tế này cho thấy, bấy lâu nay, phải chăng người ta chỉ chú trọng đến việc kiểm tra sức khỏe lái xe đầu vào, còn buông lỏng sức khỏe, thể trạng lái xe trong quá trình làm việc. Và đây liệu có phải là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng?!

Bài 1: Kiểm tra đột xuất… ra lái xe nghiện       

Theo thống kê của Sở GTVT Hải Phòng, từ tháng 7/2013 đến cuối tháng 1/2014, đã có 7.489 lái tàu, xe thuộc 903 đơn vị đi khám sức khỏe. Qua kiểm tra đã phát hiện 217 lái xe không đạt yêu cầu như có kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu dương tính với ma túy; có bệnh lý về thị giác, thính giác. Sở GTVT Hải Phòng cũng phân loại những lái xe không đạt yêu cầu ở mức độ nghiêm trọng như cố tình không đi khám, có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy để yêu cầu các đơn vị vận tải loại bỏ, cắt hợp đồng lao động vĩnh viễn. Số lái xe không đủ sức khỏe cũng được yêu cầu nghỉ để chữa bệnh. Khi tái khám phải đủ điều kiện mới tiếp tục tiếp nhận làm việc trở lại. Việc kiểm tra đột xuất ra vi phạm của Sở GTVT Hải Phòng, như nước cờ đi tiên phong, như hồi chuông báo động về thực trạng lái xe và sự an  toàn của những chuyến xe.

Việc làm nghiêm, vi phạm rõ ràng

Hơn 200 lái xe không đạt yêu cầu về sức khỏe, dương tính với chất gây nghiện vừa bị Sở GTVT Hải Phòng yêu cầu đình chỉ công tác. Động thái này của Hải Phòng được coi là khá cứng rắn bởi trước đây không phải lực lượng chức năng không biết có sự tồn tại của những lái xe nghiện nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có những e ngại vì sợ vi phạm tự do cá nhân, lái xe nghiện vẫn “vô tư” hoạt động mà không hề bị kiểm soát bởi bất cứ lực lượng nào. Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng cho biết, theo quy định mới, khám sức khỏe định kỳ là yêu cầu bắt buộc trong việc thực hiện điều kiện kinh doanh vận tải. Chỉ những đơn vị xuất trình đầy đủ sổ khám sức khỏe định kỳ của lái xe theo quy định của Bộ Y tế thì mới được cấp, đổi các loại phù hiệu, cũng như giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn. Các đơn vị khi tuyển dụng, ký hợp đồng lao động đối với lái xe mới, cũng như các lái xe đang còn hạn hợp đồng đều phải thực hiện việc kiểm tra sức khỏe toàn diện cho các lái xe và nhất thiết phải có kết quả xét nghiệm ma túy. “Các trường hợp lái xe không đạt yêu cầu đều phải kiên quyết loại bỏ”, ông Thọ nhấn mạnh. Ông Thọ cho biết thêm, với mục tiêu giám sát chặt chẽ sức khỏe của lái xe, Sở GTVT yêu cầu doanh nghiệp vận tải ký kết với cơ quan y tế có đầy đủ chức năng để khám sức khỏe và lập sổ khám sức khỏe định kỳ cho các lái xe, trong đó có thử máu để kiểm tra ma túy. Toàn bộ hoạt động này đều có sự giám sát chặt chẽ của đại diện đơn vị để tránh những hành vi gian lận.

Một vụ tai nạn kinh hoàng giữa xe khách và xe tải trên Quốc lộ 1A.

Đồng tình với cách làm quyết liệt của Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Huyện - Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, việc Sở GTVT Hải Phòng loại bỏ hơn 200 lái xe không đảm bảo điều kiện sức khỏe, trong đó có nhiều lái xe có xét nghiệm dương tính với ma túy là một trong những giải pháp rất có ý nghĩa để chấn chỉnh hoạt động vận tải trên địa bàn. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp lý để có thể nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Bên cạnh đó, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng đưa ra ý kiến: việc này đáng lẽ phải làm từ lâu rồi để giảm thiểu rủi ro và TNGT cho hành khách và người tham gia giao thông. Lái xe thuộc diện quản lý của doanh nghiệp. Khi tuyển dụng, không doanh nghiệp nào muốn nhận lái xe nghiện vào làm. Do vậy, các cơ quan chức năng, không chỉ Bộ GTVT mà cả ngành Y tế phải vào cuộc quyết liệt để siết chặt quy trình khám sức khỏe và nhận biết lái xe có biểu hiện nghiện ma túy. “Khi ký hợp đồng lao động bắt buộc phải có giấy khám sức khỏe, hàng năm định kỳ cũng phải kiểm tra sức khỏe của người lao động. Nếu kiểm soát chặt khâu này, cộng với sự giám sát chặt của cả cộng đồng thì có thể nhận biết và loại bỏ hoàn toàn lái xe nghiện ra khỏi vô lăng”- ông Liên nói.

Sức khỏe lái xe, tính mạng người dân

Trên thực tế, sức khỏe lái xe có liên quan trực tiếp đến tính mạng của người dân cũng như sự an toàn của những chuyến xe đường dài. Dù chưa có một con số thống kê chính xác cũng như cụ thể về số vụ TNGT do lái xe nghiện gây ra, thế nhưng, nhìn vào con số các vụ TNGT thì cho thấy nguyên nhân từ tài xế góp phần không nhỏ. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia thừa nhận:  Qua phân tích các vụ TNGT xảy ra trong những ngày vừa qua cho thấy 100% các vụ TNGT đều xảy ra ở QL1 thuộc tuyến đường miền Trung và phần nhiều từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận, gần đây nhất là vụ tai nạn tại Hà Tĩnh. Thời điểm các vụ TNGT xảy ra chủ yếu vào khoảng 5 - 6h sáng và một số vụ xảy ra vào giữa đêm. “Hiện nguyên nhân các vụ tai nạn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, nhưng qua một số vụ được Ủy ban ATGT Quốc gia kiểm tra qua thiết bị giám sát hành trình thì không có nguyên nhân xe chạy quá tốc độ mà chủ yếu là do lấn làn và đối đầu nhau”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay.

CSGT mới chỉ được trang bị dụng cụ kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trên đường.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho biết thêm, nếu phân tích các đoạn đường miền Trung vào buổi sáng thì nghi vấn là do tài xế mệt mỏi nhất vào thời điểm giữa đêm và 5-6h sáng xe chạy đường dài. Tuy nhiên, thực tế yếu tố này trong điều tra nguyên nhân TNGT sẽ rất khó xác định. “Quy định về quản lý vận tải bắt buộc với xe đường dài phải có 2 lái xe thay nhau nghỉ và mỗi lái xe không được cầm lái liên tục quá 4 tiếng… nhưng thực tế quy định này thường bị lái xe phớt lờ không thực hiện và khi lái xe mệt mỏi thì nguy cơ TNGT xảy ra sẽ rất cao”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Cũng qua các vụ TNGT vừa qua cho thấy, xe gây tai nạn chủ yếu là xe khách của doanh nghiệp nhỏ, xe gia đình kinh doanh không có bộ phận quản lý an toàn, không có bộ phận theo dõi giáo dục nên không thể giám sát nhắc nhở lái xe trong tình trạng thiếu an toàn dễ xảy ra tai nạn… Được biết, từ ngày mùng 8 Tết, đặc biệt trong các ngày từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng, liên tiếp xảy ra 6 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách và xe tải làm 6 người chết và 49 người bị thương. Do vậy, nếu không có giải pháp mạnh kịp thời thì tai nạn xe khách lại quay trở lại như hồi tháng 6-2013 khi TNGT xe khách xảy ra liên tiếp, ông Hiệp nhấn mạnh.

Cảnh sát giao thông khó phát hiện và xử lý lái xe nghiện

Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện, Phó trưởng Phòng tuyên truyền, điều tra và xử lý TNGT (Cục Cảnh sát đường bộ, đường sắt) chia sẻ: Năm 2013, cả nước xảy ra 58 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có 11 vụ do xe khách gây ra, làm chết 56 người, chiếm 25,5%, bị thương 122 người, chiếm 60,09%. Thế nhưng, từ 16/12/2013 đến 15/2/2014, cả nước đã xảy ra 24 vụ TNGT liên quan đến xe khách, trong đó có 7 vụ vào ban đêm.

Thượng tá Luyện cũng cho hay: Theo quy định lái xe sau khi gây tai nạn có thể được tạm rời hiện trường nên chính việc này cũng gây khó khăn trong việc điều tra nguyên nhân từ lái xe xem họ có nghiện, có chất cồn lúc điều khiển phương tiện hay không? Mặt khác, lực lượng chức năng trên đường không có đủ kinh nghiệm cũng như trang thiết bị kiểm tra các chất gây nghiện. Khi TNGT xảy ra, chỉ có cơ quan y tế mới biết được lái xe gây TNGT có chất gây nghiện trong máu hay không. Đây cũng chính là khó khăn đối với những người làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường.

Thanh Huyền - Vũ Hân
.
.
.