Chất gây nghiện núp bóng "thảo mộc" đang hút giới trẻ sành điệu

Thứ Bảy, 18/06/2016, 10:16
Thời gian gần đây, với tâm lý sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, tội phạm ma túy đã "phù phép" vào lá thực vật hoạt chất XLR-11 và gọi tên là "Cỏ Mỹ". Bị nhận diện "Cỏ Mỹ" ở Việt Nam, chúng lại hướng cho giới trẻ tìm đến một lá thực vật khác, đó là lá "Khat" có nguồn gốc từ châu Phi, chứa hàm lượng Cathinone và Cathine rất nguy hiểm cho người sử dụng


Ma túy là chất cấm, bị truy quét gắt gao trên qui mô toàn cầu, để tránh sự phát hiện, bắt giữ của cơ quan chức năng, tội phạm ma túy đã biến tướng,  điều chế, ngụy trang ma túy dưới các hình thức khác nhau... 

Tang vật lá "Khat" bị thu giữ.

Thời gian gần đây, với tâm lý sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên; tội phạm ma túy đã "phù phép" vào lá thực vật hoạt chất XLR-11 và gọi tên là "Cỏ Mỹ". Bị nhận diện "Cỏ Mỹ" ở Việt Nam, chúng lại hướng cho giới trẻ tìm đến một lá thực vật khác, đó là lá "Khat" có nguồn gốc từ châu Phi, chứa hàm lượng Cathinone và Cathine rất nguy hiểm cho người sử dụng

Theo thông tin mà chúng tôi nắm bắt được, mặc dù  chất XLR-11 có trong "Cỏ Mỹ" đã được đưa vào danh mục chất ma túy theo Nghị định số 126/2015/NĐ-CP; nhưng chính sách hình sự xử lý loại tội phạm mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép "Cỏ Mỹ" vẫn chưa cụ thể, gây khó khăn cho việc xử lý, răn đe đối tượng. Dẫn chứng 2 vụ việc cụ thể tại Đà Nẵng:

Vụ thứ nhất xảy ra tại quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, Cơ quan CSĐT Công an quận này đã bắt quả tang Nguyễn Minh Nguyên, đang bán "cỏ Mỹ" cho một đối tượng, thu giữ 10 gói nilon, có chứa lá thực vật khô, trọng lượng khoảng 106 gam. Theo khai nhận của Nguyên, đây là "Cỏ Mỹ".

Tang vật cỏ Mỹ

Vụ thứ hai do Công an quận Ngũ Hành Sơn bắt quả tang 3 đối tượng gồm Hồ Sĩ Diện, Nguyễn Văn Hoàng Duy và Nguyễn Văn Quang, đều trú tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam mua bán "Cỏ Mỹ". 

Cơ quan công an đã thu giữ 11 kg xác lá cây, 4 kg chất bột màu trắng, 3 bình xịt nước chứa chất lỏng màu vàng, trắng và không màu, 10 thùng giấy bên trong chứa vỏ màu xanh nhãn hiệu trà giảm cân. Khám xét tại nhà Diện, còn thu giữ được hơn 100 kg xác lá cây khô, 19 can nhựa loại 5 lít bên trong chứa chất lỏng không màu, 11 chai nhiên liệu thương thơm tinh dầu các loại và các dụng cụ dùng để cân và bao gói.

Qua đấu tranh, các đối tượng khai: Số thực vật là lá khô chưa qua điều chế; còn số hóa chất dùng để điều chế lá thực vật thành "Cỏ Mỹ". Sau khi điều chế xong, "cỏ Mỹ" được cân đong, đóng gói vào các túi nilon nhỏ rồi vận chuyển bằng xe khách, hoặc gửi hàng qua bưu điện cho các đối tượng trong và ngoài thành phố. 

Giá pha chế 1 kg thành phẩm "cỏ Mỹ" khoảng 6 - 7 triệu đồng, giá bán ra thị trường từ 11 đến 20 triệu đồng. Mỗi ngày các đối tượng đóng gói từ 100 đến 200 gói, giá mỗi gói khoảng 500 ngàn đồng. Vụ việc này đang chờ kết luận giám định của cơ quan chức năng để có cơ sở xử lý trước pháp luật.

Đây là hai vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sản xuất chất nghi là ma túy loại XLR-11 (cỏ Mỹ) với số lượng lớn. Theo chỉ đạo của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, quá trình giám định cần tập trung làm rõ có phải ma túy loại XLR-11 hay không; nếu không tìm thấy các chất ma túy thường gặp thì làm rõ đó là chất ma túy gì để có cơ sở xử lý các đối tượng trước pháp luật.

Ở một diễn biến khác, trong vụ phát hiện 34 kg nghi là lá "Khat" tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, trong tổng số 172 kg lá loại này bị thu giữ sau đó. Đây là một loại ma túy mới, có hàm lượng chất Cathione và Cathine gây ảo giác, rối loạn tâm thần, được sử dụng để điều chế ma túy tổng hợp mới có tên gọi là Flakka đang được giới trẻ ưa sử dụng tại nước ngoài. Lá "khat" cũng có thể sử dụng ngay bằng hình thức nhai, cuốn thành thuốc hút hoặc pha trà uống...

Trong thời đại bùng nổ về thông tin, nhất là thông tin qua internet, việc quảng bá loại lá này và trào lưu thích khám phá cảm giác các loại ma túy mới khiến một số nhóm bạn trẻ "sành điệu" đã bắt đầu săn lùng và sử dụng lá "Khat". 

Chính từ "săn hàng lạ" này, bọn tội phạm ma túy đã tìm mọi cách ngụy trang để đưa lá "Khat" vào nước ta. Chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan chức năng ở TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 4 vụ lá "Khat" khô nhập khẩu từ châu Phi vào nước ta, tổng trọng lượng hơn 2 tấn, trị giá khoảng 2,2 triệu USD...

Tình trạng sử dụng chất gây nghiện núp bóng "thảo mộc" đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành phố như Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Cà Mau, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Đối tượng sử dụng chất gây nghiện núp bóng "thảo mộc" chủ yếu là thanh thiếu niên. Chất gây nghiện được biến tướng thành "trà giảm béo", trà sữa hoặc  được tẩm ướp trong thảo mộc khô, cắt nhỏ như "Cỏ Mỹ".

Để ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả đối với chất gây nghiện núp bóng "thảo dược" và sau này có thể biến tượng bằng nhiều dạng khác nhau; bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác về các loại ma túy; cơ quan thực thi pháp luật phải thường xuyên cập nhật thông tin, xu hướng sử dụng các chất gây nghiện trong giới trẻ, cả ở Việt Nam và trên thế giới; từ đó chủ động xây dựng phương án đấu tranh; hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng mua bán, vận chuyển, sử dụng chất gây nghiện.

Đào Minh Khoa
.
.
.