Chắt chiu khổ luyện, nuôi dưỡng đam mê

Thứ Bảy, 26/07/2014, 09:56
Chiều muộn ngày 22/7, được tin đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế sẽ về tới sân bay Nội Bài, chúng tôi đã có mặt ở đó để đón các em và đó cũng là một trong những cuộc hạnh ngộ xúc động mà tôi được chứng kiến trong cuộc đời làm báo của mình. Đoàn học sinh Việt Nam có 5 em thì cả 5 em đều đạt huy chương, trong đó tấm huy chương vàng với số điểm cao nhất đoàn Việt Nam và cao thứ ba thế giới đã thuộc về em Cao Ngọc Thái, học sinh lớp 12 chuyên Lý của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Bố mẹ của “chàng trai vàng” Cao Ngọc Thái là anh Cao Ngọc Hà và chị Lê Thị Anh cũng vừa đi ôtô khách từ Nghệ An ra đến sân bay. Họ đã nghẹn ngào khi nói về con trai mình, về những năm tháng em phải sống tự lập, xa gia đình từ nhỏ để nuôi lớn những niềm đam mê khoa học vô bờ…

Chị Lê Thị Anh chia sẻ, gia đình chị làm ruộng là chính, chồng chị có thêm nghề lái xe chở vật liệu thuê, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Vợ chồng chị chưa bao giờ biết đến sách vở cao siêu và cũng chỉ là nhà nông chân chất nên không biết việc học hành của con ra sao. Nhưng đúng là ông trời đã ban cho anh chị một “báu vật”. Cao Ngọc Thái từ khi cắp sách đến trường đã trở thành một con ngoan, trò giỏi. Em thông minh, sáng láng vô cùng, học đâu biết đó và trong hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, em luôn biết khắc phục hoàn cảnh để chắt chiu những gì tốt nhất cho việc học tập. Em chưa bao giờ phải để cha mẹ nhắc một câu về việc học tập, tự giác ở mức tối đa. Căn nhà nhỏ sơ sài của bố mẹ Thái sau mỗi mùa bế giảng lại đầy thêm những tấm giấy khen các cấp dành cho con trai Cao Ngọc Thái.

Anh Cao Ngọc Hà, bố của Thái xúc động nói với tôi rằng: “Chúng tôi xuất thân từ nhà nông, không như một gia đình công chức có điều kiện bảo ban con học hành, chúng tôi chỉ biết lao động hết mình để nuôi con ăn học. Thái là một cậu bé rất bản lĩnh, kiên quyết. Cấp hai cháu đã lên huyện trọ học lớp chọn, lúc đó cháu còn bé lắm, lại gầy guộc, nhưng cháu đã tự xoay xở tất cả mọi thứ. Sau này lên cấp 3 thi đỗ vào chuyên Phan Bội Châu, nghĩ đến việc con lại phải xa nhà, lều chõng lên thành phố trọ học, tôi xót xa lắm. Vợ chồng tôi khuyên cháu nên học ở trường huyện nhưng cháu kiên quyết lên thành phố học. Cháu bảo với tôi là, bố mẹ hãy để cho con đi, con sẽ không phụ công của bố mẹ. Nghĩ đến điều đó, vợ chồng tôi luôn bảo nhau sống làm sao cho thật hạnh phúc để các con không phải bận tâm gì về bố mẹ, để chúng yên tâm học hành. Con tôi cũng đã thấu hiểu điều đó”.

Cao Ngọc Thái trong niềm vui ngập tràn với thầy cô, bạn bè, người thân.

Mẹ Cao Ngọc Thái tiếp tục câu chuyện: “Hơn 1h sáng 20/7, tôi đang ngủ thì nghe chuông thoại reo, rất căng thẳng. Nhưng lúc đó một thầy trong đoàn báo về cho biết, thằng Thái nhà tôi đã giành huy chương vàng. Vợ chồng tôi không ngủ được. Làm cha mẹ thì niềm vui đó là quá lớn đối với chúng tôi. Nhưng đó cũng là phần thưởng xứng đáng cho sự chuyên cần, say mê học tập của Thái”.

Trong câu chuyện với bố mẹ Cao Ngọc Thái, tôi để ý thấy bố Thái hay nhắc đến thầy Trần Văn Nga, thầy giáo chủ nhiệm và cũng là giáo viên dạy Vật lý cho lớp của Thái. Thầy chính là người đã thắp ngọn lửa đam mê trong cậu học trò nghèo xứ Nghệ ngày một rực cháy, nóng bỏng hơn. Thầy có “con mắt xanh” đã phát hiện ra những tố chất đặc biệt của Thái và đã khích lệ, động viên, khơi gợi để Thái vừa phát huy, vừa thăng hoa niềm đam mê học tập của mình. Thầy Trần Văn Nga cũng có mặt trong đội tuyển Olympic Vật lý của Việt Nam sang Kazakhstan dự thi quốc tế. Gặp chúng tôi tại sân bay, thầy Nga cũng không giấu nổi niềm vui của mình khi nhắc đến cậu học trò Cao Ngọc Thái. Theo thầy thì Thái là một học trò thông minh, có tư duy sâu sắc nhưng lại rất khiêm tốn, ham học hỏi. Thái chịu khó đào sâu suy nghĩ, nhất là những dạng bài tập khó nên em luôn nổi trội ở cách giải bài sáng tạo. Năm lớp 11, Thái đã đạt giải nhất kỳ thi quốc gia môn Vật lý. Trong các buổi ôn luyện, Thái luôn được thầy mời lên giải bài tập mẫu và Thái đã cống hiến cho đội tuyển những cách giải bài tập đẹp đến mức lạ lùng. Theo thầy Nga thì đó chính là “sự chưng cất” của khổ luyện, của đào sâu suy nghĩ, của một thái độ học tập nghiêm túc, một quá trình tích lũy kiến thức bài bản. “Học vu vơ, lãng tử thì không bao giờ có thể ghi danh được ở những trường đấu khu vực và quốc tế được”, thầy Nga cho hay. Trước đó, Thái đã giành huy chương vàng cuộc thi Olympic Vật lý châu Á.

Quá nhiều những vòng tay ôm chặt, những bó hoa rực rỡ dành cho Cao Ngọc Thái ngay tại sân bay. Và cả những giọt nước mắt của bố mẹ, của cô em gái nhỏ và của thầy chủ nhiệm dành cho cậu học trò bản lĩnh. Thái bảo với tôi, chuyến đi dài, thời tiết thay đổi nhưng đó mãi là kỷ niệm đẹp của em. Em biết ơn cha mẹ mình đã lam lũ ruộng đồng để nuôi em ăn học. Em biết ơn thầy Trần Văn Nga, chính thầy bằng tình yêu thương học trò sâu thẳm đã giúp em cất cao đôi cánh ước mơ của mình. Làm sao Thái có thể quên được những buổi ôn luyện gấp rút, thầy Nga đưa Thái và các bạn về nhà thầy cùng ăn, cùng ngủ và cùng giải toán đến 2 – 3h sáng. Những bát mì tôm buổi sáng ăn vội mà thầy dành cho em và các bạn của mình chắc chắn sẽ là chất men để em tiếp tục nuôi dưỡng ngọn lửa khoa học luôn cháy bỏng trong em…

Thu Phương
.
.
.