Chàng trai tật nguyền "đứng thẳng" trước cám dỗ của đồng tiền

Thứ Hai, 21/11/2011, 15:47
Ở góc quán cà phê Khanh, 36 Hùng Vương, TP Đông Hà, Quảng Trị có người thanh niên bị tật khoèo chân, hàng ngày ra đây đánh giày cho khách để kiếm sống. Công việc tưởng chừng rất bình thường ấy nhưng với người thanh niên này, anh đã phải vượt qua vô vàn cám dỗ của đồng tiền mới giữ được cái nghề và tấm lòng trong sáng cho đến hôm nay. Anh tên là Lê Trung Kiên (28 tuổi), trú phường 1, TP Đông Hà.

Khổ từ trong bụng mẹ

Cậu bé Kiên được sinh ra từ một mối tình nghiệt ngã. Năm 1976, bố Kiên lúc đó là một lái xe, đem lòng yêu mẹ Kiên nhưng rồi mối tình đầy mặn nồng ấy kéo dài tới 8 năm trời mà không thành. Cuối năm 1982, mẹ Kiên có bầu. Người đàn bà ấy đã dùng dây vải quấn ép bụng sát vào người để không một ai phát hiện ra chị đang mang thai.

Mãi đến những ngày sắp sinh nở, chị không thể nào giấu được nên quyết định cho bố Kiên biết. Nhưng sự đời éo le, người bố bỗng dưng lạnh lùng từ chối cái thai của mình. Người mẹ rơi vào tình cảnh tột cùng tuyệt vọng. Chị đã dùng thuốc độc uống để giải quyết đời mình. Người nhà chị đã phát hiện và đưa chị vào bệnh viện cấp cứu.

Vài ngày sau, Kiên được sinh ra và không lành lặn như bao đứa trẻ khác. Kiên được ông bà ngoại cưu mang, nuôi nấng từ khi mới sinh ra cho đến lúc lên 7 tuổi. Và chính vào cái lúc 7 tuổi ấy tưởng chừng cuộc sống của Kiên được bước sang trang mới khi người bố từ Đông Hà ra Vĩnh Linh, xin phép ông bà ngoại đưa Kiên về sống cùng, ai dè chưa được bao lâu, bố Kiên lấy vợ, vậy là cảnh dì ghẻ con chồng chẳng khi nào yên ổn.

Kiên rơm rớm nước mắt kể: "Hễ đi đâu thì thôi, chứ về đến nhà là vợ của bố em mắng mỏ và đánh đập em không một chút thương xót. Đã thế, mỗi lần em giãi bày, bố em chẳng những không nghe mà còn hùa theo vợ đánh đập, ruồng bỏ em". Kể từ đó, đứa trẻ tật nguyền bắt đầu cuộc sống đầu đường xó chợ. Những ngày đầu ra đời tự lập, nó lết đến được chỗ nào thì chỗ đó là "nhà" của nó. Ngày qua ngày, Kiên dần quen với cảnh đói rét, thiếu thốn tình thương của người thân. Nhưng rồi để chống chọi với khó khăn, cũng như vì dòng đời xô đẩy đến bần hàn, Kiên đã buộc mình phải hành nghề… "đạo chích".  

Với đôi chân co quắp, Lê Trung Kiên vẫn cần mẫn đánh giày thuê kiếm sống hằng ngày, chứ nhất định không bán thuê ma túy.

Vượt qua nghịch cảnh và trở thành người tốt

Kiên nói giọng buồn buồn: "Em rất ân hận về những việc mà em đã làm. Chính vì ân hận nên em đã cố gắng sống cho thật tốt". Lần nào cũng vậy, ở góc quán cà phê Khanh, tôi thấy ánh mắt Kiên thật buồn. Nỗi buồn có lẽ cũng do bị bẩm sinh như cái chân khoèo của cậu. Nhưng cũng ít ai biết người thanh niên với bao thiệt thòi, kém may đó, đã nỗ lực một cách phi thường để vượt qua nghịch cảnh, sống có ích cho đời và cho mình.

Kiên cho biết: "Sau nhiều đêm suy nghĩ, em quyết định chọn nghề đánh giày để kiếm sống vì nó phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của em". Thế nhưng nghề đánh giày cũng chẳng dễ dàng chút nào với cậu, nhất là những lúc đối tượng xấu nhằm vào cậu, mua chuộc cậu làm việc cho bọn chúng bằng những đồng tiền béo bở. "Nếu không có bản lĩnh và quyết tâm cao thì chính tay em mấy năm qua đã tiếp tay cho nhiều đối tượng xấu gieo rắc tai họa "cái chết trắng" cho bao người.

Năm 2009 rồi 2010 và đầu 2011, em bị nhiều đối tượng, trong đó có người quen, lẫn người không quen đề nghị em đi bán ma tuý thuê với khoản ăn chia béo bở. Các đối tượng thương lượng cứ bán được một tép heroin thì sẽ có 70 ngàn đồng tiền lời, số tiền lời này sẽ chia cho em 40 ngàn đồng. Nhưng em đã thẳng thừng từ chối tất cả", Kiên bộc bạch.

Tôi hỏi sao các đối tượng không thuê người khác mà đề nghị Kiên bán ma túy cho chúng?. Kiên đáp: "Có lẽ những đối tượng đó dùng thủ đoạn đưa người tàn tật bán "hàng" là để qua mặt lực lượng chức năng. Mặt khác, có thể bọn chúng cứ nghĩ hoàn cảnh của em bần hàn nên sẽ dễ dàng nhận lời làm thuê cho chúng". Chia tay tôi, Kiên nói dù cuộc sống có khổ cực trăm bề thì em vẫn luôn cố gắng vượt qua, cùng với sự yêu thương của xã hội, sống như bao tấm gương "tàn nhưng không phế", sống làm người cho tử tế

Phan Thanh Bình
.
.
.