Chàng trai 8X và niềm đam mê sưu tầm sách

Thứ Bảy, 17/09/2011, 17:35
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2004, Trịnh Hùng Cường đầu quân về Công ty Môi trường và Công trình đô thị Bắc Ninh. Chuyên tâm với công việc của một kỹ sư điện, song chàng trai sinh năm 1981 ấy còn có niềm đam mê đặc biệt là sưu tầm sách.

Với gần 8.000 cuốn sách, báo, tạp chí nhiều thể loại được sắp xếp, bố trí khoa học, ngăn nắp, bất kỳ ai nếu có dịp ghé thăm "gia tài" của anh tại nhà riêng - đường Ngô Gia Tự, phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh cũng đều không khỏi trầm trồ ngưỡng mộ.

Để sở hữu khối "tài sản" đặc biệt ấy, Trịnh Hùng Cường đã có thâm niên 16 năm sưu tầm sách. Anh cho biết, niềm đam mê đến với mình khởi nguồn từ người ông ngoại Vũ Đình Nhẫm. Hồi còn đang học lớp 7, mỗi lần đến thăm ông ngoại, anh đều lên căn gác, nơi có rất nhiều sách quý được gia đình lưu giữ và ngồi đọc hàng giờ không thôi. Cũng từ ấy, ý nguyện làm bạn với sách bắt đầu được nhen nhóm và dần trở thành niềm đam mê gắn bó với anh lúc nào không hay.

Cuốn sách đầu tiên Trịnh Hùng Cường sưu tầm là bộ 6 tập Thủy Hử do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Để nuôi dưỡng niềm đam mê, nhiều khi anh phải nhịn ăn sáng, dành tiền mua sách. Thời sinh viên đại học, phố sách cũ trên đường Láng - Hà Nội là điểm Cường thường xuyên ghé qua, trong khi nguồn trợ cấp của gia đình hạn chế, có lần anh đã bán cả máy tính; thậm chí dùng cả tiền đóng học phí năm thứ 3 để mua cho được những cuốn sách mình yêu thích.

Đến giờ Trịnh Hùng Cường đã sở hữu gần 8.000 đầu sách, báo, tạp chí với nhiều thể loại, đề tài khác nhau. Riêng mảng Truyện Kiều đã có hàng trăm bản Kiều nôm và quốc ngữ, bản văn học tiền chiến 150 cuốn, mảng Từ điển ngôn ngữ Việt xuất bản cuối thế kỷ XIX với trên 20 đầu sách đặc biệt giá trị như cuốn "Từ điển Trương Vĩnh Ký", xuất bản năm 1884; cuốn "Từ điển Latinh - An Nam" xuất bản năm 1877, cuốn "Từ điển GMG" xuất bản năm 1878… Lĩnh vực báo, tạp chí xưa với bản gốc nhiều ấn phẩm như "Nam Phong", "Phụ nữ Tân văn", "Gia Định báo" - tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, "Ngày nay" của nhóm Tự lực văn đoàn, "An Nam tạp chí" của nhà thơ Tản Đà… Hay như Tạp chí "Nông cổ mín đàn" - nghĩa là "Uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn" - tờ báo tiếng Việt do Paul Canavaggio - một chủ đồn điền và thương gia người đảo Corsica, hội viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ làm chủ nhiệm…

Lối lên cầu thang được tận dụng thành không gian sách.

Ngoài tiền bạc, công sức thì người chơi sách cũng cần "có duyên với sách", vì lẽ không phải lúc nào cũng gặp được những tác phẩm mình ưng ý. Ví như cuốn "Những trang sử vẻ vang" của Nguyễn Lân, "Trung Hoa sử lược" của Phan Khang in trên giấy dó năm 1943… anh đều tình cờ mua được tại một hiệu sách cũ trên vỉa hè.

Không những thế, việc sưu tầm đòi hỏi người chơi sách cần có vốn kiến thức am hiểu nhất định về tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản, thời gian ấn hành, các sự kiện liên quan đến tác phẩm…, từ đó thẩm định giá trị cuốn sách mình cất công sưu tầm và lưu giữ. Thế nhưng, đôi khi do không đánh giá hết giá trị nguồn tư liệu trong tay, Trịnh Hùng Cường đã để tuột mất nhiều cuốn sách quý, ví như có thời điểm anh đã dùng cuốn "Những phong trào Hội kín ở Việt Nam" xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1920 để đổi lấy một bản sách khác ít giá trị hơn.

Theo Trịnh Hùng Cường, sách báo tư liệu xưa ngày càng khó tiếp cận bởi nguồn cung hạn chế, thậm chí nhiều cuốn hầu như bị thất truyền. Là một thành viên tham gia quản trị mạng Sachxua.net với hơn 7.000 thành viên khắp mọi miền Tổ quốc, anh có thêm điều kiện giao lưu, trao đổi, bổ sung vào bộ sưu tập của cá nhân. Hầu như tháng nào Cường cũng ra Hà Nội một vài lần gặp gỡ các thành viên trong Câu lạc bộ sách xưa, đó là chưa kể mỗi năm vào TP Hồ Chí Minh "buôn sách" một, hai chuyến.

Năm 2008 cùng với Câu lạc bộ Sách xưa, Trịnh Hùng Cường đã mang một phần "gia tài" của mình tham gia triển lãm sách xưa tại Trung tâm Văn hóa Đông Tây, năm 2009 tham gia triển lãm báo chí tại Thư viện Hà Nội. Anh phấn khởi cho biết gần đây bộ sưu tập của mình đã trở thành địa chỉ tin cậy đối với nhiều sinh viên khi tìm đến nghiên cứu, làm luận văn tốt nghiệp đại học. Về lâu dài, Trịnh Hùng Cường mong muốn sẽ mở một phòng trưng bày hoặc triển lãm cá nhân về sách xưa, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tham khảo của bạn đọc và giao lưu với độc giả gần xa.

Nhận xét về "gia tài" của Trịnh Hùng Cường, ông Nguyễn Khắc Bảo - phố Ngói, phường Tiền An, TP Bắc Ninh - người được biết đến như một "Nhà Kiều học" đất Kinh Bắc cho rằng, chàng trai 8X này đang sở hữu một "thú chơi sang" độc nhất vô nhị ở Bắc Ninh. Bởi theo ông, sách báo tự thân đã là những ấn phẩm văn hóa và nó càng trở nên có ý nghĩa và giá trị hơn đối với những ai biết trân trọng, gìn giữ, nhất là trong điều kiện văn hóa đọc dường như đang rơi vào thế bão hòa và có phần lép vế như hiện nay

Duy Cảnh
.
.
.