Cha mẹ sinh con, Bộ "quyết" họ?

Thứ Năm, 23/08/2007, 08:11

Anh Vĩnh Hà định đặt tên con gái mới sinh là Tôn Nữ Lan Anh theo truyền thống dòng tộc. Tuy nhiên, các cơ quan tư pháp đã căn cứ vào một văn bản của Bộ Tư pháp để không đồng ý khai sinh cho cháu bé vì “con phải mang họ mẹ hoặc họ cha”.

Trong nhiều ngày qua, ông Vĩnh Thanh, ngụ tại xã Trung An, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang tốn không biết bao là công sức về việc lập khai sinh cho đứa cháu gái của mình mà vẫn không xong.

Thậm chí, việc này đã trở thành cuộc xung đột về nhận thức pháp lý giữa người dân với chính quyền sở tại. Nguyên nhân là do cán bộ tư pháp phường không chấp nhận làm khai sinh cho đứa cháu gái với cái họ không giống cha và mẹ của nó.

Trước "được" sau "không"!

Theo ông Vĩnh Thanh, do bận làm ăn xa, người em trai của ông là anh Vĩnh Hà ủy quyền cho ông đứng ra làm khai sinh cho đứa cháu gái sinh ngày 2/8/2007. Theo truyền thống dòng tộc họ Nguyễn Phước, thì nếu cha đang mang họ Vĩnh thì nếu là con trai thì phải mang họ Bảo, còn là con gái thì mang họ Tôn Nữ. Theo đó, người em của ông đặt tên cho đứa con gái của mình là Tôn Nữ Lan Anh.

Khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ Tư pháp xã Trung An là ông Lê Châu Tuấn thấy cha là Vĩnh Hà còn mẹ là Nguyễn Thị Hồng Loan, liền nói: "Trường hợp này luật cấm. Hiện pháp luật chỉ cho phép đứa trẻ mang họ cha hoặc họ mẹ mà thôi".

Ông Vĩnh Thanh hỏi điều luật nào cấm thì ông Tuấn bảo Điều 27 BLDS. Nhưng khi ông Vĩnh Thanh xem lại điều luật mà ông Tuấn trích dẫn thì chỉ thấy ghi đứa trẻ được quyền mang họ cha hoặc họ mẹ theo sự thỏa thuận của hai vợ chồng, mà không có chữ nào cấm mang cái họ khác.

Đến đây, ông Tuấn lại bảo: "Tuy luật không cấm nhưng cũng không có ghi là cho phép nên không chấp nhận làm khai sinh cho đứa trẻ".

Đi đến rất nhiều người lãnh đạo xã Trung An để xin được làm khai sinh cho cháu, song không ai dám ký... Hết cách, ông Vĩnh Thanh chạy đến cầu cứu tại Phòng Tư pháp TP Mỹ Tho.

Sau khi nghe ông trình bày rõ sự tình thì một cán bộ chuyên trách về hộ tịch ở đây sốt sắng: "Xã không làm khai sinh cho trẻ là sai. Vì trong trường hợp này luật không cấm!". Tuy nhiên, người cán bộ này cũng không dám dùng quyền cơ quan quản lý cấp trên để lệnh xuống xã phải làm, mà cẩn thận gọi điện hỏi ý kiến cấp tỉnh... Nhưng sau đó trả lời ông Vĩnh Thanh là cán bộ ở Phòng Hộ tịch Sở Tư pháp bảo không được.

Chỗ khác cũng đang rối

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp cụ thể trên, bà Tô Anh Đào, Quyền Trưởng phòng Hộ tịch Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang cho biết, chưa biết phải gỡ rối thế nào, vì hiện chưa có hướng dẫn về trường hợp lập khai sinh cho đứa trẻ mà họ của nó không gắn liền với cha mẹ đẻ. Về nguyên tắc, họ của trẻ em khi đăng ký khai sinh là họ của người cha hoặc của người mẹ theo tập quán hoặc theo sự thỏa thuận của cha, mẹ.

Vẫn theo bà Đào, cách đây không lâu, ở TP Hồ Chí Minh cũng có trường hợp tương tự, cơ quan hộ tịch địa phương không dám quyết mà phải xin ý kiến lên Vụ Hành chính - Tư pháp Bộ Tư pháp.

Cụ thể là ông Vĩnh Đạt và bà Võ Thị Thu Vân, ngụ tại quận Bình Thạnh, đến phường đăng ký khai sinh cho đứa con trai là Bảo Tuấn, không phải là họ của người cha lẫn người mẹ. Theo ông Vĩnh Đạt trình bày, ông thuộc dòng họ Nguyễn Phước, buộc phải đặt tên con cháu theo  quy củ hễ là nam thì tuân thủ theo thứ tự Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh, Bảo... nữ thì Công Tằng Tôn Nữ, Tôn Nữ... Như vậy, Vĩnh hay Bảo không phải là họ mà là thứ bậc của dòng họ Nguyễn Phước, nhưng theo tập quán từ lâu dòng họ này dùng thứ bậc cho ngắn gọn, dễ gọi.

Dựa theo trình bày này, cơ quan hộ tịch TP Hồ Chí Minh đề nghị ông Vĩnh Đạt ghi thêm hai chữ Nguyễn Phước trước cái tên Bảo Tuấn, theo đó đứa trẻ có tên là Nguyễn Phước Bảo Tuấn. Nhưng sau đó, Bộ Tư pháp có văn bản khẳng định với Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh: Trường hợp đặt tên cho con không theo họ cha hoặc họ mẹ là không thể giải quyết.

Việc quy định của họ tộc chỉ có thể được sử dụng đặt tên đệm cho trẻ chứ không thể sử dụng đặt họ. Căn cứ văn bản này, Sở Tư pháp Tiền Giang chưa thể đáp ứng yêu cầu của ông Vĩnh Thanh và những trường hợp khai sinh cho trẻ không phải là họ cha hoặc họ của người mẹ.

Bộ bảo phải chờ

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: "Liệu có ổn không khi văn bản trên chưa phải là một văn bản pháp luật để buộc người dân tuân thủ?!", thay vì trả lời chúng tôi, bà Đào điện xin ý kiến một người tên là Lanh công tác ở Vụ Hành chính - Tư pháp và được người này trả lời, trước mắt là không giải quyết, mà phải chờ Bộ Tư pháp có thông tư hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Tại cuộc trao đổi này, chúng tôi thấy sẽ rối thêm nếu tới đây Bộ Tư pháp có thông tư bắt buộc họ đứa trẻ khi khai sinh phải là họ của người cha hoặc của người mẹ.

Vì không chỉ ở Tiền Giang mà ở nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhiều nhất là từ Huế trở vào Nam, việc khai sinh con theo thứ bậc họ tộc không phải là ít. Nếu cấm thì một bộ phận dân cư này phải cải chính lại hộ tịch và sẽ dẫn theo nhiều hệ lụy xã hội khác.

Luật không cấm dân được làm

Nghiên cứu về trường hợp lập khai sinh cho đứa cháu gái của ông Vĩnh Thanh, luật sư Cao Minh Triết cho biết, tại Điều 26 và 27 BLDS hiện hành không có chỗ nào buộc con phải lấy họ cha hay họ mẹ, cũng không cấm lấy họ khác họ cha hay mẹ.

Đã là không bị cấm thì người dân có quyền quyết định trong việc khai họ và đặt tên cho con mình theo truyền thống của họ tộc, miễn không trái với đạo đức xã hội của người Việt Nam.

Dòng tộc Nguyễn Phước là một dòng họ lớn xuất xứ từ Huế, có truyền thống lấy họ cho con theo thứ bậc đã có hàng trăm năm nay, hơn nữa đây còn mang tính lịch sử của một dòng tộc, vì vậy pháp luật nên chấp nhận thay vì cấm đoán. Đã là pháp luật không cấm mà Bộ Tư pháp bảo phải chờ là một điều vô lý.

Nhã Phong
.
.
.