Cây xanh… phận bạc

Thứ Sáu, 10/08/2007, 15:19
Khi cây gỗ sưa đang lên cơn sốt trong thị trường gỗ cả nước thì những cây gỗ sưa trên đường phố Thủ đô trở thành điểm ngắm hấp dẫn của đám "lâm tặc đô thị". Đã có nhiều cây gỗ sưa tại Hà Nội bị đốn trộm, giá trị tính bằng tiền lên tới con số tiền tỷ.

Theo thống kê, TP Hà Nội được phủ xanh xấp xỉ gần 30.000 cây xanh trên hơn 300 tuyến đường phố.

Ắt hẳn trong tâm thức mỗi con người sống ở Hà Nội đều nhớ tới hàng hoa sữa trên đường Nguyễn Du, Bà Triệu hay cả những hàng sấu lâu năm dọc hai bên đường Phan Đình Phùng, Trần Phú. Hay chính loại cây xà cừ cao lớn oai vệ tỏa bóng mát rộng, tạo nét cổ kính rất riêng cho Hà Nội chiếm một phần không nhỏ lượng cây xanh trên đường phố.

Chính màu xanh đó là một nét đặc trưng khác biệt của Thủ đô so với nhiều thành phố khác trong cả nước. Thế nhưng giờ đây, vì những lý do cá nhân, một bộ phận cư dân lại coi cây xanh như cái gai trong mắt và họ tìm mọi thủ đoạn để đốn hạ, tiêu diệt những lá phổi xanh của thành phố một cách không thương tiếc. 

Vài năm trước, nạn chặt phá cây xanh thường được ngụy trang dưới nhiều hình thức tinh vi như bóc lớp vỏ cây, giội nước sôi, axít, muối, khoáng chất hay láng xi-măng vào gốc làm cho cây héo úa dần rồi chết.

Thô bạo hơn thì chặt cành chính làm cho cây tổn thương hay cưa một phần các thân cành cây chính, lợi dụng đêm tối hoặc lúc mưa to gió lớn để đốn hạ cây.

Và lý do của hầu hết các trường hợp có thể dễ hiểu vì muốn có mặt tiền kinh doanh rộng rãi, không bị che chắn vướng víu bởi những cây to có sẵn nên chủ nhà tìm mọi cách ra tay, chặt hạ bằng được. Không ít trường hợp giấu mặt thuê những người có thâm niên giỏi nghề tiều phu đốn củi ra tay.

Ngay mới đây rạng sáng 4/8, một nhóm người ngang nhiên chặt hạ một cây xà cừ vài chục năm tuổi trồng trước cửa nhà số 4 Phố Huế, do kỹ năng nghề nghiệp kém và thiếu các thiết bị chuyên dụng nên ngay sau khi bị hạ gục, cây xà cừ đổ thẳng ra đường nơi đỗ dừng đèn tín hiệu giao thông có mật độ giao thông đông đúc, rất may không có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra.

Ngạc nhiên hơn là thời gian gần đây, cây gỗ sưa đang lên cơn sốt trong thị trường gỗ cả nước. Vô hình trung những cây gỗ sưa trên đường phố Thủ đô trở thành điểm ngắm hấp dẫn của đám lâm tặc đô thị. Đã xảy ra nhiều trường hợp loại cây nêu trên bị đốn trộm, giá trị tính bằng tiền lên tới con số tiền tỷ.

Ngoài những hành vi này hoạt động lén lút thì lại có cả trường hợp công khai giữa thanh niên bạch nhật gây bức xúc trong dư luận.

Cuối tháng 4/2007, trước công trình xây dựng mới giải phóng mặt bằng có diện tích khá rộng tại mặt đường số nhà 95 Lý Nam Đế xuất hiện một chiếc xe thang chuyên dụng dán mác "Công ty Cây xanh Hà Nội" trên cửa, kèm theo là một nhóm công nhân mặc đồng phục, mũ bảo hộ và cưa máy chuyên nghiệp tương ứng hò nhau đu kéo chặt hạ trụi thụi lụi các nhánh lớn trong vài giờ đồng hồ không gặp một trở ngại, để lại thân cây xà cừ cao tới 15 mét lơ thơ vài nhánh cây còi cọc.

Liệu thân cây trơ này sẽ sống ngắc ngoải tiếp trong thời gian bao lâu và có lý do chính đáng hơn để "chặt hạ dứt điểm" lần hai?

Dễ dàng nhận thấy cây xà cừ là "vật tế sinh" phục vụ cho công trình xây dựng nhà cao tầng phía bên trong.

Ở nhiều nước trên thế giới, các công trình xây dựng luôn phải uốn nắn theo hệ sinh thái, cây xanh có sẵn cho phù hợp, còn ở ta, một nhà dân chuẩn bị xây cũng có thể bỏ tiền thuê bình địa hóa cây xanh công cộng rất hợp pháp?

Nếu đây là sự thật thì quả quá đau xót cho phận cây xanh vì nó bị tiêu diệt bởi chính một cơ quan chức năng có nhiệm vụ bảo vệ cho nó. Hệ lụy tiếp theo có thể là nhiều cây xanh khác sẽ tiếp tục "lên đường" trên tuyến phố này nói riêng và Hà Nội nói chung nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân ích kỷ của một bộ phận trong hơn 3 triệu cư dân trong thành phố xanh này.

Việc ngang nhiên vi phạm những quy định về quản lý và bảo vệ cây xanh không những làm mất đi cảnh quan mà còn làm tổn hại đến môi trường của thành phố.

Nhiều cơ quan công luận đã lên tiếng nhiều lần với thái độ gay gắt nhưng cho đến nay hầu như chưa có trường hợp chặt phá cây xanh trái phép, hay mượn danh trá hình nào ở Thủ đô được phát hiện và xử lý kịp thời.

Thực trạng trên có nhiều nguyên do nhưng chủ yếu là không phân định rõ ràng trách nhiệm và công tác phối hợp chưa đồng bộ. Chính quyền địa phương là nơi nắm chắc địa bàn nhất thì có vẻ như hết sức thờ ơ với "nhiệm vụ không phải của mình".

Cũng đã có vài đối tượng phá hoại, đóng biển quảng cáo lên cây, có nơi dài suốt cả phố như Trần Phú, Trần Bình Trọng,... đốn chặt cây xanh hoạt động nhỏ lẻ bị cơ quan chức năng phát hiện nhưng hình thức xử lý còn quá nhẹ, chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính nên không đủ tác dụng răn đe, giáo dục.

Cứ cái đà này, cây xanh Hà Nội rồi sẽ ra sao và câu trả lời còn bỏ ngỏ đợi chờ những hành động thiết thực từ những người có trách nhiệm

M.T.
.
.
.