Cây thuốc quý trước nguy cơ bị tận diệt

Thứ Tư, 24/03/2010, 16:05
Len lỏi dưới những tán rừng Ma Thiên Lãnh, chúng tôi bắt gặp rất nhiều hình ảnh người ta bới, chặt. Có người thẳng thắn cho biết mình kiếm cây thuốc, người e dè giấu giấu giếm giếm bảo đang làm rẫy, phát quang bụi rậm dẫu đang ở giữa lõi rừng. "Ngày nào cũng có nhóm vào đây kiếm cây lùng thuốc thì rừng rậm, rừng dày cỡ nào cũng chịu hổng siết đâu…” - một người dân bày tỏ sự lo âu.
>> Hàng độc trên đỉnh Chứa Chan

Sau một thời gian dài tiến công lên vùng núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) và khai thác triệt để nhiều loài cây thuốc quý, nhiều nhóm sơn tràng đang chĩa tầm ngắm sang núi Bà Đen với điểm nhấn là rừng Ma Thiên Lãnh. Với ưu điểm rừng còn rậm, cây còn dày nên Ma Thiên Lãnh được các nhà khoa học về môi trường đánh giá không chỉ là bảo tàng sinh học sống động sở hữu nhiều nguồn gen quý mà còn là lá phổi điều hòa khí hậu cho toàn thị xã Tây Ninh. Có vai trò quan trọng là thế nên sự tấn công của những toán sơn tràng chuyên lùng cây thuốc đã và đang khiến vùng rừng núi nơi đây đứng trước những mối nguy khôn tả.

Vùng đất vàng của phường Sơn Lâm

Xuất phát tại đền thờ Ông Lớn Trà Vong, theo con đường cái quan trải rộng khá bằng phẳng chưa đầy 1km, nhóm 4 người đàn ông chạy xe gắn máy cà tàng rẽ phải rồi phóng như bay trên con đường đất đỏ với muôn trùng ổ voi tung bụi mịt mù. "Đây là con đường độc đạo dẫn vào Khu du lịch Ma Thiên Lãnh đấy chú em!" - người đàn ông tên Hùng cầm lái, nói như hét: "Trong kháng chiến chống Mỹ, vùng này là nơi cư trú của quân cách mạng nên bị Mỹ - ngụy đổ bom như trút nước. Sau năm 1975, Nhà nước xếp hạng nơi đây là di tích quốc gia và triển khai quy hoạch, thành lập thành khu du lịch. Gọi khu du lịch cho oai chứ trên đó hoang vắng lắm, giống như bị bỏ hoang".

Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp vài nhóm khác cũng đang hăm hở lên rừng tìm cây thuốc. Sau hơn 30 phút vòng vèo rồi leo dốc, theo con đường mòn do nhiều người đi lại mà thành, khi không thể lăn bánh được nữa thì đám sơn tràng xuống xe vác xẻng, rựa, dây chằng chia ra các hướng săn tìm "báu vật" của rừng. Hăm hở, luồn lách leo trèo qua nhiều hang hốc, có đoạn phải dùng dao phạt bụi rậm mở lối, sau gần 1 giờ đồng hồ tiến sâu vào rừng, ông Đậm, anh cả nhóm sơn tràng khoát tay ra hiệu, bảo "nghỉ lấy sức".

Một sơn tràng đang vào rừng tìm cây thuốc quý.

Đang rít thuốc nghe tiếng người cười nói lao xao, Đậm cùng các chiến hữu hướng ánh mắt về phía phát ra tiếng động thì gặp nhóm 3 người đàn ông đang trên đường ra khỏi rừng, trên vai vác những gốc cây có dáng thế đẹp mà sau này chúng tôi mới biết là họ đi đào bonsai (cây cảnh nhỏ). Biết nhóm Đậm đi tìm cây thuốc, một trong ba người đàn ông, bỏ nhỏ: "Đi theo mấy tảng đá lớn khoảng 100m là cây thuốc mênh mông, tha hồ banh bới, chặt chém".

Bên mép một tảng đá khổng lồ nằm gối đầu trên cội rễ một cây đa đại thụ, nghe hỏi sao biết vùng này có nhiều cây thuốc quý mà mò đến, anh cả nhóm phường săn thổ lộ: "Tui có thằng em kết nghĩa chuyên sống bằng nghề săn rắn. Có mấy bận lên đây ruồng bố nên nó phát hiện Ma Thiên Lãnh không chỉ là đại bản doanh của các loài mãng xà độc địa như hổ mang, hổ đất, hổ chúa, hổ lửa… mà còn là thủ phủ của nhiều loài cây thuốc quý. Nghe nó bắn tin là tui kéo anh em khăn gói mò về đây liền". Dứt lời, Đậm khoe: "Tuần này, hôm nay là chuyến thứ ba mấy anh em tôi vào rừng. Hai lần trước trúng đậm lắm, chở đến khẳm xe các loại cây thuốc có giá trị như dây huyết rồng, đỗ trọng, ủ bình vôi, hà thủ ô… bán mỗi xe cũng hơn một triệu".

Quy trình khai thác tận diệt

Cách đây không lâu, chúng tôi đến núi Cấm, tỉnh An Giang và theo chân đám phường săn chuyên tầm nã các loài côn trùng mà du khách phương xa đồn thổi rất tốt cho các ông về cái "khoản ấy" như ngô công (rết), nhện hùm, bọ cạp, mối chúa... Quy trình săn bắt rất đơn giản. Sau khi phát hiện nơi trú ẩn của đám côn trùng, người ta sẽ dùng cuốc bới banh, moi móc đến tận miệng hang rồi dùng tay tóm "chiến lợi phẩm" cho vào chiếc bình nhựa màu trắng. Đôi khi chỉ để tóm được một con bọ cạp, người ta không ngần ngại bới banh cả mảng núi đồi.

Sau chuyến đi, chúng tôi có bài viết phản ánh tình trạng "Núi Cấm khốn khổ vì côn trùng tăng lực" với nhấn mạnh, đây là kiểu khai thác mang tính chất hủy hoại hệ sinh thái rừng nghiêm trọng. Nhưng khi tận mắt chứng kiến đám sơn tràng banh rừng tìm cây thuốc mới biết sự hủy hoại của đội quân tầm cây thuốc quý gấp hàng chục lần.

Dấn sâu vào rừng, gặp một con suối nhỏ tuôn dòng từ khe đá, Đậm dừng chân. Kinh nghiệm nhiều năm banh rừng lùng cây thuốc trang bị cho người đàn ông này hiểu biết, hễ nơi đâu có nước chảy là nơi đó có chim, rắn, thú rừng quần tụ sinh sống, đặc biệt là có nhiều cây thuốc quý có giá trị. Chỉ trong một giờ đồng hồ, Đậm liên tục vung tay chém chặt. Lắm lúc để đào được một củ bình vôi chỉ bằng nắm tay người lớn, gã không ngần ngại bới banh một khu vực rộng đến 5 - 6m2, thờ ơ trước những cây rừng vừa mới đâm chồi, bén rễ bị hạ gục. Khi phát hiện dây huyết rồng đang đu mình trên một thân cây, thay vì quăng dây leo lên trên phát chặt thì gã tiện tay đốn ngã. "Hơi sức đâu mà leo với trèo, trước dễ té, sau dễ bị đám rắn trú ẩn trên ấy truyền nọc độc". Dứt lời, gã cười khì khì: "Rừng mà, thiếu gì cây, đẵn cây này thì cây khác lại mọc".

Trong lúc Đậm ra sức bới, chặt thì đám đàn em của gã cũng mê mải phá rừng. Thiên nhiên phải mất nhiều năm, ròng rã chọn lọc mới ươm mầm sống cho những hạt giống nhưng sự hủy hoại của đội quân tầm cây thuốc chỉ trong phút chốc. Chỉ vào bãi đất rừng nham nhở rộng cả chục mét vuông với vô số cây con bị gãy dập, gã sơn tràng tên Tài, e hèm: "Vầy nhằm nhò gì ông ơi, tụi lùng cây bonsai còn phá ác chiến, phá gấp chục lần. Mình có tí xíu vầy chỉ là chuyện nhỏ".

Mối nguy đang đến rất gần!

Sau hơn 2 giờ tiến công vào rừng, Đậm cùng đám đàn em trở ra với bờ vai lổn nhổn rễ, gốc, thân, củ các loài cây thuốc. Chất đầy trên xe, ràng buộc cẩn thận, rồi các gã phóng xe trở xuống đồng bằng đặng bán lại cho một số phòng mạch thuốc nam. Trước khi rồ máy, Đậm hớn hở: "Hôm nay trúng khẳm, vài bữa nữa tụi tui lên đây tiếp". Nhưng vùng núi rừng Ma Thiên Lãnh không chỉ có mỗi nhóm của Đậm banh rừng tìm cây thuốc quý.

Len lỏi dưới những tán rừng, chúng tôi bắt gặp rất nhiều hình ảnh người ta bới, chặt. Có người thẳng thắn cho biết mình kiếm cây thuốc, người e dè giấu giấu giếm giếm bảo đang làm rẫy, phát quang bụi rậm dẫu đang ở giữa lõi rừng. Ông Nguyễn Văn Hảo, 71 tuổi, một người dân ở khu vực này âu lo: "Ngày nào cũng có nhóm vào đây kiếm cây lùng thuốc thì rừng rậm, rừng dày cỡ nào cũng chịu hổng siết đâu. Nếu các chú kiểm lâm không siết chặt mà cứ để người ta mặc sức như hiện nay thì… nguy quá!"

Thành Dũng
.
.
.