Cây “lúa thiêng” của người Pa Cô trước nguy cơ tuyệt chủng

Thứ Sáu, 29/08/2014, 10:45
Từng được xem là giống “lúa thiêng” và chỉ được sử dụng làm sản vật quý trong các lễ hội lớn, tuy nhiên sau hơn 100 năm tồn tại thì đến nay, giống lúa Ra Dư của bà con dân tộc thiểu số Pa Cô ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên- Huế) đang đứng trước nguy cơ biến mất nếu không được bảo tồn kịp thời...

Cách đây chừng 3 năm về trước, xã Hồng Quảng, a Lưới, được xem là xã điểm duy nhất ở huyện A Lưới có nhiều hộ dân trồng được giống lúa Ra Dư với diện tích gần 30ha. Tuy nhiên, sau khi nhường đất cho dự án xây dựng công trình thủy điện A Lưới và nạn sạt lở dọc các bãi bồi của sông, suối gia tăng thì đến nay, số người trồng cây lúa Ra Dư chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Dẫn chúng tôi đi dạo một vòng dọc con suối Tà Rinh chảy qua địa bàn thôn để tìm những mảnh ruộng của người Pa Cô trồng “lúa thiêng” Ra Dư sót lại mà ông Lê Thanh Khâu, thôn trưởng thôn 1 (xã Hồng Quảng) không giấu được nỗi buồn. Ông Khâu bày tỏ: “Hồi trước, vì cây lúa Ra Dư cho hạt gạo to, trắng tinh và rất thơm, dẻo nên người Pa Cô, Cơ Tu trồng rất nhiều để làm lương thực thay củ sắn, quả bắp. Nếu năm 2004, toàn thôn 1 có khoảng 10ha lúa Ra Dư thì đến 2010 chỉ còn lại 1ha thôi chú à. Bên cạnh đó, do thời gian chăm sóc cây lúa kéo dài đến 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 11-NV) mới thu hoạch nên người dân đã chuyển sang trồng các loại cây khác”. Đến nay, ở thôn 1 chỉ còn duy nhất gia đình bà Hồ Thị Mười (40 tuổi, người dân tộc Pa Cô) là còn giữ được mảnh ruộng nho nhỏ trồng “lúa thiêng”.

Trên đám ruộng lúa hơn 3 tháng tuổi, bà Mười thoăn thoắt đôi tay vun đất cho gốc lúa và tâm sự cùng chúng tôi: “Những năm trước, nếu 2 sào ruộng này mà vợ chồng mình trồng bắp thì mỗi mùa thu hoạch được 3,5 triệu đồng. Năm nay, vì không có ai trồng Ra Dư nữa nên chính quyền thôn đã vận động gia đình mình trồng cây lúa này để phục vụ cho lễ mừng lúa mới và các lễ hội truyền thống của dân tộc. Vì thế mà ngày nào mình cũng ra đây làm cỏ, vun gốc cho cây lúa thiêng này đấy!”.

Cây lúa Ra Dư được bà con ở cụm bản Ireo, huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào) trồng tỉa trên đồi núi cao để lấy lương thực.

Theo ông Hồ Văn Ngực, cán bộ nông nghiệp xã Hồng Quảng, một trong những nguyên nhân dẫn đến giống lúa Ra Dư trở nên “khan hiếm” và có khả năng “biến mất” là do giống lúa này chỉ trồng được 1 vụ. Mặt khác, trong quá trình trồng, bà con dân tộc không chú trọng lai tạo giống; khâu kỹ thuật chăm sóc còn mang đậm tính thủ công nên diện tích và năng suất Ra Dư vì thế ngày càng giảm. “Đây thực sự là điều đáng buồn cho một loại giống lúa vốn từng được xem là sản vật quý của đồng bào dân tộc Pa Cô ở vùng cao A Lưới!”, ông Ngực chia sẻ sự lo lắng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Toàn, chuyên viên phòng NN&PTNT huyện A Lưới, khẳng định: “Hiện giống lúa quý Ra Dư đang đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn”. Ông Toàn còn cho biết, từ năm 2008, UBND huyện đã triển khai kế hoạch phục tráng giống lúa Ra Dư tại xã Hồng Quảng trên diện tích 20ha và sau đó nhân rộng ra các xã lân cận. Thế nhưng đến nay, chỉ còn một vài hộ dân ở Hồng Quảng; xã Nhâm (huyện A Lưới) và bà con ở cụm bản Ireo, huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào) còn trồng được Ra Dư trên các đồi núi cao để lấy lương thực. “Hiện toàn huyện có 840ha lúa rẫy thì Ra Dư chiếm chưa đến 10% diện tích dù đơn vị và các địa phương đã cố gắng vận động người dân tích cực trồng trọt. Trước thực trạng cấp bách này, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên- Huế sớm có kế hoạch để bảo tồn giống lúa thiêng Ra Dư để tránh nguy cơ tuyệt chủng...”, một cán bộ nông nghiệp ở huyện A Lưới trăn trở

Lê Anh
.
.
.