Cầu phao qua sông Hồng ùn tắc ngày thông xe

Thứ Tư, 25/11/2009, 11:29
Ngày 24/11, ngay sau lễ thông xe, hai bên đầu cầu Phao bắc qua sông Hồng tại Bến Chèm II ở trên địa bàn xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm và thôn Đại Độ xã Võng La, huyện Đông Anh (Hà Nội), chúng tôi đã chứng kiến hàng đoàn xe tải, xe khách và xe con nối đuôi nhau chờ được qua cầu.

CSGT và Thanh tra giao thông Sở GTVT Hà Nội đã phải tập trung lực lượng, làm việc vất vả để phân luồng và điều hành các phương tiện ra vào cầu phao. Với tổng chiều dài cầu lên tới 680m, trong đó luồng chính dài 570m, luồng phụ dài 110m, gồm khoảng 200 đốt cầu, đây là cây cầu phao dài nhất từ trước tới nay do Lữ đoàn Công binh H39 và H49, Bộ Quốc phòng lắp đặt và hoàn tất.

Trong khi chờ đợi các thủ tục của lễ thông cầu của Bộ Quốc phòng và Sở GTVT Hà Nội, nhiều người dân đã đứng chật kín hai đầu cầu để tận mắt chứng kiến những đoàn xe đầu tiên chạy qua cây cầu phao nối đôi bờ sông Hồng.

Các phương tiện đã đi qua cầu phao ngay sau lễ thông xe.

Ngay trong ngày đầu tiên, lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông của Sở GTVT Hà Nội cũng đã phải làm việc hết sức vất vả để phân luồng và hướng dẫn các xe từ đường cái rẽ vào bến đi xuống cầu, đảm bảo tốc độ và khoảng cách an toàn. Tuy là ngày đầu tiên, nhưng số lái xe biết thông tin từ trước, nên đã tập trung đi qua hướng Bắc Thăng Long Nội Bài qua cầu vượt Kim Chung-đường Khu công nghiệp Bắc Thăng Long Nội Bài - QL32 để tranh thủ đi qua cầu Phao, tránh tắc đường.

Theo quan sát của chúng tôi, lượng xe đi qua cầu Phao ngay trong buổi sáng rất lớn, chủ yếu là xe tải nhỏ và xe khách, đặc biệt là nhiều xe taxi chở khách đi sân bay Nội Bài cũng đã chọn cách đi qua cầu Phao để tiết kiệm thời gian tắc đường trên cầu Thăng Long.

Mặc dù theo quy định của Sở GTVT Hà Nội, các loại xe có trọng tải dưới 16 tấn có thể đi qua cầu phao, nhưng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội khuyến cáo các xe tải chở hàng hóa nặng, hoặc xe quá cũ thì không nên đi cầu Phao, để đảm bảo an toàn cho cầu, tránh làm ùn ứ, gián đoạn việc lưu thông.

Trong ngày, lực lượng công binh phải huy động sẵn ở mỗi đầu cầu một xe tải chuyên dụng để kéo những phương tiện ra khỏi bãi lầy. Mỗi khi có một chiếc xe được kéo ra khỏi đám lầy, mặt đường lại bị cày xới thành những rãnh sâu. Giao thông trên cầu nhiều lúc bị gián đoạn khá lâu. Đến cuối giờ chiều lượng xe dồn về cầu đông, nhiều xe bị sa lầy trên đường dẫn lên, xuống, khiến cây cầu ở trong tình trạng tắc cứng

Thu Uyên
.
.
.