Cầu cũ, cửa biển bồi lấp cản trở tàu thuyền ra vào cảng
Phải rất vất vả, ông Nguyễn Thanh Quýnh, ở thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) mới cho chiếc tàu công suất 120CV của mình chạy luồn qua chiếc cầu cũ Thuận An. Ông Quýnh ái ngại cho biết: “Tàu tui tuy nhỏ nhưng mỗi lần ra khơi hay cập cảng đúng lúc thủy triều dâng thì không thể nào đi luồn qua cầu Thuận An cũ được. Phải chờ khi nước rút mới chạy qua nên rất tốn công”.
Theo quan sát của chúng tôi, chiều cao của cầu Thuận An cũ tính từ mặt nước lên mặt cầu chỉ không quá 4m, trong khi các trụ cẩu trên các tàu đánh cá lại cao hơn nhiều nên mỗi lần qua cầu bắt buộc ngư dân phải hạ các trụ cẩu rất mất thời gian.
“Toàn xã có 17 tàu đánh bắt xa bờ và hàng chục tàu thuyền công suất từ 120CV đến 150CV, mỗi lần ra vào đều phải đi ngang qua cầu Thuận An cũ nên gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến việc đánh bắt của bà con ngư dân”, ông Nguyễn Thanh Phát, Chủ tịch Hội nghề cá xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang xác nhận.
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho rằng, hiện toàn tỉnh có khoảng 230 tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 90CV-420CV gặp khó khăn khi thường xuyên ra vào cửa biển Thuận An...
Không những vậy, việc cửa biển Thuận An thường xuyên bị bồi lấp, thậm chí có đoạn bồi lấp kéo dài gần cả 1 cây số (luồng rộng 20m, sâu 2m) đã khiến tàu thuyền ra vào rất khó khăn, thậm chí nhiều tàu đã bị mắc cạn, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho ngư dân.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thuận An cho biết thêm: “Đã có nhiều tàu cá gặp nạn khi cố gắng vào cửa biển mỗi lần gặp bão. Thế nên vào mùa mưa bão, phần lớn tàu thuyền của ngư dân thường chạy vào Đà Nẵng để neo đậu dù chi phí xăng dầu, bến bãi rất tốn kém…”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 9/2010, Cục Hàng hải Việt Nam đã tiến hành đầu tư nạo vét luồng vào cảng Thuận An với kinh phí hơn 4 tỷ đồng và hoàn thành vào tháng 7/2011. Lúc này, cửa biển Thuận An có luồng sâu 3,5m, rộng 60m, đáp ứng cho tàu khoảng 1.000 tấn vào cảng. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, do bờ biển ở xã Hải Dương sạt lở nặng đã làm cửa biển này bị bồi lấp trở lại, tàu trên 500 tấn không thể ra vào, gây ảnh hưởng đến công suất xếp dỡ hàng hóa của cảng Thuận An.
Ông Nguyễn Ngọc Lễ, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty cổ phần Cảng Thuận An, cũng cho hay: “Cảng Thuận An được xây dựng với công suất xếp dỡ hàng hóa gần 400.000 tấn/năm, nhưng nay lượng tàu vào cảng quá ít, trung bình mỗi năm chỉ đạt chưa đầy 60.000 tấn mà nguyên nhân chính là do cửa biển bị bồi lấp, các tàu tải trọng lớn không thể vào cảng”.
Nói về vấn đề cầu Thuận An cũ và cửa biển bị bồi lấp gây ảnh hưởng lớn đến sự ra vào của tàu thuyền, ông Nguyễn Bá Bình, Giám đốc Ban Đầu tư và Xây dựng giao thông, thuộc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế giải thích rằng, từ năm 2011, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định phê duyệt dự án trên 550 tỷ đồng khắc phục nạn sạt lở bờ biển Hải Dương, nạo vét cửa biển Thuận An và 3 tỷ đồng để phá dỡ cầu Thuận An cũ. Thế nhưng, vì thiếu kinh phí nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện…