“Cát tặc” lộng hành dọc bờ sông Krông Nô
Theo phản ánh của các hộ dân, tại khu vực dọc bờ sông thuộc địa phận xã Buôn Chóa, kéo dài từ thôn 1 đến thôn 4, huyện K’Rông Nô, mỗi ngày hiện có khoảng 70 – 80 tàu bè, xà lan các loại (lúc cao điểm hơn 100 tàu) với công suất lớn, tải trọng hàng chục tấn từ bên kia sông của huyện Krông A Na, tỉnh Đắk Lắk sang hút cát. Việc khai thác cát diễn ra ngang nhiên, ồ ạt giữa ban ngày, gây sạt lở, cuốn trôi toàn bộ diện tích đất sản xuất, hoa màu của người dân. Ông Lữ Thanh Bình, một người dân sống ở đây cho biết: “Những năm trước đây, chiều rộng mặt sông đoạn qua khu vực này chỉ chừng 20 – 30 m. nhưng giờ đây mặt sông đã bị sạt lở ăn sâu vào bờ hơn 100m, lòng sông bị biến dạng. Đặc biệt có nhiều đoạn sạt lở tạo thành những vực sâu, sụt lún rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, tiếng nổ mìn, tiếng máy móc gầm rú hút cát in ỏi suốt cả ngày lẫn đêm khiến bà con không thể nào chợp mắt được”. Còn bà Nguyễn Thị Lan, xã Buôn Chóa bức xúc: “ Thấy tàu ngang nhiên hút cát, gây sạt lở đất đai chúng tôi phản đối thì bị các chủ tàu cũng như những công nhân làm thuê trên tàu chửi bới, thách thức. Thậm chí nhiều tàu còn mang theo súng, mã tấu, tuýp sắt gậy gộc sẵn sàng uy hiếp. Chúng tôi rất bức xúc nhưng đành bất lực, không thể làm gì được bọn chúng. Hơn 10.000 m2 diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nương rẫy, nguồn sống chính của gia đình tôi giờ đã bị cuốn trôi theo lòng sông, không biết kêu ai bây giờ!.. Nhiều hộ dân bị “ép” đến bước đường cùng, đành phải bán lại toàn bộ diện tích đất sản xuất, nương rẫy cho các chủ tàu, doanh nghiệp khai thác cát dời đến nơi khác sinh sống…
Những tàu bè, xà lan ngang nhiên hút cát trái phép trên Sông Krông Nô gây sạt lở nghiêm trọng. |
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Dương Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Buôn Chóa cho biết: “ Hậu quả của tình trạng khai thác cát trái phép đã gây sạt lở, làm mất hơn 60 ha diện tích đất sản xuất, hoa màu của người dân, làm thất thoát lớn nguồn tài nguyên khoáng sản . Nhiều công trình nhà máy kênh mương thủy lợi ở địa phương cũng đang đứng trước nguy cơ sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng. Tuy nhiên điều mà người dân bức xúc là không hiểu tại sao sự việc diễn ra từ nhiều năm nay, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, chính quyền địa phương cũng như người dân đã nhiều lần kiến nghị, gửi đơn “kêu cứu” lên cấp trên và các cơ quan chức năng nhưng đến nay đã hơn 4 năm qua nhưng mọi việc vẫn …đâu lại vào đấy”.
Trước hiện trạng cát tặc ngang nhiên lộng hành, gây hư hại tài sản và mất an ninh trật tự tại địa phương. Mới đây, Phòng cảnh sát môi trường công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với công an huyện Krông Nô, Phòng tài nguyên môi trường huyện tiến hành kiểm tra, xử lý một số trường hợp vi phạm nhưng theo quan sát của chúng tôi thì tình trạng chẳng những không thuyên giảm mà có dấu hiệu ngày càng diễn biến phức tạp hơn.
Theo Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Đắk Nông hiện bên kia bờ sông K’Rông Nô thuộc tỉnh Đắk Lắk có năm doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động khai thác cát với hàng trăm tàu bè, xà lan các loại với công suất lớn. Mỗi ngày các tàu bè, xà lan hút trộm được khoảng hàng ngàn m3 cát dọc bờ sông K’Rông Nô, thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông, sau đó vận chuyển, tập kết đi tiêu thụ ở tỉnh Đắk Lắk, gây thất thoát lớn ngưồn tài nguyên khoáng sản của địa phương….Thượng tá Bùi Ngọc Tiến, Phó trưởng Phòng PC49, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết tình trạng trên đã diễn ra từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để, bởi hầu hết các tàu bè đều ở bên kia bờ sông thuộc địa phận huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Lợi dụng địa hình sông nước, địa bàn giáp ranh, các tàu bè, xà lan đã ồ ạt chạy sang bên kia bờ sông Krông Nô, thuộc địa phận của tỉnh Đắk Nông để khai thác cát trái phép, bất chấp pháp luật . Khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, các chủ tàu cho xà lan chạy ra xa giữa dòng rồi rút về phía bên kia bờ sông thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk. Khi lực lượng chức năng rút lui, các tàu bè, xà lan lại tiếp tục quay trở lại hoạt động…
Đã đến lúc các cấp ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cần có biện pháp mạnh, ngăn chặn xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để cát tặc tiếp tục hoành hành, gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản cũng như đảm bảo tình hình ANTT, bảo vệ đất sản xuất cho người dân