Cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính

Chủ Nhật, 19/04/2015, 11:11
Mục tiêu trọng tâm năm 2015 là cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC). Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp chia sẻ về công tác cải cách TTHC hiện nay cũng như cách làm để đạt được cái đích này.

Phóng viên (PV): Đồng chí hãy đánh giá sơ bộ về tình hình, kết quả công tác cải cách TTHC hiện nay?

Ông Ngô Hải Phan: Năm 2014 - 2015, nhiệm vụ về cải cách TTHC được xác định là khâu then chốt quyết định sự thành công của cải cách hành chính và tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp.

Với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về kiểm soát TTHC và tổ chức thực hiện cải cách TTHC trên phạm vi cả nước, Bộ Tư pháp cùng với các Bộ, ngành, địa phương đã cơ bản hoàn thành thể chế phục vụ công tác; tổ chức bộ máy cơ bản đáp ứng; việc đôn đốc các Bộ, ngành tổ chức thực thi 25 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ năm 2010 về đơn giản hóa TTHC được quan tâm thực hiện, đến nay các Bộ đã hoàn thành phương án đơn giản hóa 4.431 TTHC (đạt 93,8%), đặc biệt, trong năm 2014, dưới sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, TTHC trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đầu tư đã có những tiến bộ tích cực, nhiều đạo luật được ban hành nhằm đưa kết quả cải cách đi vào cuộc sống.

Trong năm 2014, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đánh giá tác động đối với 2.076 TTHC quy định tại 479 dự thảo văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; ban hành 1.009 Quyết định công bố TTHC để cập nhật, công khai TTHC và văn bản QPPL có hiệu lực thi hành trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; tiến hành rà soát 1.365 TTHC, nhóm TTHC theo kế hoạch, trong đó, có phương án sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ 1.284 TTHC thuộc thẩm quyền, trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ 941 TTHC và quy định có liên quan; thực hiện tiếp nhận và xử lý 2.915 phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.

PV: Hải quan, thuế là những lĩnh vực được đánh giá có nhiều đột phá trong cải cách TTHC, đồng chí hãy cho biết cụ thể về cách làm cũng như hiệu quả trong lĩnh vực này?

Ông Ngô Hải Phan: Có thể nói, năm 2014, cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế và hải quan đã đạt được những thành tích nổi bật mà chúng ta có thể “đong đếm” được.

Đối với lĩnh vực hải quan đã: Áp dụng thủ tục hải quan điện tử trên phạm vi toàn quốc; vận hành hệ thống thông quan tự động VNACCS tại Việt Nam từ ngày 01/4/2014 kết hợp với đẩy mạnh quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại bằng biện pháp quản lý rủi ro; cơ chế Hải quan một cửa quốc gia được thí điểm thực hiện; các thủ tục về tính thuế, nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu được tiến hành thực hiện cùng thủ tục thông quan điện tử…

Những nội dung cải cách lớn trong lĩnh vực thuế đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận như: cho phép doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in; thực hiện phân ngưỡng chịu thuế, giảm tần suất kê khai thuế; áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 sửa đổi, bổ sung 07 thông tư có liên quan về thuế; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 sửa đổi, bổ sung 04 Nghị định và Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của 05 Luật thuế để sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa chính sách và TTHC thuế cho doanh nghiệp.

PV: Trong lĩnh vực đầu tư, cải cách TTHC đã có những tiến bộ gì? Ông hãy cho biết, so với trước kia, TTHC trong lĩnh vực này đã được đơn giản hoá như thế nào?

Ông Ngô Hải Phan: TTHC lĩnh vực đầu tư là một trong những nội dung trọng tâm, yêu cầu phải có cải cách mạnh mẽ, đột phá. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt bằng những giải pháp tổng thể tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014, đặc biệt đã ban hành Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 06/6/2014 về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách TTHC trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 43/NQ-CP đang được các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực thi, trong đó đã hiện thực hóa các phương án đơn giản hóa, cải cách TTHC trong nhiều văn bản QPPL như: Luật Đầu tư năm 2014 đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước; rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài từ 45 ngày xuống còn 15 ngày; quy định rõ về thẩm quyền, nội dung thủ tục theo hướng liên thông đối với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; rà soát, hệ thống hóa danh mục 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện…); Luật Xây dựng năm 2014 đã miễn giấy phép xây dựng đối với một số loại công trình xây dựng thuộc khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500; yêu cầu liên thông trong thực hiện cấp giấy phép xây dựng…)…

Khi Nghị quyết số 43/NQ-CP được thực thi đầy đủ, đối với dự án phải thực hiện quy trình phức tạp nhất sẽ giảm 12/33 thủ tục. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện TTHC sẽ giảm từ 155 - 865 ngày làm việc (theo quy định hiện nay) xuống còn khoảng 80 - 385 ngày làm việc, giúp cắt giảm tương ứng từ 75 - 480 ngày làm việc (tương ứng tiết kiệm khoảng hơn 50% thời gian thực hiện TTHC của nhà đầu tư). Về mặt lợi ích kinh tế, theo phương pháp tính toán chi phí tuân thủ (SCM), nếu thực thi đầy đủ các nhiệm vụ tại Nghị quyết sẽ giúp tiết kiệm chi phí tuân thủ TTHC cho nhà đầu tư hằng năm ước tính hơn 1.241 tỷ đồng/năm.

PV: Hiện nay, một số bộ, ngành đang áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thực hiện một số TTHC như cấp giấy phép lái xe, nộp hồ sơ làm hộ chiếu… Để đưa CNTT vào công tác cải cách TTHC, theo đồng chí, chúng ta cần phải làm gì?

Ông Ngô Hải Phan: Tôi cho rằng, việc áp dụng CNTT trong TTHC là cách làm sáng tạo, hiệu quả, giúp rút ngắn thời gian, công sức của cả cơ quan Nhà nước và cá nhân, tổ chức. Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và gần đây nhất, ngày 15/4/2015 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập.

PV: Mục tiêu đặt ra trong cải cách TTHC năm 2015 là gì? Đâu là trọng tâm, thưa ông?

Ông Ngô Hải Phan: Trọng tâm của cải cách TTHC trong năm nay chính là việc phải thực hiện đơn giản hóa 13 nhóm TTHC tại Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ TTHC; 40 nhóm TTHC tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ; chuẩn hóa và niêm yết, công khai đồng bộ, thống nhất 100% TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền.

PV: Cảm ơn ông!

Cao Hồng (thực hiện)
.
.
.