Cấp thuốc Methadone về nhà: Những rủi ro cần tính toán kỹ

Thứ Hai, 12/04/2021, 06:37
Bộ Y tế đang triển khai thí điểm Đề án cấp thuốc Methadone nhiều ngày  mang về nhà cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại thì vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng về một số rủi ro khi cho người bệnh mang thuốc về nhà, như: người bệnh không uống mà bán lại; hoặc trẻ em uống nhầm thuốc có thể gây tử vong…


Tránh bỏ điều trị

Đề án này được thực hiện trong 2 năm (2021-2022) và đến nay đã 1 tuần Bộ Y tế triển khai thí điểm ở 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng. Sở dĩ cần triển khai thí điểm đề án này vì theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), sau 12 năm Việt Nam triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone bên cạnh những hiệu quả đạt được cũng đã bộc lộ một số tồn tại.

Người bệnh đến Cơ sở điều trị Methadone Lê Chân, TP Hải Phòng lấy thuốc về nhà.

Đó là tỷ lệ bỏ điều trị chiếm trên 50%, tập trung ở các tỉnh miền núi. Một trong những nguyên nhân chính là do người bệnh không đủ kiên trì để tiếp tục điều trị khi phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày trong một thời gian liên tục nhiều năm. Một số khác do công việc đặc thù nên không có thời gian đi uống thuốc hằng ngày trong giờ hành chính; hoặc đi làm việc xa nhà thường xuyên không thể đến uống thuốc hằng ngày…

Ông Long cũng cho biết, các quốc gia trên thế giới đã triển khai cho người bệnh tuân thủ điều trị tốt được mang thuốc Methadone về sử dụng tại nhà để giảm bỏ điều trị do phải đến cơ sở y tế uống thuốc hằng ngày. Việc triển khai cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về cũng giúp giảm tải công việc của cán bộ y tế tại cơ sở điều trị Methadone.

Số liều thuốc Methadone được mang về phụ thuộc vào mức độ tuân thủ của từng người bệnh sau khi theo dõi và đánh giá hàng tháng và theo nguyên tắc tăng dần nếu người bệnh tuân thủ tốt và giảm dần hoặc chấm dứt cho người bệnh mang thuốc về nếu người bệnh không tuân thủ tốt. Số liều tối đa cho người bệnh mang về mỗi lần trong giai đoạn thí điểm không quá 6 liều/lần mang về (không tính 1 liều uống tại cơ sở y tế khi đến lĩnh thuốc).

Có nhiều rủi ro

Sau 1 tuần triển khai, đến nay có nhiều người tỏ ra lo lắng. Anh Phạm Quốc Tuân, ở Quảng Ninh cho biết: “Mang thuốc về nhà liệu người nghiện có uống đủ liều như uống ở trước mặt cán bộ y tế hay không vì có trường hợp uống tại cơ sở y tế còn lén nhổ ra. Hoặc, về nhà không uống mà mang thuốc đó đi đổi lấy thứ khác hoặc bán lại thì sao”. Lo lắng này không phải không có cơ sở. 

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, dựa trên kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới, khi cho người bệnh mang thuốc Methadone về cũng có thể sẽ có những rủi ro và cần phải có ngay biện pháp để giảm thiểu. Rủi ro có thể kể đến như trẻ em hoặc người khác dùng nhầm thuốc. Đây là rủi ro nguy hiểm nhất đến sức khỏe và sự an toàn khi cho người bệnh mang Methadone về. Kinh nghiệm của một số các quốc gia trên thế giới cho thấy, nếu người khác sử dụng nhầm thuốc, nhất là trẻ em có thể dẫn đến tử vong.

Rủi ro thứ hai có thể xảy ra là mua, bán, trao đổi, đánh cắp Methadone vì thiếu sự giám sát của cán bộ y tế. Có những quốc gia báo cáo thậm chí có tình trạng Methadone bị đánh cắp bởi người nghiện khác. Để giảm thiểu rủi ro ngay từ khi sàng lọc người bệnh được mang thuốc về đã có những tiêu chuẩn và điều kiện liên quan đến tuân thủ điều trị, tuân thủ nội quy cơ sở điều trị; điều kiện bảo quản thuốc, các biện pháp hủy vĩnh viễn việc mang thuốc Methadone về sẽ được tư vấn trước, trong quá trình điều trị nếu người bệnh vi phạm nguyên tắc này, đồng thời các biện pháp giám sát kiểm tra, thu hồi vỏ lọ thuốc đã qua sử dụng… sẽ giúp giảm thiểu rủi ro này.

Ngoài ra còn có hiện tượng một số người bệnh tích trữ Methadone để sử dụng sai mục đích như dùng liều cao hơn hoặc chia liều ra nhiều lần trong ngày. Việc này cũng có thể gây ngộ độc cho người bệnh hoặc không đạt được mục đích điều trị. Hoặc sử dụng Methadone kết hợp với các thuốc khác, đặc biệt là nhóm thuốc an dịu như Benzodiazepines hoặc rượu và ma túy khác cũng có thể nguy hiểm cho người bệnh.

Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, một số người bệnh cho rằng, sử dụng thuốc Methadone để tiêm có thể tạo ra sự phê sướng. Tuy nhiên, nếu sử dụng đường tiêm cũng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng do thuốc Methadone dạng sirô và quá liều. Đồng thời còn có thể gây nhiễm trùng tại chỗ hoặc đường máu do vệ sinh không đảm bảo.

Theo Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, để giảm thiểu các rủi ro này, biện pháp tăng cường tư vấn cũng như tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát là rất quan trọng. Người bệnh muốn được nhận thuốc Methadone mang về đều phải được sàng lọc rất kỹ lưỡng, đáp ứng những tiêu chuẩn và điều kiện liên quan đến tuân thủ điều trị, tuân thủ nội quy cơ sở điều trị. Việc giám sát sử dụng thuốc Methadone chủ yếu là để đảm bảo sự an toàn cho người bệnh và người nhà của người bệnh để tránh việc sử dụng thuốc sai mục đích.

Ông Long đặc biệt nhấn mạnh, các cơ sở điều trị Methadone tại từng tỉnh tổ chức theo dõi và hàng tháng đánh giá tuân thủ sử dụng thuốc Methadone của người bệnh với rất nhiều biện pháp, bao gồm: Theo dõi người bệnh có tuân thủ điều trị đầy đủ, tham gia đủ các cuộc hẹn khám, tư vấn, nhận thuốc và uống thuốc không? Có nộp vỏ lọ thuốc đã qua sử dụng không? Yêu cầu người bệnh mang thuốc đang sử dụng và vỏ chai về kiểm tra đột xuất xem có sử dụng đúng không. Định kỳ cán bộ y tế đến nhà người bệnh để giám sát.

Xét nghiệm nước tiểu ngẫu nhiên có tìm heroin và các ma túy khác. Thiết lập hình thức liên lạc thường xuyên phù hợp với người bệnh như điện thoại, nhắn tin, Internet… để nhận thông tin và xử lý kịp thời các vấn đề có thể xảy ra trong quá trình bệnh nhân sử dụng thuốc Methadone cấp nhiều ngày.

Theo Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long, trên cơ sở kết quả theo dõi, đánh giá, bác sĩ điều trị sẽ cho việc tăng số liều, giảm số liều hoặc chấm dứt việc cho người bệnh mang thuốc về. Nếu đề án thí điểm thành công, sẽ triển khai rộng trên toàn quốc.

Trần Hằng
.
.
.