Cao hổ cốt không có tác dụng chữa bệnh như đồn đoán

Thứ Sáu, 11/12/2020, 20:51
Cần thay đổi hành vi để giảm nhu cầu sử dụng các chế phẩm từ hổ phục vụ mục đích chữa bệnh tại Việt Nam – nơi được xem là một thị trường buôn bán trái phép hổ và các sản phẩm từ hổ.


Đây là khẳng định của bác sỹ Nguyễn Văn Thế, Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) tại Lễ phát động Dự án marketing xã hội giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ hổ tại Việt Nam. 

Các chuyên gia tham gia buổi lễ phát động

Lễ Phát động Dự án nhận được sự tham gia của 60 lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các thầy thuốc y học cổ truyền (YHCT) và lãnh đạo đại diện các đối tác chiến lược của Dự án. 

Tiến sỹ Trần Xuân Nguyên, Trưởng Ban Chuyên môn, Trung ương Hội Đông Y Việt Nam cho biết: “Chúng tôi ủng hộ Dự án này như một nỗ lực tích cực nhằm bảo vệ danh tiếng, uy tín và sự phát triển bền vững của nền YHCT vì sự phát triển của Việt Nam”.

Nhiều người vẫn coi cao hổ cốt là thần dược chữa bệnh

Hiện nay, các hành vi buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm từ hổ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy thoái loài và trái với quy định của pháp luật nhưng tại Việt Nam các sản phẩm từ hổ vẫn được sử dụng.

Tuy nhiên, theo bác sỹ Nguyễn Văn Thế, các bài thuốc có sử dụng sản phẩm từ động vật, sản phẩm động vật như mật gấu, tê giác, cao hổ… không có tác dụng như lâu nay người ta vẫn đồn đoán. Nhiều bệnh nhân vẫn mơ hồ về công dụng thực sự của những sản phẩm này. 

“Cao hổ cốt bản chất chủ yếu là canxi mà canxi để vào xương phụ thuộc vào 3 vấn đề. Để hấp thụ được canxi, bác sĩ phải kê đến 3 loại thuốc. Nếu chỉ dùng cao hổ cốt mà xương hấp thụ được canxi thì hơi khó khăn, do đó, hiệu quả rất thấp so với số tiền bỏ ra. Hơn nữa  ngày nay cao hổ bị làm giả rất nhiều”,  bác sỹ Thế cho biết và thông tin trong đông y có rất nhiều vị thuốc chuyên dùng để chữa các bệnh đau nhức xương khớp rất hiệu quả như đỗ trọng, tục đoạn, cốt toái bổ, thiên niên kiện, cẩu tích… Các vị thuốc này giá cả bình dân và có thể dùng thay thế cao hổ cốt.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng để truyền thông nâng cao nhận thức và giảm hành vi tiêu dùng các sản phẩm từ hổ thì chúng ta phải làm một cách quyết liệt hơn và mạnh mẽ hơn, phải khẳng định cao hổ cốt không phải là sản phẩm thật và chủ yếu là giả. Tiếp theo là việc dùng sản phẩm này dù có thật đi chăng nữa thì cũng không có tác dụng nhiều, không như mong muốn và không xứng với số tiền bỏ ra. 

Bá Kiệt
.
.
.