Đang tìm nguyên nhân vụ sập lò than khiến 2 công nhân thiệt mạng
>>3 ngày 2 vụ sập lò than, 4 công nhân gặp nạn.
>>Hơn 100 công nhân tham gia cứu hộ vụ sập lò than ở Quảng Ninh.
Địa điểm các công nhân bị vùi lấp nằm trong đường lò sâu, cách khu vực cửa lò khoảng gần 400m, phạm vi tụt đổ lò dài khoảng 5m từ vì 18 vào tới vì 25 sát gương lò. Khu vực này có địa chất phức tạp, nhiều đá lớn, nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Cửa lò nơi xảy ra sự cố. |
Ngay sau khi sự cố xảy ra, lực lượng cứu hộ của xí nghiệp đã có mặt và triển khai tích cực các giải pháp cứu hộ tại chỗ. Xí nghiệp khai thác và kinh doanh than Đông Triều cũng đã huy động gần 200 thợ lò phối hợp với Công ty than Vàng Danh, Trung tâm cấp cứu mỏ và các lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp khác, tiến hành đào một đường lò men, bám vách từ khu vực lò sập đến sát gương lò sau đó mở rộng ra toàn khu vực bị sập để tìm kiếm các nạn nhân.
Các công nhân tham gia cứu hộ sự cố. |
Đến 15h ngày 21/5/2015, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể và đưa được ra ngoài nạn nhân đầu tiên là anh Dương Văn Thiện, (35 tuổi, quê Bảo Sơn, Lục Nam, Bắc Giang).
Hơn một tiếng sau vào lúc 16h30’ cùng ngày thi thể của nạn nhân thứ 2 là anh Bùi Văn Hải, (27 tuổi), quê quán tại xã Phương Đông, Thành phố Uông Bí (QN) cũng đã được tìm thấy.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, UBND Tỉnh Quảng Ninh cũng đã hỗ trợ cho mỗi gia đình công nhân bị nạn 6 triệu đồng, UBND thành phố Uông Bí hỗ trợ mỗi nạn nhân 3 triệu đồng, Công ty Cổ phần Xi Măng và Xây dựng Quảng Ninh hỗ trợ ban đầu cho mỗi gia đình nạn nhân số tiền là 50 triệu đồng.
Ông Đặng Huy Hậu Phó chủ tịch UBND tỉnh QN chỉ đạo công tác cứu hộ tại hiện trường. |
Trao đổi với chúng tôi vào sáng ngày 22/5, ông Trần Văn Sử, trưởng ban thanh tra lao động, sở Lao động và Thương binh xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến thời điểm hiện tại các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đang tiến hành điều tra vì vậy chưa thể có kết luận gì về nguyên nhân vụ tai nạn.
Thông thường các vụ tụt đổ lò xảy ra do nhiều nguyên nhân, có thể do cấu tạo địa chất, áp lực trong lòng đất nhưng cũng có những vụ do người lao động không chấp hành đúng qui trình qui phạm lao động gây nên.
Qua kiểm tra thực tế của các cơ quan chức năng những năm gần đây cho thấy, công tác ATLĐ ở nhiều đơn vị trong đó có ngành than vẫn còn nhiều bất cập, Nhiều lãnh đạo đơn vị chưa chủ động đầu tư thiết bị an toàn theo qui phạm và không nắm được thông tin về tình trạng mất an toàn tại cơ sở sản xuất nên không có biện pháp xử lý kịp thời.
Vụ TNLĐ tại Xí nghiệp Khai thác và Kinh doanh Than Đông Triều là hết sức nghiêm trọng và cũng là bài học cảnh tỉnh mà các đơn vị, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhất là ngành than cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc.