Nghẹn ngào đọc cuốn nhật ký của liệt sỹ được ghi từ hơn 60 năm trước

Chủ Nhật, 26/07/2015, 15:15
Nhập ngũ năm 1946, trải qua hàng trăm trận đánh ác liệt, người chiến sĩ ấy đã hy sinh năm 1967. Di vật anh để lại có một cuốn nhật ký được ghi từ năm 1953 theo suốt cuộc đời binh nghiệp của anh. Những kỷ niệm vui buồn đời lính; những trận đánh cam go với địch…được cuốn nhật ký ghi lại đong đầy cảm xúc tình đồng đội...

Dưới cơn mưa lất phất cuối hạ, chúng tôi tìm về phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, Quảng Bình gặp thân nhân gia đình liệt sỹ Nguyễn Lương Thầm. Lên đường bảo vệ Tổ quốc khi vừa tròn tuổi 20, hơn 20 năm rong ruổi khắp các mặt trận đánh Pháp, rồi đánh Mỹ, liệt sỹ Nguyễn Lương Thầm đã ngã xuống trên mặt trên mặt trận phía nam. Di vật anh để lại có một cuốn nhật ký được ghi từ năm 1953 theo suốt cuộc đời binh nghiệp của anh. Những kỷ niệm vui buồn đời lính; những trận đánh cam go với địch…được cuốn nhật ký ghi lại đong đầy cảm xúc tình đồng đội.

Chuyện của những người lính hơn 60 năm trước

Chúng tôi may mắn là nhà báo đầu tiên được tiếp xúc với cuốn nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Lương Thầm đúng vào dịp kỷ niệm Ngày thương binh, liệt sỹ. Cuốn nhật ký nhỏ gọn như một cuốn sổ bỏ túi nhưng lại cất giữ trong đó rất nhiều sự kiện rất có giá trị tư liệu lịch sử. Trước khi ngã xuống, liệt sỹ Nguyễn Lương Thầm là Thiếu tá, Trưởng Ban tác huấn Sư đoàn 2 K.N.

Thiếu tá Nguyễn Lương Thầm nhập ngũ từ năm 1946 và anh bắt đầu ghi nhật ký từ đầu năm 1953. Do vậy nhiều câu chuyện về các trận đánh, những kỷ niệm vui buồn của đời lính được anh ghi lại cụ thể ngày tháng, và rất chân thực sinh động về người lính thuộc thế hệ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Di ảnh liệt sỹ Nguyễn Lương Thầm.

Theo cuốn nhật ký anh ghi lại, ngày 22/12/1953, “Tại Thà Khẹt đơn vị nổ súng lúc 4h30', giải quyết xong trận đánh lúc 6h, chiếm trận địa đến 24 giờ, toàn đơn vị tham gia đầy đủ, đây là trận đầu của chiến dịch, đơn vị đã đánh tan tiểu đoàn 27B1A, thu 4 khẩu canon 105 ly, rất nhiều quân trang quân dụng. Trong trận đánh này cán bộ Tài chết, Pha bị thương, gần đến Tết Nguyên đán nên anh em đều nhớ nhà, nhưng hứa với nhau phải lấy việc quân, việc nước đặt lên trên hết”.

Là Chính trị viên nên việc mua sắm chuẩn bị Tết cho đơn vị được Nguyễn Lương Thầm ghi lại rất cụ thể, đọc những chi tết mua sắm anh ghi lại làm người đọc rơi nước mắt về những vất vả của người lính hơn 60 năm về trước.

“Chợ Tết ngày 26 tháng 12 năm 1954: Mua sắm tết cho đơn vị có: Hạt dưa 35 đồng; tô canh 44 đồng; kẹo 32 đồng; đèn, nhang 21 đồng; Thuốc NT 60 đồng…ăn Tết xong chuẩn bị đánh lớn”. Đơn vị đón Tết được đúng một ngày, sáng 2/1/1954, toàn đơn vị của Nguyễn Lương Thầm bước vào trận đánh ở cây số 27 thuộc Vemases, anh ghi lại “Bộ đội ở cây số 8 xuất phát lúc 6h sáng đến 11h nổ súng, sau một giờ giải quyết xong trận địa, một số bộ đội bị thương nhưng may không ai bị chết…”.

Đặc biệt, trong nhiều trang của cuốn nhật ký được Nguyễn Lương Thầm ghi lại những tâm tư, tình cảm của bộ đội, những ngày giờ tổ chức họp, phổ biến của lãnh đạo đơn vị trước trận đánh lớn ở Điện Biên Phủ năm 1954. Có những đêm, anh cùng lãnh đạo đơn vị thức trắng đêm trong hốc đá để họp. Tất cả bộ đội của đơn vị đều háo hức chờ đợi trận đánh lớn. Có những hôm bị địch tập kích liên tục bằng pháo, anh em trong đơn vị nhịn đói, nhịn khát 2 ngày trời vì không có lương thực, nhưng không một ai mất ý chí chiến đấu. Tất cả đều suy nghĩ đánh xong, đánh thắng để trở về quê hương, nơi có những người mẹ, người cha, vợ con đang chờ đợi mình.

Những trang nhật ký được ghi cụ thể, sinh động từ năm 1954.

Có chiến sỹ bị thương nặng lời trăng trối cuối cùng trên tay đồng đội là lời nhắn nhủ “khi nào đất nước hòa bình nhớ thắp hương và báo cho mình biết với nhé”. Những quyết định của Tổng tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở mặt trận Điện Biên Phủ, hoặc những chỉ đạo của thủ trưởng cấp trên được cuốn nhật ký đề cập một cách rất “bí mật” chỉ vẻn vẹn với những cụm từ như: “quán triệt”; “hoàn toàn tuân lệnh”; “đánh”…

Cuốn nhật ký chỉ dày độ vài trăm trang nhưng trong đó chứa đựng cuộc đời binh nghiệp không chỉ của một người lính mà còn có những suy tư, tình cảm, tình đồng đội, tình yêu đất nước của cả một thế hệ người Việt Nam trong những năm đất nước gian lao đầy bóng quân thù.

Giấy chuyển giao di vật của liệt sỹ Nguyễn Lương Thầm do Tổng cục Chính sách, Bộ Quốc phòng bàn giao cho gia đình liệt sỹ.

Mong mỏi tìm phần mộ cha

Chị Nguyễn Thị Thanh và chị Nguyễn Thị Yến con gái của liệt sỹ Nguyễn Lương Thầm là những người cất giữ cuốn nhật ký cho biết, theo hồ sơ của đơn vị cung cấp cho gia đình, từ khi nhập ngũ năm 1946 đến khi bị hy sinh năm 1967, ông Nguyễn Lương Thầm trải qua nhiều đơn vị công tác, lúc hy sinh ông Thầm là Thiếu tá, Trưởng Ban tác huấn của sư đoàn 2 K.N.

Giấy báo tử ghi rõ ông hy sinh ngày 15/4/1967 tại mặt trận phía Nam, được an táng tại khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận. Một số đồng đội của ông Thầm kể lại với gia đình, ông Thầm hy sinh ở khu vực đồi Nhái, huyện Quế Sơn, Quảng Nam. Song đến nay gia đình vẫn chưa tìm được phần mộ. Ngoài cuốn nhật ký để lại, trong giấy chuyển giao di vật liệt sỹ của Tổng cục Chính sách, Cục Chính trị Bộ Quốc phòng ngày 9/7/1969 còn bàn giao cho gia đình liệt sỹ Nguyễn Lương Thầm một chiếc đồng hồ đeo tay Poenha của ông. Tất cả di vật của liệt sỹ Nguyễn Lương Thầm đang được gia đình tìm cách bàn giao lại cho đơn vị của ông để đưa vào phòng truyền thống hoặc bảo tảng của đơn vị.

Thân nhân gia đình liệt sỹ Nguyễn Lương Thầm (trái) kể lại cuộc đời của liệt sỹ và cung cấp tư liệu cho phóng viên Báo CAND.

Qua bài viết này, chúng tôi rất mong bạn đọc ai biết được phần mộ của liệt sỹ Nguyễn Lương Thầm xin báo về thân nhân gia đình của ông là anh Lê Chiến Sỹ, công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Dương Sông Lam
.
.
.