Vụ tàu cá Đài Loan mất tích cùng 2 thuyền viên Việt Nam:

Quê nghèo ngóng tin hai thuyền viên

Thứ Bảy, 14/03/2015, 01:13
Từ khi nghe tin tàu cá Hsiang Fu Chun gặp nạn gia đình hai thuyền viên đứng ngồi không yên, nỗi đau dường như càng lớn hơn khi những đứa con thơ và đàn em nhỏ như rắn mất đầu. Người nhà những thuyền viên từng giờ, từng ngày ngóng tin họ trên chuyến tàu mất tích.

Ngôi nhà cấp bốn lợp pro-xi măng của anh Nguyễn Văn Thuận (SN 1975 – tại xóm Bắc Thịnh, Nghi Thuận, Nghi Lộc, Nghệ An) mấy ngày qua đông người đến hỏi thăm động viên người vợ và 5 đứa con thơ khi nghe tin anh mất tích khi đi đánh cá ngoài biển tại Đài Loan, Trung Quốc.

Chị Thơm ngất lên ngất xuống rừ khi nhận được tin tàu cá có anh Thuận làm việc mất tích.

Trước đó, ngày 26/2, tàu cá Hsiang Fu Chun bị mất liên lạc khi đang đánh bắt hải sản tại vùng biển Nam Thái Bình Dương. Thời điểm mất liên lạc, trên tàu có 49 thuyền viên gồm 2 người Việt Nam. Nhiều ngày qua, lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm nhưng vẫn chưa có thông gì về con tàu cùng các thuyền viên.

Chị Nguyễn Thị Thơm (SN 1978 - vợ anh Thuận) nằm bẹp trên giường từ khi nhận được hung tin, cứ tỉnh dậy là chị lại gào khóc thảm thiết. Trước đó 5-6 ngày ngày, chị Thơm có nghe được thông tin trên ti vì về việc tàu câu mực Hsiang Fu Chun mất tích cùng thủy thủ đoàn. Hốt hoảng nhớ đến tên con tàu có chồng làm việc trên đó, chị dò hỏi rồi gọi điện hỏi công ty môi giới xuất khẩu lao động (XKLĐ) và được xác nhận thông tin đó. Chị đứng không vững và nằm một chỗ không ra được khỏi nhà, cũng không thiết ăn uống gì. Năm 2000 anh Thuận và chị Thơm cưới nhau, chị Thơm liên tục sinh đẻ “quý tử” cho anh nối dõi tông đường nhưng cả 5 đứa đều là con gái.

Gia đình nghèo, chỉ riêng việc lo cơm ăn áo mặc cho 7 miệng ăn cũng đã làm anh chị vật mồ hôi. Cũng vì hoàn cảnh gia đình, đứa con gái đầu Nguyễn Thị Thân (SN 2001) nghỉ học khi hết lớp 6 và đi làm “Ô sin” tận Hà Nội để phụ giúp bố mẹ. Anh Thuận cũng có tàu cá nhưng tàu nhỏ, thô sơ đánh cá gần bờ cũng chỉ đủ cơm gạo qua ngày. Trước đó, cũng đã hai lần anh đi XKLĐ nhưng đều không gặp may mắn và trở về trước thời hạn.

Năm 2013, anh quyết “liều” thêm một lần nữa đi XKLĐ lần nữa, mong có thêm ít tiền trả nợ cũng như nuôi các con ăn học đỡ vất vả. Đầu năm 2014, anh Thuận rời nhà sang Đài Loan, Trung Quốc làm việc trên tàu Hsiang Fu Chun, công việc là câu mực, câu cá ngoài đại dương. Ba tháng đầu không gửi được đồng nào về cho vợ, đến tháng thứ 4 anh gửi mỗi tháng về nhà 8 triệu đồng, chị Thơm không dám tiêu mà dành dụm để trả nợ.

Đàn con thơ ngóng tin bố trên chuyến tàu mất tích.

“Anh đi đánh cá trên biển nên vài ba tháng mới về đất liền một lần mới điện thoại về cho gia đình được, giá cả đắt đỏ cũng chỉ nói vội vài câu rồi cúp máy. Hôm 28 Tết anh gọi về thăm hỏi, động viên gia đình và nói tháng 4 này bố về hẳn thôi, bên đó vất vả lắm. Rứa mà tháng tư sắp đến nhưng anh lại biệt tích. Giờ em chỉ cần anh về với mẹ con em, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, mẹ con em chờ tin anh…”, chị Thơm nức nở khóc nói. Đứa con gái thứ hai là Nguyễn Thị Thương (SN 2002) mấy ngày qua cũng phải nghỉ học ở nhà trông em cho mẹ, mấy đứa nhỏ vẫn chưa hình dung và chưa hiểu được chuyện gì đang xảy ra.  

Một thuyền viên người Việt Nam thứ hai mất tích trên tàu cá Hsiang Fu Chun là anh Trần Văn Cương (SN 1988, trú xã Kỳ Hà, Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Từ ngày nhận được tin em trai mất tích chị Trần Thị Kim (SN 1983- chị gái Cương) bỏ hết việc nhà chạy về nhà với đàn em trông ngóng tin Cương. Chị Kim cho biết, gia đình mới đọc được thông tin trên báo Cương và một người Việt Nam nữa đã gặp nạn trên tàu cá Đài Loan khi đang đi câu mực ở vùng biển nước ngoài. “Tên tuổi thì đó đúng là em trai tui rồi, chưa có thông tin chi nhưng chỉ cầu mong là em được an toàn trở về…”, chị Kim nghẹn ngào.

Chị gái và em gái ngóng tin anh Cương.

Gia đình có 6 anh chị em, Cương là con thứ hai bố đã mất từ 12 năm trước, người mẹ cũng đã qua đời cách đây 3 năm vì bệnh tật. Chị gái đi lấy chồng nên trong nhà Cương là lao động chính nuôi các em. Người em trai kế Cương cũng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, Trung Quốc hơn 3 năm qua nhưng từ ngày đi không hề có thông tin gì liên lạc về nhà. Hàng tháng Cương dành lại chút tiền tiêu rồi còn lại gửi về nhà cả để các em ở nhà ăn học.

Em gái Cương – em Trần Thị Lan (SN 1993) nức nở khóc,“Gần tết anh Cương có gọi điện về bảo rằng công việc rất vất vả, phải làm việc liên tục, bên đó tết không được sum vầy với anh em buồn lắm. Anh bảo nhớ nhà, mong muốn khi kết thúc hợp đồng trong năm nay sẽ về cưới vợ, đoàn tụ với gia đình”.

Hiện thông tin về con tàu mất tích cùng các thuyền viên vẫn chưa có kết quả, những người trong gia đình hai thuyền viên có mặt trên tàu cá Hsiang Fu Chun như ngồi trên đống lửa. Lời hẹn ước tháng tư anh Thuận về với vợ, lời tâm sự cuối năm sẽ về cùng đàn em thơ anh Cương đã nói liệu có thực hiện được. Cầu mong cho các anh bình yên trở về…

Tân Nghệ
.
.
.