“Quản” thức ăn đường phố theo tiêu chí an toàn thực phẩm:

Mô hình điểm cũng còn sai phạm

Chủ Nhật, 28/12/2014, 07:38
Ngày 27/12, Chi cục ATVSTP ( TP. HCM) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố (TĂĐP).

Tính cho tới thời điểm hiện tại, số cơ sở kinh doanh TĂĐP trên địa bàn thành phố có 20.038 cơ sở. Dù đã được chọn là địa bàn thí điểm áp dụng các tiêu chí về đảm bảo ATTP đối với loại hình kinh doanh TĂĐP, tuy nhiên qua kiểm tra, đánh giá cho thấy trên địa bàn TP.HCM, vẫn còn tới 50% số cơ sở kinh doanh TĂĐP vi phạm các tiêu chí về ATTP( gồm 10 tiêu chí). Thậm chí qua kiểm tra kết quả thực hiện 10 tiêu chí ATTP tại 2 mô hình “điểm” về kiểm soát điều kiện ATTP đối với kinh doanh TĂĐP tại phường 12, quận 4( 48 cơ sở kinh doanh TĂĐP) và phường Tân Thành, quận Tân Phú ( 82 cơ sở kinh doanh), cho thấy có tới 92,3% cơ sở kinh doanh chưa có sổ sách ghi chép nguồn gốc thực phẩm; 83,1% người kinh doanh không được khám sức khỏe; 77,7% người kinh doanh không được tập huấn công tác kiến thức về ATTP. Ngoài ra, trên 62% cơ sở vi phạm về qui định không có đủ dụng cụ, túi đựng chất thải, rác thải kín và hợp vệ sinh, vi phạm về sử dụng nước và nước đá sạch trong chế biến, dụng cụ xúc, gắp thực phẩm sạch, găng tay sử dụng 1 lần khi tiếp xúc thức ăn chín...

Thức ăn đường phố không đảm bảo, là nguy cơ của ngộ độc thực phẩm tập thể.

Giải thích về việc mô hình điểm TĂĐP mà còn vi phạm, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATTP TP.HCM cho rằng, cái chính vẫn là do ý thức của người kinh doanh. Nhiều người dù được Trạm y tế phường xã tới tận địa điểm kinh doanh, phát cho quyển sổ dùng để ghi chép các loại thực phẩm nhập về, nguồn gốc, số lượng nhằm kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm nhưng lại thấy quyển sổ quá đẹp, mang về cho con “xài chơi”. Hay thùng rác được phát cho của chương trình là để tại địa điểm kinh doanh TĂĐP nhưng lại mang về nhà dùng, còn nơi kinh doanh chế biến vẫn không có thùng rác kín đảm bảo vệ sinh theo yêu cầu.

Theo cơ chế “mở” của công tác đảm bảo ATTP, các quận huyện thực hiện cho những người tham gia kinh doanh TĂĐP được phép khám bệnh định kỳ miễn phí, tập huấn kiến thức ATTP miễn phí nhằm nâng cao công tác đảm bảo ATTP nhưng hiện có 17/24 quận/huyện thực hiện việc này, còn một số địa phương vẫn chưa thực hiện. Trong khi người kinh doanh TĂĐP đa số là nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên rất cần được động viên từ việc huy động các doanh nghiệp hỗ trợ các vật dụng, dụng cụ chế biến ATTP cho tới việc được trang bị kiến thức và khám bệnh tầm soát. Do đó, theo bà Mai, để đạt được hiệu quả hơn trong công tác đảm bảo ATVSTP cho thành phố, rất cần sự chỉ đạo, quan tâm kịp thời của lãnh đạo Cục ATTP, UBND thành phố, UBND các quận, huyện, phường, xã trong phối hợp thực hiện. Ngoài ra cần nâng cao ý thức của người tiêu dùng, cũng như tăng cường hơn nữa công tác thông tin, truyền thông nhằm hạn chế việc sử dụng TĂĐP không an toàn, UBND thành phố cần có chính sách đặc thù cho những người kinh doanh TĂĐP trong công tác qui hoạch, cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP, cũng như cần có hỗ trợ thêm cho cán bộ làm công tác quản lý TĂĐP, nhất là tại địa bàn các tuyến phường, xã.

H.Nga
.
.
.