Chính phủ kiến nghị sửa luật bảo hiểm có lợi cho người lao động

Thứ Ba, 12/05/2015, 09:03
Sau sự việc hàng loạt công nhân, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam đình công để phản đối Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, dù luật chưa chính thức có hiệu lực, để đòi quyền được hưởng bảo hiểm xã hội một lần, mới đây Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đã thay mặt Chính phủ có báo cáo gửi Thường vụ Quốc hội đề xuất sửa Luật theo hướng để công nhân được lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau 1 năm mất việc.

Tuy đề xuất theo hướng nhượng bộ ý kiến của một bộ phận không nhỏ công nhân, Bộ LĐ, TB & XH vẫn khẳng định quá trình xây dựng Luật không có gì sai sót, không có ý kiến trái chiều và tiếp cận với Luật của nhiều nước phát triển. 

Bộ LĐ, TB & XH dẫn số liệu thống kê, tính bình quân trong giai đoạn 2007 – 2014, trong tổng số người được giải quyết chế độ thì có khoảng 80% giải quyết hướng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, chỉ có khoảng 20% hưởng lương hưu hàng tháng. Hàng năm, có khoảng gần 500.000 người hưởng BHXH một lần, và con số này có xu hướng gia tăng qua từng năm. 

Việc cho phép người lao động có dưới 20 năm đóng bảo hiểm mà chưa hết tuổi lao động được nhận trợ cấp BH một lần chưa khuyến khích người lao động bảo lưu, tích luỹ thời gian đóng BH trong quá trình làm việc để có thể được hưởng lương hưu, nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động. Việc này sẽ khó khăn cho bản thân người lao động, gia đình và xã hội.

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chính thức được Chính phủ kiến nghị sửa đổi.

Với quan điểm hướng tới việc mở rộng diện bao phủ của chính sách BHXH, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện an sinh xã hội, điều 60 của Luật được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu, tích luỹ thời gian đóng BHXH trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng, nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động. 

Bên cạnh đó, khi người lao động mà mất việc làm, đã có bảo hiểm thất nghiệp và được hỗ trợ để có việc làm mới. Bộ LĐ, TB & XH cũng khẳng định nội dung Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 đã thể hiện đúng quan điểm, định hướng mở rộng diện bao phủ BHXH, đảm bảo quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. 

Quy định này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của hầu hết các nước trên thế giới. Tuy nhiên, khi Luật chưa có hiệu lực thi hành, một bộ phận người lao động có kiến nghị được lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH và đã xảy ra đình công.

Đánh giá nguyên nhân dẫn đến sự việc, Bộ LĐ, TB & XH cho rằng: do thực tế đời sống người lao động trong các khu CN còn khó khăn, tiền lương thực tế còn thấp nên người lao động muốn lấy BH 1 lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt; nhiều người lao động từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các DN nhưng không có ý định gắn bó lâu dài mà làm việc một thời gian để tích luỹ lương, tiền đóng BH để làm vốn về quê làm ăn. Tất nhiên, không thể thiếu việc “triển khai công tác tuyên truyền chưa kịp thời, đúng mức nên người lao động chưa hiểu được cặn kẽ ý nghĩa, mục đích của các quy định mới của Luật”.

Xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của người lao động, ý kiến của Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính phủ đã quyết định báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh Điều 60 theo hướng: 

Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BH 1 lần hoặc tiếp tục bảo lưu. Nội dung này cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh tương đồng đối với cả người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

V. Hân
.
.
.