Cảnh giác trước nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Thứ Sáu, 11/07/2014, 12:37
Theo Bộ Y tế, dịch sốt xuất huyết (SXH) đã lan ra 42 tỉnh, thành với trên 11.000 người mắc và 7 ca tử vong. Ở nhiều tỉnh, số mắc đã tăng cao so với năm trước và nguy cơ sẽ còn tiếp tục, vì diễn biến đang phức tạp, lại đã vào mùa mưa, trong khi ý thức người dân trong phòng, chống bệnh SXH chưa cao, dễ dẫn đến khó kiểm soát bệnh dịch. Nhằm cung cấp thông tin cần thiết cho bạn đọc về dịch bệnh này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW:

PV: Thưa ông, người đã từng mắc bệnh SXH rồi, liệu có bị mắc lại nữa không?

PGS.TS. Trần Như Dương: Bệnh SXH do virus Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch  được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh SXH lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau, tuy nhiên rất hiếm khi mắc bệnh lại lần thứ 4.

PV: Bệnh có thể lây truyền từ người sang người được không?

PGS.TS. Trần Như Dương: Bệnh SXH Dengue không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi đốt hút máu người mắc bệnh, hoặc người nhiễm virus không triệu chứng rồi lại đốt sang người khác và truyền bệnh. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng không làm lây truyền bệnh SXH.

PV: Xin ông cho biết bệnh SXH thường xảy ra vào thời điểm nào?

PGS.TS. Trần Như Dương: Bệnh thường xuất hiện và gây thành dịch vào các tháng mùa mưa, nhiệt độ trung bình trong tháng cao; ở miền Nam và miền Trung bệnh xuất hiện quanh năm, miền Bắc và Tây Nguyên bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11. Bệnh phát triển mạnh nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10. Chu kỳ của dịch SXH khoảng 3-5 năm một lần. Thường sau một số chu kỳ dịch nhỏ và vừa lại có một chu kỳ dịch lớn xảy ra.

PV: Nguồn truyền nhiễm của bệnh sốt xuất huyết Dengue là gì thưa ông?

PGS.TS. Trần Như Dương: Người mắc bệnh và người nhiễm virus không triệu chứng là nguồn truyền bệnh quan trọng. Trong ổ dịch SXH cứ 1 trường hợp mắc bệnh điển hình, thì đã có hàng chục trường hợp mang virus tiềm ẩn, không có triệu chứng, nhưng vẫn có khả năng là nguồn bệnh để lây cho người khác.

PV: Cách phòng bệnh SXH hữu hiệu nhất là gì, thưa ông?

PGS.TS. Trần Như Dương: Không có bọ gậy/lăng quăng, không có muỗi truyền bệnh thì không có bệnh SXH. Vì thế, biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ; chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy/loăng quăng tại hộ gia đình: đậy kín và thả cá ăn bọ gậy ở các vật dụng chứa nước như bể, chum vại, lu, khạp; vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp xe cũ...; loại bỏ các hốc chứa nước tự nhiên như hốc cây, kẽ lá, gốc tre, nứa quanh nhà; bỏ muối vào các bát nước kê chân chạn (tủ đựng chén bát).  Để phòng chống muỗi đốt, cần mặc quần áo dài che kín tay chân; ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi trong các hộ gia đình. Người bị SXH hoặc nghi bị mắc bệnh phải nằm trong màn, tránh muỗi đốt để không lây bệnh sang người khác. Khi có các biểu hiện nghi ngờ bị mắc SXH cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị kịp thời.

PV: Cảm ơn ông!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.