Cảnh báo và hạn chế thấp nhất hậu quả của lũ quét

Thứ Tư, 10/05/2006, 08:34
TS. Minh (Viện Địa chất) cho biết: Có thể dự báo chính xác địa điểm xảy ra lũ quét, tuy nhiên thời điểm nào xảy ra lại là vấn đề khác, có thể làm được nhưng phải công phu điều tra bằng hệ thống báo mưa, hệ thống theo dõi dịch chuyển của đất đá...

Lũ quét và lốc đã bắt đầu xuất hiện. Nhiều năm qua, hiện tượng trượt lở đất đá, lũ quét xảy ra ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên gây tổn thất rất nghiêm trọng về người và tài sản, nhưng trước đây chúng ta chưa có cách phòng ngừa hữu hiệu.

Những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét

Theo các nhà khoa học Viện Địa chất thì hiện tượng trượt lở đất đá, lũ bùn đá hay lũ quét thường xảy ra ở những vùng địa hình có độ dốc lớn, đất đá không chắc và lượng mưa tăng đột biến. Khối lượng đất đá, bùn đá bị cuốn trôi có thể từ vài ngàn đến cả triệu m3 dọc sông suối, sườn đồi núi dốc và các đoạn đường xung yếu. Riêng lũ quét có sức tàn phá cực lớn trong thời gian quá nhanh khiến mọi cố gắng chế ngự của con người dường như vô hiệu.

Thống kê chưa đầy đủ từ năm 1990 đến 2005 cả nước đã có trên 30 trận lũ quét (chưa kể các trận xảy ra nơi không có dân sinh sống) ở nhiều tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Bình Thuận, Đắk Lắk… làm chết gần 1.000 người, bị thương 700 người, cuốn trôi trên 13.000 ngôi nhà và cơ sở sản xuất… thiệt hại ước tính trên 2.000 tỷ đồng.

Chỉ riêng tỉnh Yên Bái năm 2005 đã xảy ra 5 trận lũ quét, làm chết và mất tích 76 người, hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông và thuỷ lợi quan trọng. Trong đó, có 2 trận xảy ra trên địa bàn huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ gây hậu quả chưa từng có: Cắt đứt hoàn toàn giao thông, điện, điện thoại, hàng vạn m3 đất đá, đường giao thông bị cuốn trôi, 58 người chết và mất tích, 12 người bị thương, thiệt hại 300 tỷ đồng.

Tiến sĩ Vũ Cao Minh, người có gần 20 năm cùng các đồng nghiệp theo dõi hiện tượng này khẳng định, hoàn toàn có khả năng dự báo được địa điểm xảy ra lũ quét để phòng ngừa hiệu quả. Bởi lũ quét có những yếu tố được xem là nguyên nhân như do mưa lớn đầu nguồn, vỡ ao hồ tạm dọc sông, suối đầu nguồn, mưa lớn kết hợp với đá lở… Điều này đạt được nếu tổ chức điều tra đánh giá chính xác lưu vực về địa hình như: Hình dáng lưu vực, độ dốc, độ che phủ thảm thực vật, đất đá… thuộc dạng dễ lở hay ít lở; dự báo lượng mưa hàng năm, lượng mưa trận lớn nhất… Tất cả những yếu tố này hiện chúng ta đều có khả năng làm được, vấn đề là cách tổ chức đầu tư sao cho đúng trọng điểm, đạt hiệu quả.

Theo TS. Minh, căn cứ vào những tài liệu Viện Địa chất thu thập được thì một số vùng ở nước ta luôn có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét: Đó là vùng thị xã Lai Châu (cũ); các huyện lỵ của tỉnh Lào Cai, Yên Bái thuộc khu vực phía Đông dãy Hoàng Liên Sơn; vùng đất Tây Nam dãy Hoàng Liên Sơn, Phù Yên và Bắc Yên (Sơn La), Hoàng Su Phì, Xí Mần (Hà Giang), Yên Minh, Bắc Mê (Hà Giang), Bảo Lạc (Cao Bằng), Bình Liêu, Tiên Yên, Đồng Triều (Quảng Ninh) và một số vùng phía Đông dãy Trường Sơn thuộc khu vực Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng đến Khánh Hòa.

TS. Minh cho biết: Có thể dự báo chính xác địa điểm xảy ra lũ quét, tuy nhiên thời điểm nào xảy ra lại là vấn đề khác, có thể làm được nhưng phải công phu điều tra bằng hệ thống báo mưa, hệ thống theo dõi dịch chuyển của đất đá... tức là tìm ra được các ngưỡng để cảnh báo cho dân biết và phòng tránh kịp thời.

Làm gì để phòng tránh?

Trước những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do đất đá trượt, lũ quét gây ra, giải đáp vấn đề này đang rất bức thiết. Đối với người dân, thì không gì cần kíp hơn việc chủ động xây dựng nhà cửa ở những nơi an toàn, tức là tránh vùng núi cao, khe sâu, đồi dốc, chân vách đá, cửa sông, cửa suối, nơi có tiền sử nguy hiểm… Nâng cao trách nhiệm trồng rừng đầu nguồn để giảm lũ. Nhưng điều chúng tôi muốn nhấn mạnh, là chính quyền các cấp thuộc các tỉnh miền núi, cần sớm ngăn chặn tình trạng làm nhà tự phát, đốt phá rừng bừa bãi mà không hề quan tâm đến thảm họa môi trường.

Hậu quả phá rừng đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, môi trường sinh thái của con người như lũ quét mà ai cũng nhận thấy. Vì thế, để phòng tránh lũ quét lâu dài và hiệu quả, thì việc đầu tiên là các tỉnh phải làm ngay công tác quy hoạch dân cư, đảm bảo dân có chỗ ở an toàn, ổn định lâu dài. Tăng cường trồng rừng đi đôi với quản lý, kiểm soát tốt rừng đầu nguồn.

Một vấn đề khác có liên quan trực tiếp tới lũ quét, đó là việc xây dựng các công trình ở miền núi như cầu, cống, đập tràn, hồ chứa nước… bỏ qua hoặc thiếu điều tra, khảo sát kỹ những yếu tố địa chất, môi trường nơi đặt công trình. Nhiều chuyên gia cho rằng, trận lũ quét khu vực Văn Chấn, Yên Bái năm 2005 có liên quan đến việc xây dựng cống qua đường làm hạn chế dòng chảy và một số yếu tố khác rất cần rút kinh nghiệm. Riêng vấn đề này, Ban phòng chống lụt bão Trung ương cần tổ chức kiểm tra, đánh giá, kiến nghị xử lý đối với từng công trình thuộc khu vực nhạy cảm dễ xảy ra lũ quét.

Khi lũ quét xảy ra, phương án thông tin và tổ chức ứng cứu còn bị động. Nếu điện thoại bị cắt thì coi như không còn cách nào khác để kịp thời ứng cứu và khắc phục hậu quả. Bên cạnh sự cố gắng của các nhà khoa học trong việc lập bản đồ quy hoạch vùng có nguy cơ lũ quét, xây dựng các trạm đo mưa đơn giản tuyến xã… thì  Chính phủ nên đặt ra một chương trình toàn diện nghiên cứu vấn đề này. Trong đó, khắc phục tình trạng bất cập, thiếu kết dính giữa Trung ương và địa phương trong phòng chống lũ quét. Thống nhất nhận thức giữa những người làm công tác quản lý ở các địa phương với các nhà khoa học, là lũ quét hay sạt lở đất đá đều có thể hiểu được trên cơ sở khoa học và hoàn toàn có khả năng phòng tránh

Thanh Phong
.
.
.