Cảnh báo từ những vụ rò rỉ khí gas
>>Cứu hộ trong vụ "nổ bình ga sập nhà ở Tạ Quang Bửu"
Một ngày sau khi sự việc đau lòng trên xảy ra, chúng tôi trở lại Bệnh viên Xanh Pôn nơi hai vợ chồng anh Trần Nhật Minh và chị Nguyễn Thu Ngân (có địa chỉ tại căn nhà số 29, ngõ 22, phố Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) đang được điều trị. Túc trực bên giường bệnh hai ngày nay là bà Nhật - mẹ chồng chị Ngân, nén nỗi đau tột cùng vì cùng lúc mất đi hai đứa cháu nội.
1. Khi chúng tôi đến bệnh viện cũng là lúc đoàn tổ dân phố nơi anh chị sinh sống vào thăm. Biết có đoàn đến, bà Nhật - mẹ anh Minh năm nay đã hơn 70 tuổi đang bón từng thìa sữa cho con trai vội kéo mọi người vào một chỗ. Chưa kịp nói thì bà khóc, khiến những người vào thăm không kìm được nước mắt dù đã hứa với bà không để lộ nỗi buồn ra ngoài.
Có mặt tại bệnh viện, cô giáo dạy thêm toán cho cháu Tâm không ngăn nổi giọt nước mắt thương xót cho cô học trò ngoan ngoãn, thông minh. Sau cánh cửa của phòng bệnh, vợ chồng anh Minh đang nằm điều trị ở hai phòng khác nhau, tâm trạng vẫn đang thấp thỏm chờ tin con khi thấy ai vào cũng hỏi: Các con tôi giờ ra sao?
Nhà anh Minh neo người, hai bố mẹ đều đã hơn 70 tuổi ngày đêm qua lại bệnh viện. Còn nhà chị Ngân năm ngoái bố vừa bị tai biến nằm một chỗ, mẹ ruột thì đang điều trị bệnh tiểu đường nên không ai dám nói ra sự thật. Hiện cơ quan chị Ngân và anh Minh đều tình nguyện thay phiên nhau ngày đêm túc trực ở bệnh viện cùng với gia đình. Nghe tin gia đình anh bị nạn, sáng 4/11, đại diện Ủy ban nhân dân TP Hà Nội đã đến thăm và trao 10 triệu đồng hỗ trợ cho gia đình anh Minh.
Theo bà Nhật thì con dâu bà cho biết: Vào buổi sáng định mệnh, hai vợ chồng chị xuống đi tập thể dục. Khi chị Ngân ngửi thấy mùi gas đã xuống kiểm tra và bật công tắc điện để xem thì vụ nổ xảy ra.
Đồng chí Thiếu tá Quách Thanh Hội, Phó trưởng Công an phường Bách Khoa cho biết: Xung quanh nhà chị Ngân đang được các anh bảo vệ nghiêm ngặt không cho ai vào để cơ quan chức năng tiếp tục tiến hành điều tra làm rõ. Anh cũng cho biết, ngay sau khi nhận được tin, đích thân anh và cán bộ Công an phường đã đưa chị Ngân vào Bệnh viện Thanh Nhàn sơ cứu. Tại đây, chị Ngân liên tục kêu bác sĩ tiêm thuốc để chị chết vì "Em đã giết con em rồi"… Khi đó, các anh liên tục động viên và lấy số điện thoại bên nhà nội chị Ngân để báo cho gia đình. Mọi người đều nén đau thương để chị Ngân và anh Minh không biết việc ra đi của hai con.
Theo bà Nhật, sáng 5/11, cháu Trần Ngọc Tâm và cậu em trai Trần Duy Anh sẽ được họ hàng và bà con khu phố tổ chức tang lễ tại nhà tang lễ Việt Đức.
Hiện trường vụ nổ khí gas tại Hà Nội ngày 3/11 khiến 2 cháu bé thiệt mạng, 2 người lớn bị trọng thương. |
2. Cách đây gần 3 tháng (23/8), tại nhà hàng bia Hải Xồm, địa chỉ tại nhà G - tập thể phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình cũng đã xảy ra vụ rò khí gas, rất may khi xảy ra vụ nổ quán vắng người nên không ai thương vong. Việc đau lòng sáng 3/11 tại căn nhà trên cũng bắt nguồn từ việc rò khí gas khiến bố mẹ mất con, ông bà mất cháu.
Theo Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn phòng cháy chữa cháy, Công an TP Hà Nội: Theo tính chất lý hóa, khi gas đạt đến nồng độ 2 - 10% thể tích trong một căn phòng mà có tia lửa, một ma sát nào thì cũng có thể gây ra vụ nổ. Nếu thấp hơn thì cháy chất gas. Nếu trong trường hợp ngửi thấy mùi gas, việc đầu tiên phải vặn van cổ bình, sau đó là mở tất cả cửa nhà ra. Tuyệt đối không dùng nến, bật lửa… hay bất cứ công cụ gì để giảm nồng độ gas. Việc tắt hay bật thiết bị điện sẽ tạo ra nguồn nhiệt, tia lửa điện. Khí gas lơ lửng chui vào các thiết bị điện sẽ được kích hoạt nổ.
Để nhận biết sự rò rỉ gas, các nhà sản xuất gas đã pha thêm vào gas một chất tạo mùi (bản chất gas không có mùi) rất hôi để người tiêu dùng phát hiện dễ dàng khi có sự cố rò rỉ. Khi ngửi thấy mùi gas, động tác đầu tiên là phải kiểm tra nguồn rò rỉ như thế nào. Tuyệt đối không sử dụng các thiết bị điện và ra khỏi vùng nguy hiểm. Nếu phát hiện chính xác nguồn gas rò rỉ ở van, dây dẫn gas thì việc ưu tiên hàng đầu là cô lập gas bằng cách đóng van an toàn của bình gas. Vụ việc đau lòng xảy ra tại phố Tạ Quang Bửu, có thể ngôi nhà này có kết cấu hạ tầng không chắc chắn và trong một tòa nhà kín thì chỗ nào cấu kiện yếu nhất sẽ bị phá.
Theo quy định, kinh doanh dây dẫn và van gas, các đồ đặc chủng bao giờ cũng phải có một cơ quan kiểm định. Khi đưa vào sử dụng phải phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam (lô hàng phải được hợp chuẩn) thì mới được lưu hành. Hiện nay trên thị trường Việt Nam qua kiểm tra, từ việc điều tra nguyên nhân một số vụ cháy thường là do rò rỉ khí gas.
Các chuyên gia khuyến cáo: Người dân cần tập thói quen khóa van cổ bình (van an toàn bình gas) sau khi sử dụng. Việc khóa van sẽ ngăn rò gas trong trường hợp đai kẹp dây dẫn bị hỏng; dây gas thủng do chuột cắn... Theo phản xạ, nhiều người sẽ bật quạt thông gió, quạt trần để xua mùi. Việc làm này đặc biệt nguy hiểm, tiểm ẩn nguy cơ gây nổ khí gas. Khi đun hết gas, người dân nên khóa chặt van an toàn. Tuyệt đối không mở van bình bởi không khí có thể lọt vào trong, tiềm ẩn nguy cơ phát nổ.
Một gia đình thoát khỏi thảm họa nổ khí gas Chiều 4/11, tại số nhà 97, ngách 172/46 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội đã xảy ra một vụ rò rỉ khí gas nghiêm trọng. Vào thời điểm trên, người dân sống tại khu vực phát hiện mùi gas thoát ra nồng nặc nên đã điện thoại cấp báo cho chủ nhà là anh P. Vũ Hùng |
Phát hiện và xử lý bình gas khi bị rò rỉ: - Phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện gas rò rỉ. Khi phát hiện mùi gas hoặc thiết bị báo phát tín hiệu phải nhanh chóng xác định vị trí bị rò rỉ. Dùng nước xà phòng bôi lên những nơi nghi bị rò rỉ để xác định có bị rò rỉ hay không. Tuyệt đối không dùng ngọn lửa để tìm chỗ rò rỉ. |