Cảnh báo tai nạn tàu cá trên biển

Thứ Năm, 23/09/2010, 15:43
Trong những năm qua, hàng vạn ngư dân đã dong thuyền ra biển, góp công, góp sức để ngành khai thác hải sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương. Song rất nhiều vụ tai nạn tàu cá đã xảy ra, nhiều ngư dân xấu số mãi ở lại với biển khơi. Tai nạn lao động trên biển không những gây thiệt hại nghiêm trọng đến sinh mạng và tài sản của ngư dân, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của ngành Thủy sản. Liệu có giải pháp nào để bảo vệ ngư dân?

Xót biển đau bờ

Đầu tháng 9/2010 chúng tôi có mặt trên tàu cá của anh Trần Văn Lợi, Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình thực hiện cuộc hành trình với các ngư dân thực thụ. Sau gần một ngày quăng quật với sóng biển, thuyền trưởng tắt máy buông neo để các ngư phủ bắt đầu thực hiện công việc của mình. Tôi đưa mắt nhìn quanh chỉ có sóng biển vỗ rì rào, đất liền xa tít tắp, một nỗi sợ mơ hồ xâm chiếm cả không gian. Người thả lưới, người nấu ăn, người bỏ thuyền thúng câu mực… các ngư phủ lặng lẽ theo việc của mình.

Chấp nhận đi biển là chấp nhận "hồn treo cột buồm". Bởi chỉ cần chủ quan, thiếu may mắn các ngư phủ gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Thực tế trên biển: Có tàu cá các ngư phủ do say sưa đánh bắt nên đóng các cửa, nắp hầm không kín nước tràn vào các khoang khi gặp sóng to đánh chìm. Có tàu bị tàu bạn đâm do không có các trang thiết bị tín hiệu như đèn, còi, trang thiết bị hàng hải. Thậm chí có tàu chìm do vì bị va đập khi neo đậu không đúng kỹ thuật. Một tai nạn thường xuyên xảy ra là tàu hỏng máy, bởi hầu hết tàu cá ngư dân ở miền Trung thường sử dụng máy cũ làm máy chính trên tàu, trong lúc đó ngư dân lại không thực hiện đúng các quy trình sử dụng máy tàu...

Ngoài tai nạn khó kiểm soát khi gặp thiên tai bất ngờ như sóng to, bão lớn thì những yếu tố trên đã làm cho ngư dân thi gan với biển cả không phải ai cũng thắng, có những người mãi mãi ở lại với biển khơi. Mới đây thôi, tàu mang số hiệu QB 2522 xuất phát từ đất liền gồm 7 ngư dân đều trú ở Bố Trạch, Quảng Bình vừa ra khơi đánh cá được 1 tuần thì người thân nhận được tin tàu QB 2522 đứt mất buồm lái gặp gió lớn và cả 7 ngư dân đều chết trên biển. Trong số ngư dân mất tích có người vợ vừa mang thai, có người cả cha và con đều gặp nạn, có người định đi chuyến câu mực về để có tiền cưới vợ...

Ngư dân Quảng Bình chuẩn bị cho một chuyến ra khơi.

Trong năm 2009, nguồn tin tổng hợp từ các địa phương và Đài thông tin duyên hải, dọc vùng biển miền Trung đã xảy ra hơn 120 vụ tai nạn tàu cá làm hư hỏng, đắm chìm 97 tàu cá và hơn 700 ngư dân gặp nạn. Trung bình mỗi tháng Đài thông tin duyên hải phải tiếp nhận từ 20 - 25 thông tin cấp cứu từ tàu cá với những sự cố như: hỏng máy, mất liên lạc, vỏ tàu bị phá nước. Điều này cho thấy vấn đề an toàn lao động nghề biển đang đứng trước một thực trạng báo động đỏ. Mạng sống của hàng ngàn lao động nghề biển vẫn đang bị "thả nổi" trên biển.

Bên cạnh đó, theo số liệu điều tra của ngành Thuỷ sản: Để đánh bắt được 1kg hải sản, ngư dân phải nộp vào ngân sách thông qua giá xăng dầu khoảng 605 đồng, bằng 15-17% giá thành sản phẩm. Mặc dầu ngư dân đã được Nhà nước hỗ trợ một phần về xăng dầu và ngành đánh bắt thủy hải sản phát triển, nhưng lợi nhuận đem lại cho các ngư dân lại chẳng là bao. Vì vậy hiện nay mới có chuyện, rất nhiều ngư dân dọc bãi biển miền Trung đang rao bán tàu thuyền đánh cá. Một hiện tượng cần được các cấp, ngành chú ý quan tâm.

Cần bảo vệ những đứa con của biển

Đội ngũ tàu thuyền của ngư dân đủ lớn, đủ mạnh không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo quốc gia. Để giúp đỡ ngư dân tránh được phần nào những rủi ro tai nạn trên biển, ngư dân yên tâm dong thuyền ra biển lớn, Nhà nước cần có chính sách bảo đảm an toàn điều kiện kinh tế hiện tại cho ngư dân. Tạo cơ chế thông thoáng cho ngư dân vay vốn ngân hàng đóng các tàu cá lớn, trang thiết bị hàng hải đúng quy chuẩn để đánh bắt các ngư trường xa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có hướng dẫn và phối hợp với ngành Thuỷ sản các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc công tác quản lý tàu cá tại từng địa bàn... Hiện nay, ngoài lý do khách quan, nhiều chủ tàu đã không chấp hành đầy đủ các quy định hoạt động nghề cá nên để xảy ra các tai nạn đáng tiếc. Vì vậy, ngành Thủy sản cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về đăng ký, đăng kiểm, trang bị an toàn cho người và phương tiện nhằm giúp ngư dân phòng tránh thiên tai, rủi ro, tai nạn trên biển

Dương Sông Lam
.
.
.