Cảnh báo tai nạn giao thông đường thủy mùa mưa bão

Thứ Năm, 31/07/2014, 13:38
TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai là hai địa phương có nhiều nguy cơ tiềm ẩn về TNGT đường thủy nội địa khi mùa mưa bão đến. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đúng luật giao thông đường thủy nội địa, thế nhưng tình hình TNGT đường thủy vẫn diễn biến phức tạp.
>> TPHCM: Sà lan chở bùn chìm trên sông Sài Gòn, ba người thoát nạn

Cục Cảnh sát đường thủy (C68) cho biết, 6 tháng đầu năm 2014 cả nước xảy ra 44 vụ TNGT đường thủy, làm 33 người chết và 8 người bị thương, làm chìm và hư hỏng 48 phương tiện thủy, tổng thiệt hại ước khoảng 2,7 tỷ đồng. Tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2013. Trong 6 tháng qua, trên các tuyến đường thủy nội địa đã xảy ra 68 vụ đuối nước, làm 82 người chết và 24 vụ tai nạn hàng hải, làm 13 người chết và bị thương. Tình hình cho thấy, vấn đề an toàn  giao thông đường thủy đã và đang báo động. Ngoài nguyên nhân chủ quan thuộc về con người, hệ thống giao thông đường thủy tại TP Hồ Chí Minh còn lộ rõ một nguyên nhân khách quan khác, đó là một số cây cầu cũ xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ TNGT.

Theo thống kê của Phòng CSGT đường thủy Công an TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2014 đến nay đã có 3 vụ tàu, sà lan mắc kẹt dưới gầm cầu Bình Lợi có tuổi gần 100 năm. Điển hình như vụ tai nạn sà lan số hiệu KG- 47899, trọng tải 1.000 tấn bị kẹt dưới gầm cầu do nước sông Sài Gòn dâng cao. Phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT) cho biết, hiện có 236 cây cầu các loại bắc qua sông, kênh rạch, có 208 cầu không đạt yêu cầu quy định về độ tĩnh không (Ho < 3m) và 169 cầu không đạt yêu cầu về khẩu độ Bo - khoảng thông thuyền <15m nên đã tạo ra nguy cơ mất an toàn cho đường thủy nội địa khi thủy triều lên. Trong số này có cầu đường sắt Bình Lợi.

CSGT đường thủy Đồng Nai kiểm tra an toàn áo phao.

Mới đây, vào trưa 25/7/2014, một sà lan chở bùn do tài công Huỳnh Văn Hùng (32 tuổi, ngụ Long An) chở 80 tấn bùn, đất đen từ cảng Lotus (quận 7) về cảng Trường Thọ (quận Thủ Đức). Khi đến gần hầm Thủ Thiêm, sà lan chở nặng khẳm đã bị sóng đánh chìm cách đường hầm Thủ Thiêm từ 50 - 100m về phía quận 2. Rất may là các lực lượng chức năng và người dân đã cứu kịp thời vợ chồng anh Hùng và con gái an toàn và hầm Thủ Thiêm cũng không bị ảnh hưởng gì. Tại Đồng Nai, lực lượng CSGT đường thủy luôn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để bảo đảm an toàn cho người và tài sản, pháp luật quy định phương tiện thủy vận chuyển hàng hóa không chở quá vạch dấu mớn nước an toàn (vạch an toàn); người đi đò, phà phải mặc áo phao. Nhưng trong mùa mưa bão đến, tình trạng phương tiện chở quá vạch an toàn, người đi đò, phà không mặc áo phao vẫn xảy ra trên sông Đồng Nai. Những chiếc sà lan, ghe tải lớn chở đầy vật liệu xây dựng xuôi ngược trên sông vẫn diễn ra hàng ngày bất chấp sự cảnh báo của cơ quan chức năng. Từng có những vụ việc TNGT đáng tiếc xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng trên sông Đồng Nai như: Tối 30/4, tàu kéo sà lan LA-00660 do người điều khiển không bằng lái, nhậu say xỉn húc vào dầm cầu Hóa An, khiến các phương tiện lưu thông phải tạm dừng một thời gian dài để sửa chữa, khắc phục sự cố. Trước ngày xảy ra TNGT va dầm cầu Hóa An, một chiếc tàu chở vật liệu xây dựng (trọng tải 60 tấn) của vợ chồng anh Nguyễn Văn H. (ngụ Tiền Giang) trong khi di chuyển trên sông Sài Gòn về cảng Phước Long IDC, quận Thủ Đức chờ lấy vật liệu xây dựng thì bị đứt dây neo, trôi tự do rồi lật úp xuống sông, khiến con trai 3 tuổi của anh đang ngủ cũng bị chìm theo hàng hóa và chiếc tàu.

Theo các cơ quan chức năng nhận xét, các lỗi vi phạm xảy ra trên các tuyến đường thủy nội địa phần lớn là chở quá tải, không đăng kiểm kỹ thuật, chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, quá số người quy định, người điều khiển không có bằng, chứng chỉ chuyên môn, phương tiện neo đậu không chắc chắn, thiếu phao cứu sinh, coi thường PCCC, vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn và luồng chạy tàu, thuyền gây cản trở hoạt động GTVT đường thủy nội địa. Thực hiện tốt và nghiêm chủ đề năm An toàn giao thông 2014 trên đường thủy là “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải, không chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, không chở quá số người được (quy định) chở trên phương tiện”, cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp kiểm tra đường thủy liên ngành (Đăng kiểm thủy - CSGT đường thủy - Thanh tra giao thông). Tình trạng không mặc áo phao cho hành khách còn khá nhiều tại các bến đò, phà ngang thuộc TP.Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú... Công tác kiểm tra tải trọng, chấp hành các quy định về an toàn còn lơi lỏng, cần siết chặt ngay từ các bến, cảng khởi hành và tăng cao mức xử phạt

Hoàng Châu
.
.
.