Cảnh báo đồng bằng sông Cửu Long sạt lở sẽ nặng nề hơn
Những ngày qua, tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL như: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, TP Cần Thơ… liên tiếp xảy ra sạt lở đất bờ sông, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Theo Bộ NN-PTNT, chỉ riêng khu vực ĐBSCL, những năm gần đây, mỗi năm sạt lở đã ăn đứt đến 500 ha đất của vùng với tốc độ sạt lở dọc theo bờ biển lên đến 30-40m/năm.
Sạt lở liên tiếp xảy ra tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. |
Sạt lở bờ sông Tiền và sông Hậu xảy ra nghiêm trọng vào đầu và cuối mùa lũ tại các khu vực điểm nóng như: thị xã Tân Châu, khu vực Châu Đốc, TP Long Xuyên (An Giang); TP Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự; xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Đồng Tháp); TP Vĩnh Long (Vĩnh Long), với quy mô sạt lở từ vài trăm mét đến vài km.
Thậm chí, quá trình sạt lở còn diễn ra trong cả mùa kiệt (khô) và không chỉ xảy ra trên các sông chính mà ngay cả các kênh rạch lớn như: kênh Xáng Xà No (Cần Thơ, Hậu Giang); kênh Vĩnh Tế (An Giang)… Tình trạng sạt lở bờ biển cũng diễn ra phức tạp, theo số liệu mới nhất được tổng hợp từ các địa phương thuộc ĐBSCL của Cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), khu vực này có 20 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài lên đến 200km, chiếm khoảng một phần tư tổng chiều dài bờ biển của vùng. Đặc biệt một số địa phương có tốc độ xói lở mạnh (100m/năm) thuộc dải ven biển như: Tân Hiệp (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang); Hiệp Thạnh, Đông Hải (huyện Duyên Hải, Trà Vinh) (50m/năm); Gành Hào (Bạc Liêu)...
Ông Tăng Quốc Chính, Phó cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai thuộc Tổng cục Thủy lợi cảnh báo: “Qua theo dõi của chúng tôi, ĐBSCL có 265 điểm sạt lở bờ sông ở các cửa sông với tổng chiều dài 450km. Có nhiều yếu tố dẫn đến sạt lở như việc xây dựng các hồ chứa, đập thuỷ điện ở thượng nguồn, khai thác nước ngầm, tác động của biến đổi khí hậu…”.
Đồng quan điểm này, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nêu: “Trước đây, lượng phù sa đổ về ĐBSCL khoảng 160 triệu tấn bùn cát/năm. Sau khi Trung Quốc xây các đập ở thượng nguồn sông Mêkông thì lượng phù sa chỉ còn 75 triệu tấn/năm. Nếu Lào và Campuchia xây thêm đập thì tương lai lượng phù sa này chỉ còn 42 triệu tấn/năm khi đổ về đồng bằng chúng ta”.
Thiếu phù sa sẽ sinh ra hiện tượng “nước đói”, vì vậy lòng sông sẽ “cạp” hai bên bờ sông, bờ biển để bù vào sinh ra sạt lở. Một nguyên nhân gây sạt lở được ông Thiện nhắc đến là việc xây dựng các công trình gần sông làm thay đổi dòng chảy. Những đê, kè trong ngắn hạn sẽ bảo vệ nơi này nhưng sẽ thay đổi dòng chảy làm nơi khác bị sạt lở. “Tại Campuchia cũng bị sạt lở nặng do việc xây đập thuỷ điện. Qua sự theo dõi của các nhà khoa học, việc khai thác cát trên sông Mêkông trong 20 năm qua đã làm đáy sông bị hạ xuống khoảng 10m, đây cũng là nguyên nhân gây sạt lở nặng”.
Về giải pháp, ông Thiện cho rằng Việt Nam cần đấu tranh để Lào và Campuchia dừng xây đập thuỷ điện, không đưa những công trình đắt tiền làm gần sông, biển. UBND các tỉnh cần quản lý chặt việc khai thác cát và xử lý nghiêm “cát tặc”. Ông Christian Henckes, Giám đốc Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP) kiến nghị: “Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như trồng rừng chắn sóng vùng ven biển, xây đê chắn sóng, kè hộ bờ…, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sạt lở xảy ra bởi đây là khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực và sinh kế của người dân”.