Cảnh báo TNLĐ thương tâm vì những máy nghiền thức ăn thủy sản

Thứ Ba, 11/06/2013, 22:15
Vừa qua, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra vụ tai nạn lao động (TNLĐ) hết sức thương tâm, khiến một người chết thảm. Nạn nhân là anh Nguyễn Thanh Phong (38 tuổi, ngụ ấp Bình Phú 2, xã Phú Bình, huyện Phú Tân) bị máy trộn thức ăn cho cá tra nghiền đứt đầu chỉ vì sơ suất trong quá trình làm việc.

Chị Trần Thị Phế (vợ anh Phong) đau khổ đến tột cùng khi nhắc lại chuyện ra đi dột ngột của chồng mình.

Chị Phế nức nở: “Tôi thật là vô dụng quá. Phải chi hôm đó tôi bình tĩnh một chút là anh ấy đâu đến nỗi chết thê thảm như vậy”. Chị Phế cho biết, vào khoảng gần 9h ngày 22/5, khi chảo cám đã được nấu chín, anh Phong cảm thấy mệt trong người nên kêu chị đi mua ca trà đường về uống.

Cách đó khoảng 5m, chị Phế nói vọng vào sẽ đi mua ngay nhưng phải đợi dọn dẹp các bao cám cho gọn. Vừa nói xong, chị đứng dậy nhìn xung quanh thì không còn thấy anh Phong đâu cả. Khoảng 10 phút sau, chị Phế đến gần chảo cám thì phát hiện chồng mình bị cuốn vào bên trong.

Trong lúc quýnh quáng, thay vì chạy đến tắt máy, chị Phế lại tăng ga lên và tri hô để mọi người đến tiếp cứu. Lúc này, ông La Văn Đảo (chủ hầm cá tra) cùng nhiều người khác chạy đến nhưng bất lực khi nhìn thấy một phần đầu của anh Phong đã bị tách rời khỏi cơ thể. Ngay sau khi được kéo ra ngoài, toàn bộ thân anh Phong gần như đã chín trong chảo cám…

Trước đó, ngày 20/2, trên địa bàn tỉnh An Giang cũng đã xảy ra vụ TNLĐ nghiêm trọng, khiến chị Phạm Thị Mỹ Hạnh (41 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú) bị mất 2 chân. Chị Hạnh là công nhân ở bộ phận bốc vác của Xí nghiệp Sản xuất thức ăn Thủy sản Anfoodco (chi nhánh tại ấp Vĩnh Phú).

Theo lời chị Hạnh, khoảng 15h ngày 20/2, do bất cẩn trong quá trình đưa cám vào máy xay, chị rơi chân phải xuống cối xay và bị 4 lưỡi dao phía dưới cắt đứt. Chị đau đớn kêu cứu thì được 3 công nhân đứng gần đó chạy đến định kéo lên. Tuy nhiên, do chiếc máy chế biến thức ăn này có công suất quá lớn nên nó kéo luôn cả chân trái của chị vào rồi nghiền nát.

Một máy nghiền thức ăn thủy sản và chị Hạnh (bên phải) với đôi chân bị đứt lìa sau vụ tai nạn.

Trong khi đó, những người điều khiển máy lại ở trong phòng kính trên cao nên phải mất gần 15 phút sau họ mới biết có người gặp nạn và tắt máy. Đã vậy mà phải mất thêm gần 2 giờ sau, mọi người mới kéo chị ra khỏi chiếc máy trong tình trạng 2 chân bị đứt lìa. “Lúc đó tôi cảm thấy toàn thân mình như tê cứng do mất quá nhiều máu. Khi chồng tôi chạy đến, chứng kiến cảnh này là anh ấy ngất tại chỗ” - chị Hạnh nhớ lại…

Theo ông Đặng Văn Kể, Phó Chánh Thanh tra, Sở LĐ-TB&XH An Giang, mặc dù mỗi năm UBND tỉnh chi khoảng 700 triệu đồng phục vụ công tác tuyên truyền, tập huấn cho người sử dụng lao động và các công tác liên quan khác nhưng tình hình TNLĐ vẫn diễn ra theo chiều hướng tăng về số vụ cũng như số người chết.

Riêng từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn An Giang đã xảy ra gần 10 vụ TNLĐ, làm 5 người chết và 5 người bị thương nặng. Trong đó, anh Phong và chị Hạnh là những trường hợp thương tâm nhất. Nguyên nhân chính dẫn đến những vụ TNLĐ đó là do người sử dụng lao động chưa được huấn luyện về an toàn lao động hoặc còn lơ là trong việc bảo vệ tính mạng của người lao động. Bên cạnh đó, cũng do chính những người lao động quá chủ quan nên vi phạm các quy tắc về ATLĐ.

Do đó, khi để xảy ra TNLĐ thì lại lúng túng trong việc xử lý tình huống để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. “Chúng tôi rất lo ngại về tình trạng mất ATLĐ ở các hộ chăn nuôi, sản xuất nhỏ lẻ nhưng có sử dụng thiết bị là các máy nghiền thức ăn. Bởi họ không phải là doanh nghiệp có số người lao động lớn nên ít được quan tâm nhắc nhở. Mặt khác, việc xử lý vi phạm đối với những hộ này nếu để xảy ra chết người thì cũng chỉ chịu mức phạt từ 5-10 triệu đồng. Trong khi đó, các vụ tai nạn do “thủ phạm” là những chiếc máy nghiền thức ăn như thế này lại thường xuyên diễn ra”, ông Kể cho biết

Đức Văn – T.V.
.
.
.